Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cửa trung cấp rộng mở

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường ĐH, CĐ đang chuẩn bị công bố kết quả tuyển sinh năm 2009. Với hàng trăm ngàn thí sinh muốn tiếp tục con đường học hành nhưng chưa đạt được kết quả thi như mong muốn, hệ thống các trường trung cấp, trường nghề là một lựa chọn thích hợp.

Với sự phát triển công nghệ như hiện nay, việc học bậc trung cấp đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy tốt. Trong ảnh: sinh viên thực hành nghề điện công nghiệp tại Trường CĐ Nghề VN – Singapore – Ảnh: Đ.T.D.
Điểm chung của các trường trung cấp, trường nghề trong tuyển sinh là xét tuyển. Vì thế, trừ một số ít ngành phải thi năng khiếu, thí sinh không phải trải qua bất kỳ một kỳ thi căng thẳng nào. Căn cứ xét tuyển có thể là học bạ THPT hoặc điểm trung bình các môn có liên quan đến ngành học, kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Những thí sinh đã dự thi ĐH, CĐ 2009 còn có thêm kết quả điểm thi để xét tuyển. Thậm chí với hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề, những thí sinh chưa tốt nghiệp THPT (được chứng nhận đã hoàn thành chương trình học lớp 12) vẫn có thể đăng ký xét tuyển, sẽ được học bổ sung và dự kỳ thi để chứng nhận đạt trình độ THPT ngay trong các trường TCCN, trường nghề.
Vẫn rộng cửa vào ĐH, CĐ
Có một thực tế là rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT mong muốn được vào học ĐH, CĐ. Đây là ước muốn hết sức chính đáng. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng thực hiện được ngay. Ngược lại, học sinh sẽ dễ dàng thực hiện mong muốn này sau khi hoàn thành chương trình học tại các trường TCCN, trường nghề nếu còn khát khao học tập. Với quy định hiện tại, học sinh sau khi tốt nghiệp TCCN (nếu đủ điều kiện) có thể được xét tuyển thẳng hoặc dự thi để học lên trình độ CĐ, ĐH. Tương tự, học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp nghề cũng được phép liên thông lên trình độ CĐ nghề. Việc học liên thông không quy định học sinh trung cấp phải theo học trình độ cao hơn ngay trong năm tốt nghiệp nên học sinh có cơ hội đi làm, tích lũy kinh nghiệm và kể cả kinh phí để chuẩn bị học tiếp.
Bên cạnh đó, theo học tại các trường TCCN học sinh vẫn nhận được các chế độ, chính sách như chế độ miễn giảm học phí, chế độ học bổng khuyến khích học tập. Tương tự, học sinh theo học ở các trường nghề tùy theo đối tượng có thể được nhận học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu, học bổng khuyến khích học nghề.
Học sinh thuộc diện miễn giảm học phí còn được miễn giảm học phí tại các cơ sở đào tạo công lập; hỗ trợ học phí đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở đào tạo dân lập, tư thục theo mức 200.000 đồng/tháng; mỗi năm học sinh, sinh viên được trợ cấp một lần 300.000 đồng (mua sách vở, quần áo), trợ cấp hằng tháng 180.000-355.000 đồng (tùy theo đối tượng). Học sinh còn có thể vay vốn học tập theo chính sách vay vốn được áp dụng cho sinh viên, học sinh các trường ĐH, CĐ, TCCN.
Học gì, học ở đâu?
Tuyển sinh 2009, cả nước có trên 570 cơ sở đào tạo TCCN gồm cả các trường TCCN và bậc TCCN trong các trường ĐH, CĐ, tuyển sinh trên 400.000 học sinh. Hầu hết các tỉnh thành đều có cơ sở đào tạo TCCN và cũng như thế, hệ thống các trường nghề được phân bố đều ở các địa phương. Tùy vào hoàn cảnh và thế mạnh học tập của mình, học sinh có thể tham khảo kỹ về các trường, các ngành để chọn trường, ngành thích hợp nhất.
Một số ngành nghề được quan tâm nhiều trong những mùa tuyển sinh gần đây là cơ khí chế tạo, sửa chữa – khai thác thiết bị cơ khí, cơ khí ôtô, điện tử công nghiệp, xây dựng dân dụng và công nghiệp, điện lạnh, hàn, cơ điện, thiết kế thời trang, chế biến thực phẩm, công nghệ – kỹ thuật môi trường, kỹ thuật truyền hình, các ngành nghề liên quan đến kinh tế như kế toán, tài chính, thống kê… với học sinh học tốt toán, lý. Học sinh học tốt toán, hóa cũng có thể tham khảo các ngành nghề liên quan đến thực phẩm, môi trường, các ngành nghề liên quan đến y dược như y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên gây mê hồi sức, kỹ thuật viên xét nghiệm, kỹ thuật viên phục hình răng… Học sinh học tốt các môn toán, sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành nghề liên quan đến nông – lâm – ngư nghiệp.
Tương tự, học sinh học tốt các môn văn, ngoại ngữ hoặc văn, sử có thể chọn các ngành nghề liên quan đến du lịch, khách sạn như hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân hay các ngành nghề liên quan đến dịch vụ hành chính như văn thư, lưu trữ, thư ký văn phòng, các ngành nghề liên quan đến báo chí, xuất bản… Trong nhóm các ngành liên quan đến du lịch, hành chính còn rất nhiều ngành được các trường xét tuyển với những học sinh có khả năng học tốt hai môn văn và toán. Các trường CĐ, trung cấp nghề cũng có những ngành nghề xét tuyển tương tự.
Các trường TCCN tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Cụ thể có ít nhất ba đợt: tháng 3 – tháng 4, tháng 6 – tháng 8 và tháng 11 – tháng 12 hằng năm. Trong khi đó, các trường nghề cũng tổ chức tuyển sinh liên tục. Do hiện nay các trường nghề tổ chức đào tạo theo môđun nên có thể mở lớp giảng dạy bất cứ lúc nào khi nhà trường nhận được hồ sơ đủ để tổ chức một lớp học. Hồ sơ xét tuyển, thí sinh có thể liên hệ trực tiếp với các trường để được hướng dẫn cụ thể. Lệ phí xét tuyển: 30.000 đồng/hồ sơ TCCN.
Học trung cấp cần khả năng tư duy tốt
Theo nhiều giáo viên dạy TCCN, dạy nghề, một trong những lý do khiến học sinh ít chọn bậc học này là vì có tâm lý sau khi học xong chỉ làm lao động chân tay thuần túy. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển công nghệ như hiện nay, việc học và làm việc của những học sinh bậc trung cấp đòi hỏi phải có tư duy tốt.
Thực tế ngay trong quá trình học, để giải quyết một bài học thực hành, học sinh phải nắm vững không chỉ kiến thức lý thuyết của bài học đó mà còn phải nắm rõ nhiều kiến thức cơ bản. Đây cũng là đòi hỏi để học sinh trung cấp luôn phải nâng cao trình độ văn hóa song song với việc phát triển tay nghề.
ĐOÀN TỪ DUY (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)