Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cử tuyển chưa hút người học nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Vì “mộng” học ĐH, CĐ, rất ít người chọn học cử tuyển hệ nghề. Ảnh chụp sinh viên một trường CĐ nghề tại TP.HCM trong giờ thực hành
Trong khi người học cử tuyển cứ chen nhau vào những ngành “hot” như y dược, sư phạm, kinh tế… thì số tỉnh/thành có học sinh – sinh viên theo học các trường nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đáng nói hơn, chỉ tiêu cán bộ biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp đang ngày càng thu hẹp nên hầu hết các tỉnh/thành đều không thể bố trí được đầu ra cho người cử tuyển học nghề.
Lo lắng đầu vào
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH tại Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện nghị định 134 của Chính phủ mới đây cho thấy, cả nước chỉ có 8 tỉnh/thành đã thực hiện chính sách cử tuyển đối với đối tượng học nghề. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long đông nhất, chiếm trên 33%. Kế đến, Tây Nguyên và Đông Nam bộ mỗi vùng chiếm trên 31%. Đồng bằng sông Hồng chỉ có gần 4%.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, dù độ tuổi của đối tượng cử tuyển được mở rộng hơn, tạo thêm thuận lợi cho người học, đồng thời người học được bố trí việc làm ngay sau khi ra trường theo đúng ngành nghề và trình độ đào tạo, thế nhưng tâm lý của phụ huynh lẫn học sinh đều chuộng học ĐH, CĐ chứ không muốn học nghề. Học sinh – sinh viên học cử tuyển có khả năng tiếp thu hạn chế, nhận thức chậm nên kết quả thấp.
Trong khi đó, các tỉnh chưa thực sự quan tâm sâu sát đến vấn đề đầu ra đối với học sinh – sinh viên cử tuyển. Một phần do các đối tượng học cử tuyển phân tán tại nhiều trường khác nhau nên khó theo dõi. Học sinh – sinh viên sau khi ra trường cũng ít liên hệ với UBND tỉnh nên không nắm sát được tình hình “hậu tốt nghiệp”. Các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và một số dân tộc thiểu số không có nguồn học sinh dân tộc tốt nghiệp phổ thông để xét tuyển học nghề theo hệ cử tuyển.
Chật vật đầu ra
Vấn đề bố trí việc làm cho người học nghề dạng cử tuyển còn gặp nhiều hạn chế. Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, chỉ tiêu cán bộ biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp đang ngày càng thu hẹp nên hầu hết các tỉnh đều không thể bố trí được đầu ra cho số sinh viên cử tuyển học nghề. Vấn đề giải quyết việc làm, chế độ cho người học sau khi học xong còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, mục đích của học sinh – sinh viên học nghề theo hệ cử tuyển chủ yếu để sắp xếp làm việc tại các cơ quan quản lý, đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp công ích có nhu cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có hướng dẫn xếp lương cho người tốt nghiệp các trường CĐ nghề, TC nghề vào làm việc gây khó cho các cơ quan tiếp nhận trong việc xếp lương cho các em khi nhận công tác. Một thực tế khác, theo quy định quá thời hạn 6 tháng, người học theo chế độ cử tuyển không được phân công công việc có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo. Thế nhưng, trong thời hạn 6 tháng sau khi tốt nghiệp, người học hệ cử tuyển khó có thể được cơ quan cử tuyển tiếp nhận do đó phải tìm việc làm và không bồi hoàn kinh phí.
Thời gian qua, việc phân bổ chỉ tiêu cử tuyển vào học nghề còn chưa đúng với nhu cầu nhân lực địa phương. Trước thực trạng này, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị các địa phương cần tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu nhân lực, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để làm cơ sở xác định nhu cầu nhân lực thực tế. Bộ còn nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan cử tuyển, tránh tình trạng không kiểm soát được sinh viên sau khi ra trường. Đồng thời, có cơ chế quản lý, phối hợp qua lại giữa các tỉnh, cơ sở dạy nghề và người được cử tuyển trong quá trình đào tạo, bố trí việc làm…
Quan trọng, cần có chế độ tuyển dụng công chức, viên chức và cơ chế chính sách riêng về tiền lương, ưu đãi, hỗ trợ đối với người cử tuyển học nghề làm việc tại các đơn vị đóng ở các xã đặc biệt khó khăn…
Bài, ảnh: M.Tâm
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, dù độ tuổi của đối tượng cử tuyển được mở rộng hơn, tạo thêm thuận lợi cho người học, đồng thời người học được bố trí việc làm ngay sau khi ra trường theo đúng ngành nghề và trình độ đào tạo, thế nhưng tâm lý của phụ huynh lẫn học sinh đều chuộng học ĐH, CĐ chứ không muốn học nghề. Học sinh – sinh viên học cử tuyển có khả năng tiếp thu hạn chế, nhận thức chậm nên kết quả thấp.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)