Cử nhân y tế công cộng có thể đảm nhận được nhiều vị trí khác nhau nên nhu cầu nhân lực ngành này tương đối rộng mở. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp ĐH Y tế công cộng là rất cao, riêng khoá gần đây nhất đạt gần 96%.
> Để làm tốt bài thi môn toán: Hệ thống hóa kiến thức theo từng chương, đề mục
> Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2009 môn hóa học
> Tốt nghiệp THCS có được học cao đẳng?
Đây là những thông tin bổ ích mà đại diện trường ĐH Y tế công cộng và Bộ Y tế cung cấp cho các bạn sinh viên trong buổi “Toạ đàm định hướng nghề nghiệp cử nhân Y tế công cộng” vừa được tổ chức tại trường ĐH Y tế cộng cộng ngày 21/4.
Tham dự buổi toạ đàm có sự tham gia của các địa biểu đến từ các cơ quan chính phủ, phi chính phủ của Việt Nam; các trường ĐH; các dự án; các Sở y tế…
Ngoài mục đích tổ chức hướng nghiệp cho các sinh viên, buổi toạ đàm còn giúp các nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về cử nhân y tế công cộng.
Quang cảnh buổi toạ đàm
Nhu cầu nhân lực ngày càng rộng mở
Theo T.S Bùi Thị Hà – Phó hiệu trưởng trường ĐH Y tế công cộng, cử nhân y tế công cộng có thể đảm nhận được nhiều vị trí khác nhau nên nhu cầu nhân lực ngành này tương đối rộng mở. Trường mới chỉ có 3 khoá tốt nghiệp nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng là rất cao. Khoá 1, 2 đều đạt trên 91%, riêng với khoá 3 đạt gần 96%.
Bà Hà cũng cho biết, số lượng cử nhân y tế công cộng làm đúng chuyên ngành chiếm đa phần. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều đảm nhận công tác ở tuyến trung ương hoặc tỉnh, còn đối với tuyến huyện còn rất hạn chế. Đây cũng là bài toán mà các trường cần phải tính trong thời gian tới nhằm phân bổ nhân lực trải đều theo các tuyến.
GS.TS Trương Việt Dũng – Vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo Bộ Y tế, trưởng khoa Y tế công cộng trường ĐH Y Hà Nội nhận định, năng lực làm việc của sinh viên trường ĐH Y tế công cộng rất tốt. Tuy nhiên xã hội đang có yêu cầu về nhân lực y tế công cộng quá cao. Chính vì vậy các trường cần phải đặt ra câu hỏi là làm thế nào để có thể đào tạo ra đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng.
Ông Dũng có bật mí, hiện nay các trường chưa có chuyên ngành đào tạo ra cử nhân y tế chuyên phụ trách về vấn đề dân số trong khi đó nhu cầu nhân lực đối với lĩnh vực này là rất cao.
“Năm nay trường ĐH Y Hà Nội sẽ mở lại ngành Y tế công cộng và chúng tôi đang có dự định mở thêm cử nhân Y tế công cộng chuyên ngành về dân số học”, ông Dũng cho biết.
Cựu sinh viên bày tỏ, nhà trường lắng nghe
Tại buổi toạ đàm này, một mô hình khá hay đã được trường ĐH Y tế công cộng đưa vào, đó là để cho các sinh viên đã tốt nghiệp bày tỏ những điều được và chưa được về chương trình đào tạo sau khi đã đi làm. Bên cạnh đó, trường cũng mời các nhà tuyển dụng phụ trách trực tiếp các nhân viên trên đánh giá chuẩn mực về năng lực làm việc sau khi được nhận vào làm.
Cách làm “3 nhà, 4 bên” này nhằm nhìn nhận lại về chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng.
Đoàn thị Thuỳ Linh, Cựu sinh viên khoá 2 trường ĐH Y tế Công cộng hiện công tác tại Cục phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế tâm sự: “Thời gian thử việc đối với cử nhân Y tế công cộng rất khó khăn. Mặc dù sinh viên của trường có thế mạnh về phân tích số liệu, lập kế hoạch… nhưng lại thiếu kiến thức trong lĩnh vực bệnh học nên khi nhận công việc thường bỡ ngỡ bước đầu. Tuy nhiên nếu chịu khó học hỏi, nghiên cứu tài liệu thì dần dẫn sẽ quen với các môi trường làm việc đó”.
Nhiều sinh viên đang học tại ĐH Y tế cộng cộng cũng cho rằng: “Cần phải tăng cường kiến thức trong lĩnh vực bệnh học cho sinh viên”.
Theo Phó Hiệu trưởng Bùi Thị Hà, cử nhân y tế công cộng không có chức năng khám chữa bệnh nên thời gian đào tạo kỹ năng về bệnh học còn hạn chế cũng là điều dễ hiểu.
Bà Hà cũng cho biết, hiện này rất nhiều nhà tuyển dụng thường hiểu sai về “Cử nhân y tế công cộng”, họ cứ lầm tưởng là cử nhân ngành này có thể đảm nhận cả công việc chữa bệnh. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các sinh viên đã tốt nghiệp, thời gian tới trường sẽ tổ chức các lớp ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực chuyên ngành; gắn kết với các thầy cô làm việc trong những lĩnh vực chuyên ngành.
“Định hướng mới của nhà trường trong đào tạo cử nhân Y tế công cộng thời gian tới là hướng vào 4 chuyên ngành chính bao gồm: Dịch tễ học; nâng cao sức khoẻ; Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm; Sức khoẻ môi trường và nghề nghiệp. Hướng mới này nhằm đảm bảo sau khi tốt nghiệp, học viên có thể làm được việc ngay mà không cần trải qua quá trình học việc lâu như hiện nay”, bà Hà cho hay.
Tại buổi toạ đàm này, nhiều nhà tuyển dụng cũng đã đóng góp những ý kiến xác đáng cho trường. Theo các nhà tuyển dụng, thì ngoài các kỹ năng về chuyên môn thì cần phải tạo cho sinh viên các kỹ năng mềm khác.
Nguyễn Hùng (Dan tri)
Bình luận (0)