Tôi để ý, năm học nào mà học sinh thi đậu tốt nghiệp cao thì mừng cho năm đó nhưng lại “lo sốt vó” cho năm học sau. Vì thi đậu tốt nghiệp quá dễ như “trở bàn tay” nên các em học sinh năm sau chẳng chuyên tâm học tập, rèn luyện. Vi phạm nhiều lần nhưng hạnh kiểm vẫn xếp loại “tốt” vì chỉ tiêu đầu năm học đưa ra là phải phấn đấu đạt “tốt, khá trên 90%”. Riêng phần học lực cũng “nương tay” cho học sinh “trung bình” hoặc “yếu”.
Phần coi thi thì dùng các mối quan hệ hoặc các hội đồng (nhất là vùng sâu, vùng xa) tổ chức cơm nước; “bao” ăn uống, nghỉ ngơi cho toàn hội đồng. Từ đó, “ăn xôi chùa ngọng miệng” nên việc coi thi cho có lệ; học sinh tự “lan tỏa” trong mỗi phòng thi. Tỷ lệ đậu không cao mới là chuyện lạ! Bi hài nhất là trường trọng điểm, trường chuẩn quốc gia thường không đạt tỷ lệ 100% tốt nghiệp như các trường vùng sâu, vùng xa!
Việc coi thi nghiêm túc, khách quan sẽ triệt tiêu được sự dễ dãi, buông lỏng trong coi thi. Bởi khâu coi thi là khâu quan trọng nhất vì bài vở thể hiện khả năng làm bài của thí sinh; còn khâu chấm thì cứ theo biểu điểm; đâu cần biết bài nào quay cóp, bài nào tự lực làm. Tỷ lệ tốt nghiệp thấp, nhiều học sinh rớt tốt nghiệp là cú sốc cần thiết, cảnh tỉnh tinh thần, ý thức học tập, rèn luyện của các em. Từ đó, các em sẽ phải nhìn lại mình, không học sẽ bị rớt tốt nghiệp như vậy!
Theo tôi, ngành giáo dục cần chấn chỉnh ngay từ đầu năm học này, không thể cứ để tái diễn năm nào, trường nào cũng đậu 99%, 100%! Tỷ lệ tốt nghiệp như vậy cần gì thi nữa, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc phục vụ kỳ thi.
Tôi mừng cho những trường có nhiều học sinh thi rớt tốt nghiệp năm nay. Vì có “sự cố” như vậy thì năm học tới, việc học tập sẽ đi vào nền nếp, đi vào thực chất chứ không còn cảnh thờ ơ, coi thường việc học như những năm trước. Các lớp đàn em sẽ nhìn thấy “tấm gương” của anh chị đi trước mà chăm chú vào việc học tập hơn. Ngược lại, tỷ lệ tốt nghiệp cao chót vót sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan rằng: thầy cô, nhà trường sẽ “lo” cho mình tốt nghiệp. Vì tỷ lệ tốt nghiệp thấp sẽ bị cấp trên cắt thi đua cuối năm, không được danh hiệu “trường tiên tiến…”.
Buồn nhưng vẫn vui vì tỷ lệ phản ánh đúng thực lực của học sinh trường mình, nắm được để kịp thời điều chỉnh việc dạy và học để năm sau có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn, thực chất hơn!
Thạch Hoài Lam
Bình luận (0)