Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Cửa mở” cho lao động nông thôn

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể khẳng định, đây là một con số còn khiêm tốn trước thực tế nhu cầu của LĐNT tại TP.HCM là rất lớn. Sự bất cập này kéo dài cho đến khi có quyết định 971…

Chán học nghề vì không có việc làm

TP.HCM gồm 5 huyện ngoại thành và 7 quận vùng ven, có gần 80 cơ sở dạy nghề, 20 TTDN và khoảng 40 trường CĐ-CĐN, TCCN-TCN, năng lực đào tạo hàng năm xấp xỉ 50.000 học viên từ sơ cấp nghề đến TC và CĐ. Đây là lợi thế để triển khai chương trình dạy nghề cho LĐNT. Nhưng con số LĐNT thực sự học để mong có được một việc làm ổn định không nhiều và các trường CĐN, TCN và TCCN cũng chưa thật “mặn mà” liên kết với các huyện, quận vùng ven để đào tạo. Lý do có nhiều nhưng chủ yếu do các trường nghề, phối hợp với các địa phương về điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề ở nông thôn còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu về dự báo dạy nghề cho LĐNT. Công tác dạy nghề mang tính thời vụ, đào tạo cho có hoặc đào tạo ồ ạt một nghề trên cùng một xã, khiến cho học viên sau khi học xong khóa nghề không có việc làm… dẫn đến tâm lý người học chán nản và bỏ cuộc giữa chừng.

Ông Nguyễn Văn Chủ – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân TP – nhìn nhận: Do LĐNT, đa phần lớn tuổi, trình độ văn hóa hạn chế nên họ đến trường lớp, tiếp thu kiến thức có phần chậm và một bộ phận không nhỏ LĐNT có quan niệm là học cho biết, không cần có giấy chứng nhận, Vì vậy số lao động được cấp giấy chứng nhận luôn thấp hơn so với số thực tế đào tạo. Một hạn chế khác là kinh phí dành cho đào tạo học viên có 877.000 đồng/học viên và dạy nghề tại chỗ, giáo viên phải đi xa nên rất khó mời được giáo viên có trình độ chuyên môn cao hợp tác.

Anh Nguyễn Văn Đàm tại Dự án rau sạch của mình ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM

Còn ông Nguyễn Văn Xê – Phó giám đốc, Sở LĐ-TB&XH TP – thì cho rằng: “Đào tạo nghề cho LĐNT hiện chưa đáp ứng kịp yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP. Việc triển khai công tác này còn lúng túng và chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế, thiếu định hướng dài hạn và quy hoạch phát triển kinh tế của từng quận, huyện…”.

Học xong làm liền

Anh Nguyễn Văn Đàm (nhóm trưởng gồm ba cử nhân trẻ) những người dám từ bỏ những công việc ổn định tại các công ty lớn trên TP và có mức thu nhập “khủng” về ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi triển khai Dự án trồng rau sạch (vào tháng 10-2012) trên tổng diện tích 1,2ha rau trồng theo quy trình VietGAP. Hiện nay mỗi tuần cơ sở rau của nhóm cung cấp cho các công ty xuất khẩu khoảng 3 tấn rau sạch các loại với giá bán ổn định từ 12.000-15.000 đồng/kg. “Quyết định 971 giúp chúng tôi “tháo gỡ” nhiều dự định khi thực hiện dự án chưa triển khai được, đó là chuyển giao công nghệ trồng rau sạch cho LĐNT. Tiếp tục vay vốn của ngân hàng để mở rộng cơ sở nuôi cấy giống, đó cũng là cách tạo thêm công ăn việc làm cho lao động tại địa phương”. Ông Trần Quang Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước (Nhà Bè) – cũng cho biết: Hội trực tiếp tổ chức dạy nghề, cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận cho hai lớp (48 học viên), mở hai lớp liên kết đào tạo các hệ chuyên nghiệp cho 126 học viên gắn với công việc sau đào tạo và họ đã có thu nhập ổn định. “Chính phủ ban hành quyết định 971 sẽ giúp cho hội làm được nhiều việc hơn nữa trong liên kết với các trường nghề để dạy nghề không chỉ cho hội viên mà còn cho cả lao động tại địa phương, làm được vậy mới giúp cho thanh niên, người lao động yên tâm làm ăn để ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu”, ông Vinh nói. Từ quyết định 971 tháo gỡ nhiều khó khăn, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) có 328 hộ trồng rau được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; 59 hộ được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; giải quyết cho 32 lao động là con em của gia đình nghèo được đi học nghề sau đó về làm tại Hợp tác xã Ngã Ba Giồng, thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. “Những khó khó khăn về ngân sách trước đây giờ đã được tháo gỡ, từ đó chúng tôi hỗ trợ cho LĐNT được đi học nghề và trước khi học nghề đã biết mình sẽ làm ở đâu hoặc sau khi học nghề xong sản phẩm mình sản xuất ra đã có nơi bao tiêu, thu nhập ổn định… Có thể nói đến thời điểm này, LĐNT chúng tôi đã thành công từ việc thực hiện quyết định 971”, bà Cao Thị Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng đánh giá từ thực tế.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Theo quyết định 971, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH công lập và ngoài công lập; viện nghiên cứu, trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; doanh nghiệp, hợp tác xã, nông trường, lâm trường, trang trại và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Được tham gia đào tạo nghề cho LĐNT bằng nguồn kinh phí quy định trong đề án này và được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp đối với giảng viên, giáo viên; kỹ năng dạy học đối với người dạy nghề; nghiệp vụ quản lý dạy nghề cho LĐNT đối với cán bộ quản lý.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)