Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh… đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là những vấn đề mà tri đã “đặt hàng” đối với các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026.
Ứng cử viên Trần Kim Tuyền – Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận 5.
Trước “đặt hàng” của cử tri về giải pháp cho chương trình chuyển đổi số cũng như các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP, ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) – ứng cử Đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026, đơn vị bầu cử số 28-huyện Củ Chi cho rằng bản thân ông đã ý thức trách nhiệm trong việc đóng góp cho sự phát triển của TP.
“Với kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, trong điều kiện khả năng, cương vị công tác, tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với tập thể đề xuất các giải pháp đóng góp cho chương trình chuyển đổi số của TP; Kế hoạch xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh; Các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng; các hoạt động giáo dục đào tạo cho thanh thiếu niên trong lĩnh vực CNTT; Các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin trên môi trường Internet…”, ông Lâm Nguyễn Hải Long nói.
Bên cạnh các lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, kinh tế…, cử tri cũng “đặt hàng” ứng cử viên nhiều nội dung liên quan đến giáo dục, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.
Bên lề hội nghị tiếp xúc cử tri Q.11 mới đây, cử tri Ngô Thị Thanh (P.5, Q.11) cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp còn than phiền về chất lượng đào tạo nghề ở một số cơ sở đào tạo. Theo cử tri, hạn chế lớn nhất của lao động là kỹ năng ngoại ngữ và tin học, nếu không được trang bị hoặc trang bị chưa “tới” thì số người cầm bằng tốt nghiệp cũng chỉ dừng lại ở các vị trí lao động phổ thông thì thật là lãng phí.
Cũng quan tâm đến đào tạo nghề, cử tri Nguyễn Văn Tiến (P.3, Q.8) kỳ vọng vào các ứng cử viên về trách nhiệm cùng xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề. Là chủ một doanh nghiệp cơ khí, theo ông Tiến, hiện nay, ký kết hợp tác với doanh nghiệp đã và đang được nhiều trường thực hiện, tuy nhiên phía doanh nghiệp chưa thật sự chủ động tham gia bởi chưa có quyền lợi cụ thể.
“Không thể chỉ nói quyền lợi của doanh nghiệp là chủ động được nguồn lao động, không phải mất thời gian cũng như kinh phí để đào tạo lại bởi mục đích cuối cùng của doanh nghiệp là lợi nhuận”, cử tri Nguyễn Văn Tiến đặt vấn đề.
Sinh viên một trường nghề trong giờ thực hành
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được cử tri Hóc Môn, Củ Chi quan tâm và mong muốn không chỉ lao động địa phương mà lao động nhập cư cũng được hưởng chính sách này để có nghề nghiệp ổn định cuộc sống.
Cụ thể, cử tri Lê Thị Thương (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) nói: Với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, lao động nông thôn cũng phải chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, ngành nghề mới phải phù hợp với đặc thù của từng địa phương, với khả năng của họ, vì vậy cần có sự tư vấn kỹ lưỡng để tránh lãng phí.
Từ những “đặt hàng”’ của cử tri liên quan đến đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng cử viên Đại biểu quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Trần Kim Tuyền – Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM cam kết thực hiện, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt mà đào tạo nghề đang gặp phải. Bên cạnh đó sẽ tập trung vào hoạt động đào tạo bổ sung, nâng cao cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tiệm cận với khu vực và quốc tế.
Trước đó, chia sẻ với cử tri thuộc đơn vị bầu cử số 3 – quận 5, quận 8 và quận 11, ứng cử viên Trần Kim Tuyền đặc biệt nhấn mạnh đến đào tạo nghề gắn với việc làm cho công nhân, người lao động, đặc biệt là công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN.
T.Anh
Bình luận (0)