Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cửa hẹp cho học sinh trái tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 6 diện trái tuyến tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7. Ảnh: H.Triều
Mặc dù biết là trái tuyến do hộ khẩu khác phường hoặc chỉ mới đăng ký tạm trú nhưng nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) vẫn “nuôi” hy vọng cho con em mình vào học các lớp đầu cấp tại các trường “chất lượng cao”. Vậy làm thế nào để những HS đó có “cửa vào” thuận lợi nhất?
Sáng 8-7, theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, Trường THCS Trường Chinh bắt đầu niêm yết danh sách HS vào học lớp 6 theo nguyện vọng PHHS đăng ký. Thầy Trịnh Công Thuận – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Đây là những HS có hộ khẩu ngoài địa bàn phường 12 thuộc diện trái tuyến. Tuy nhiên, theo sự thống nhất của Phòng GD-ĐT, các em đã đủ điều kiện để được vào học lớp 6 tại Trường THCS Trường Chinh”.
Chị Ngọc Xuân ngụ ở phường 10 (Q.Tân Bình) phân trần: “Con trai tôi học Trường TH Lê Thị Hồng Gấm, là HS trái tuyến nhưng gia đình vẫn có nguyện vọng đầu tiên cho cháu vào học Trường THCS Trường Chinh. Tuy nhiên, do cháu chỉ được 19 điểm nên không có tên trong danh sách này”. Theo chị Xuân, hai vợ chồng chị đều tiếc nhưng cũng đành phải chấp nhận vì cháu còn thiếu điểm đầu vào.
Bà Nguyễn Thu Thủy – Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình – cho biết: “Trường THCS Trường Chinh là một trong những trường của quận vài năm gần đây bắt đầu chịu áp lực tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên trường vẫn có chỉ tiêu ưu tiên cho một số HS thuộc diện trái tuyến theo nguyện vọng của PHHS”. Cũng theo bà Thủy, điều kiện đầu tiên là điểm số về học lực nên những em đạt điểm tối đa thường được xét ưu tiên trước. Nếu còn chỗ học thì hạ điểm chuẩn xuống 19,75 như năm học trước và 19,50 như năm học này. Nói như vậy cũng không có nghĩa là HS nào đạt 19,50 đều có tên trong danh sách mà còn xét tới các yếu tố ưu tiên khác như địa lý hay hoàn cảnh của gia đình. Cách làm của Trường THCS Trường Chinh cũng là cách một số trường THCS trong quận thực hiện.
Trong khi đó, Trường TH Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) phải gánh trách nhiệm vô cùng nặng với số lượng HS trong tuyến. Do trường chỉ có 20 phòng học nên hàng năm không đủ chỗ cho HS 5 khối theo học. Ông Nguyễn Minh Châu – nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh – cho biết TH Vĩnh Lộc A là một trường thuộc huyện ngoại thành nhưng nhiều năm nay áp lực tuyển sinh đầu cấp vô cùng lớn. Nguyên nhân là do trường nằm gần khu công nghiệp nên số lượng gia đình công nhân từ các tỉnh nhập cư hàng năm rất đông. Trường lại nằm giáp ranh với Q.Bình Tân nên còn phải làm “nghĩa vụ” với quận bạn nữa. Dù PHHS có nhu cầu rất lớn nhưng nhà trường không dám tổ chức các lớp học bán trú như một số trường TH khác chung địa bàn, tuy nhiên vẫn không “hạ nhiệt” được sự quá tải.
Do chỉ có giấy tạm trú nên để đủ điều kiện cho con nhập  học Trường TH Vĩnh Lộc A, theo lời khuyên của người nhà, vợ chồng anh Lê Văn D. – công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc – đã tìm cách nhờ “cò” chạy KT3. Đây cũng là “đường binh” của rất nhiều người dân sống quanh khu vực này đang có nguyện vọng cho con “tới cái đích mà PH đã ngắm”. Chính vì thế áp lực chạy hộ khẩu bắt đầu “chuyển kênh” sang… công an phường.
Cô Nguyễn Thị Thu Lan – Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Lộc A – chia sẻ: “Nhà trường rất muốn nhận hết con em của nhân dân trên địa bàn vào học nhưng do cơ sở vật chất còn thiếu nên không thể đáp ứng được mọi yêu cầu của người dân, nhất là diện trái tuyến và tạm trú tại địa phương. Có KT3 chỉ là điều kiện cần chứ không phải quyết định tất cả. PH cố chạy KT3 nhưng trường không mở được thêm lớp thì cũng không thể nào nhận vào được”. Khi biết chắc là không còn cơ hội để con vào học Trường TH Vĩnh Lộc A nên anh D. đã nhanh chóng cho con nhập học Trường TH Vĩnh Lộc B theo tuyến.
Hiệu trưởng một trường TH trên địa bàn Q.Bình Thạnh cho biết: Hàng năm vẫn có một số giáo viên đến trường xin cho con cháu vào học theo nguyện vọng. Tuy nhiên nhà trường chỉ có thể linh động ưu tiên cho những HS là con ruột của giáo viên. Nhưng cũng phải chờ đến cuối tháng 7 khi đã ổn định mới có thể trả lời nhận hay không.
Nguyễn Hoàng Anh
Để tránh tình trạng “chạy nóng” hộ khẩu, nhiều quận/ huyện đã đưa ra quy định hộ khẩu chỉ có giá trị trước đó 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Thế nhưng, không ít PHHS vẫn tìm cách vớt vát nên vào thời điểm giữa hè đã bỏ tiền triệu ra “mua” hộ khẩu lo chạy trường cho con. Trong khi đó một số trường đã ra thông báo không nhận hộ khẩu nhập sau ngày 30-5. Đây chính là bài toán nan giải cho lãnh đạo các trường dư chỉ tiêu tuyển sinh các lớp đầu cấp khi phải “giải trình” với người dân. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)