Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cửa mở cho học sinh trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường nghề có thể không còn cảnh đìu hiu khi có chế độ liên thông lên đại học, cao đẳng. 

Nghịch lý của đào tạo và sử dụng lao động nghề hiện nay là các doanh nghiệp luôn than vãn thiếu nhân lực có tay nghề, trong khi các trường nghề lận đận mãi vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.   

 
Ngày càng khó
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2010, chỉ tiêu đào tạo tại các trường CĐ, TC nghề là 360.000 nhưng xem ra, các trường còn lâu mới tuyển đủ dù chỉ tiêu không nhiều. Ông Nguyễn Phan Hòa – Hiệu trưởng trường TC nghề Nhân Đạo, chia sẻ: “Mọi năm trường cũng cố gắng đạt được chỉ tiêu, nhưng năm nay khó khăn quá, không thấy học sinh (HS) vô, đến giờ mới được khoảng 400 em”. Trường CĐ nghề Hàng hải cũng mới tuyển được khoảng 200 HS bậc TC.
Học nghề đắt giá nhưng hiện vẫn ít người học. Trong ảnh: HS khoa Điện – điện tử trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành – Ảnh: Mỹ Quyên
Tình hình tương tự ở trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Thời điểm này năm ngoái tuyển được khoảng 1.500 HS nhưng năm nay chỉ được khoảng hơn 1.000. Chính vì tuyển không dễ dàng, nên trường không còn đặt ra chỉ tiêu. “Chúng tôi tuyển theo nhu cầu chứ không chạy theo số lượng nữa”, Phó hiệu trưởng Đinh Thị Hồng cho hay.
Tâm lý “nhất ĐH”
"Thông tư liên thông vừa được ký kết và chính sách tiền lương sẽ được ban hành, việc tuyển sinh nghề trong những năm tới sẽ sáng sủa hơn "
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề (Bộ LĐ-TB-XH)

Ông  Nguyễn Hồng Minh cho biết: “ Năm 2010 có khóa CĐ nghề đầu tiên ra trường, tỷ lệ có việc làm ngay sau tốt nghiệp đạt 82%, trong đó có nhiều nghề đạt trên 95%. Mức lương của HS mới ra trường bình quân 3,3 triệu đồng/tháng, có HS được hưởng mức trên 5 triệu đồng/tháng”. Tuy vậy, trường nghề vẫn luôn trong tình trạng khó tuyển. Ông Minh đưa ra nguyên nhân: “Có nhiều lý do, trong đó nhận thức của người dân và xã hội với dạy nghề còn hạn chế, còn tâm lý coi trọng việc học ĐH-CĐ chứ không chú trọng việc học nghề. Công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, hướng HS học làm thầy nhiều hơn trở thành thợ giỏi. Chế độ tiền lương theo 3 cấp trình độ đào tạo nghề cũng chưa có. Nhiều nghề nặng nhọc độc hại rất khó tuyển sinh vì thu nhập, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Việc phân luồng HS sau THCS, THPT cũng chưa hiệu quả…”.

Ông Nguyễn Phan Hòa mong muốn: “Nếu như Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với nhau phân luồng HS ngay khi tốt nghiệp THCS thì việc tuyển sinh trong đào tạo nghề sẽ sáng sủa hơn”.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa – Hiệu trưởng trường CĐ Nghề TP.HCM, lạc quan hơn: “Về lâu dài, đào tạo nghề sẽ có được chỗ đứng của mình chứ không còn khó khăn như hiện tại. Nếu như HS học nghề ra trường có cơ hội việc làm tốt, lương cao, được trân trọng… thì từ từ xã hội sẽ tự định hướng lại”.
Giải pháp liên thông
Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH chính thức ban hành thông tư liên tịch về việc đào tạo liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH. Trước sự kiện này, ông Nguyễn Hồng Minh tỏ ra phấn khởi: “Thông tư liên thông vừa được ký kết và chính sách tiền lương sẽ được ban hành, việc tuyển sinh nghề trong những năm tới sẽ sáng sủa hơn”.
Bên cạnh đó, ông Minh cho biết thời gian tới sẽ có nhiều biện pháp thúc đẩy đào tạo nghề như: Tổng cục Dạy nghề sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về học nghề và giải quyết việc làm cho HS, SV sau khi ra trường; xây dựng hệ thống thông tin dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho từng tỉnh, vùng và trên cả nước, đưa thông tin tuyển sinh học nghề đến tận tay HS. Đặc biệt, hằng năm sẽ tổ chức hội nghị tuyển sinh, dự kiến vào tháng 3 hoặc tháng 4, công bố chỉ tiêu, quy chế, định hướng tuyển sinh, và các trường CĐ, TC nghề sẽ đóng góp ý kiến giúp việc tuyển sinh hiệu quả hơn…
Về phần mình, các trường cũng tự thân tìm mọi cách tuyển người học. Trường CĐ Nghề TP.HCM đi về các UBND quận, huyện và các trung tâm giáo dục thường xuyên tư vấn, động viên những HS đang theo học bổ túc tại đây vừa học văn hóa, vừa học nghề. “Khi chúng tôi đặt vấn đề thì được UBND các quận huyện, các phòng giáo dục rất ủng hộ và đồng ý giúp đỡ vì việc này cũng mang đến nhiều lợi ích cho HS”, tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa – hiệu trưởng nhà trường, cho biết. Ngoài ra, trường còn ký kết với các doanh nghiệp, nhận con em của các công nhân về đào tạo các nghề như cơ khí, hàn… Những công nhân giỏi, có thể doanh nghiệp sẽ tài trợ toàn bộ học phí; HS sau khi tốt nghiệp sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm việc…
Cung không đủ cầu
300 doanh nghiệp trong tổng số 1.000 doanh nghiệp tại 15 khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN – KCX) tại TP.HCM đang thiếu lao động trầm trọng. Nguồn để tuyển lao động có tay nghề chủ yếu từ các trường CĐ, TC nghề, thế nhưng số lượng HS tốt nghiệp mỗi năm còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chưa kể nhiều HS tay nghề giỏi chỉ lựa chọn những doanh nghiệp lớn để nộp đơn, do đó doanh nghiệp vừa và nhỏ khó kiếm lao động. Mỗi năm, các KCN – KCX cần khoảng 40 – 50 ngàn lao động, trong đó khoảng 15 ngàn lao động có tay nghề.
(Theo khảo sát của Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM)
Quy định liên thông
Đối với liên thông từ TC lên CĐ hoặc từ CĐ lên ĐH, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo. Đối với đào tạo liên thông từ TC lên ĐH, phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.
Thời gian đào tạo liên thông từ TC nghề lên CĐ và từ CĐ nghề lên ĐH được thực hiện từ 1 năm rưỡi đến 2 năm; liên thông từ TC nghề lên ĐH từ 3 đến 4 năm.
Mỹ Quyên / TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)