Theo Điều 27 của Hiến pháp 2013, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử. Theo đó, ngày 23-5 tới đây, rất nhiều HS lớp 12 trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ được đi bầu cử. Lần đầu tiên cầm lá phiếu đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các cử tri HS tỏ ra háo hức, trách nhiệm; đặc biệt các em đã mạnh dạn đề đạt và gửi gắm nhiều nguyện vọng đến các ứng cử viên khi trúng cử.
Tạp chí Giáo dục TP.HCM đăng tải một số ý kiến của các cử tri HS. Theo đó các cử tri HS đều mong các ứng cử viên khi trúng cử sẽ quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho giáo dục, cải cách chương trình, hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp…
+ Đỗ Thu Phương – lớp 12A1, Trường THPT Tenlơman
Vừa tròn 18 tuổi đủ tuổi đi bầu cử, em cảm thấy rất vui. Em đã tìm hiểu về bầu cử, thấy rất dân chủ, cử tri được quyền bầu ra đại biểu mà mình tin tưởng nhất, giúp TP.HCM và đất nước phát triển bền vững.
Là cử tri của huyện Bình Chánh, em đã dành thời gian tìm hiểu tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND. Nhiều ứng cử viên đã xây dựng được chương trình hành động quyết liệt và đề cập đến những vấn đề nóng trong xã hội. Ứng cử viên nào cũng hội đủ yếu tố trở thành người đại biểu của dân.
Em mong rằng các ứng cử viên khi trúng cử sẽ thực sự gần gũi, sâu sát để hiểu về đời sống nhân dân; giải quyết thấu đáo, kịp thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, các đại biểu sẽ quan tâm, đưa ra nhiều chính sách phù hợp để xây dựng trường lớp ở các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa. Có như vậy giáo dục mới phát triển công bằng, trẻ em mới được thụ hưởng giá trị giáo dục như nhau.
Em mong các ứng cử viên khi trúng cử sẽ tạo thêm nhiều sân chơi, môi trường trải nghiệm để HSSV được cọ xát, tiếp xúc với thực tế, thực hành nhiều hơn; có giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Bình Chánh, cải thiện hạ tầng giao thông quốc lộ 50, có giải pháp quyết liệt để trấn áp tội phạm vùng ven.
+ Lê Trần Hiếu – lớp 12A13, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Em đã cùng ba mẹ tìm hiểu về tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên trên địa bàn Q.4. Theo dõi thông tin các ứng cử viên đi tiếp xúc cử tri, em thấy họ đều rất xứng đáng để trở thành đại biểu của nhân dân, với những lời hứa, chương trình hành động sâu sắc, quyết liệt.
Là cử tri trẻ, em kỳ vọng các ứng cử viên khi trúng cử sẽ giải quyết những vấn đề nóng đang tồn tại ở Q.4 như giao thông, an ninh trật tự, quyết liệt và đồng bộ hơn nữa trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt, là một cử tri HS, em mong các ứng cử viên khi trúng cử sẽ quyết liệt hơn trong việc đổi mới giáo dục, giảm tải chương trình, tăng cường việc định hướng nghề nghiệp gắn với thực tiễn. Việc đổi mới giáo dục phải đi vào thực chất hơn là hô hào. Em cũng mong các đại biểu sẽ quan tâm đến vấn đề sân chơi cho lứa tuổi HS.
Hiện nay người trẻ sử dụng mạng xã hội rất nhiều nhưng chưa đủ “sức đề kháng” trước các thông tin xấu độc dẫn đến việc bị lôi kéo; một bộ phận HSSV rơi vào “sống ảo”. Em mong các đại biểu sẽ kiến nghị đưa ra các giải pháp làm trong sạch mạng xã hội, ngăn chặn các thông tin xấu độc để người trẻ có môi trường mạng trong sạch.
Thời gian vừa qua, bản thân em và các bạn được nghe nhiều về câu chuyện khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Nhưng trên thực tế, trong các nhà trường vẫn chưa có nhiều giải pháp để song song với định hướng nghề nghiệp thì khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp cho HS. Em hy vọng, trong nhiệm kỳ tới, các đại biểu sẽ góp tiếng nói trong việc xây dựng chương trình giáo dục liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, khơi dậy khát vọng cống hiến và khởi nghiệp trong HS thay vì quan điểm như hiện nay là HS THPT phải vào ĐH.
+ Nguyễn Phạm Anh Bảo – lớp 12C1, Trường THCS-THPT Tân Phú
Nhìn nhận từ thực tế giáo dục hiện nay và bạn bè mình, em thấy việc lựa chọn ngành nghề của HS vẫn còn thiên về các khối ngành liên quan đến khoa học tự nhiên như kinh tế, ngân hàng, quản trị. Các khối ngành về xã hội ít được quan tâm. Trong khi đó, xã hội đang rất khát nhân lực ở các ngành nghề này. Vì vậy, em mong các ứng cử viên khi trúng cử sẽ có các giải pháp để làm sao chương trình giáo dục có sự hài hòa giữa hai tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; việc dạy khoa học xã hội trong các nhà trường phải thu hút hơn để HS quan tâm, lựa chọn. Các đại biểu có các giải pháp quyết liệt để định hướng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP ở các nhóm ngành mũi nhọn, chủ lực của TP.
Nam Định (ghi)
Bình luận (0)