Thương những học trò nghèo mỗi ngày phải cuốc bộ hàng cây số đến trường, thầy giáo Hoàng Hữu Kiều (giáo viên Trường TH-THCS Linh Thượng, huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã trích số tiền thu nhập từ “cua” dạy thêm môn tiếng Anh hàng tháng, vận động thêm các mạnh thường quân để tặng xe đạp, học bổng, hỗ trợ cho các em học sinh nghèo, học sinh mắc bệnh hiểm nghèo ở các miền quê còn nhiều khó khăn!
Những chiếc xe đạp nghĩa tình được thầy Kiều tặng cho học sinh nghèo ở Gio Linh
Từ cậu trò nghèo nơi làng hoa An Lạc
Thầy Hoàng Hữu Kiều không nói nhiều về mình, nhưng đôi mắt luôn ẩn một miền kí ức sâu xa về những tháng năm thơ ấu nhọc nhằn và nỗ lực vươn đến giảng đường, trở thành một giáo viên tâm huyết với nghề, với trò, nhất là trò nghèo. Câu chuyện của thầy bên ly trà chiều, sau giờ tan lớp trầm bổng, đứt đoạn nhưng luôn cuốn hút người nghe.
Thầy Kiều sinh năm 1977, trong một gia đình thuần nông, đông anh em tại làng hoa An Lạc, bên dòng sông Hiếu yên bình của thành phố Đông Hà. Là người con thứ 7 trong gia đình có 9 anh em, bố tàn tật, mẹ bán bánh mỳ, hành trang quen thuộc của cậu bé Hoàng Hữu Kiều từ năm lớp 6, cùng với sách vở và quyết tâm học tập, chính là một cái ấm nhôm, một cái ly nhỏ, rong ruổi từng ngày tại chợ Đông Hà, bến xe bán nước chè cho khách bộ hành, những người bán hàng nơi đây. Số tiền kiếm được, Hoàng Hữu Kiều dành dụm để đóng học phí, may áo quần sắm sửa sách vở để cho bản thân và những người em của mình cùng đến trường. “Ngày đó, dù phải đi bộ rất xa, từ nhà đến trường ngót hơn 3 cây số, nhiều bữa đến trường mà bụng đói meo nhưng tôi cùng với các chị em của mình, chưa một ngày nghỉ học. Lên cấp 3, cuộc sống quá khó khăn, đôi khi tôi mơ hồ lo sợ ngày mình không được đi học. Những lúc như vậy, tôi cố gắng hơn để kiếm tiền trang trải cho việc học”, thầy Kiều bộc bạch.
Những ngày tháng đi học của Hoàng Hữu Kiều là những ngày tháng nhọc nhằn với bao nhiêu công việc khác nhau để trang trải việc học cho bản thân và các em, từ bán nước, bán vé số dạo, bán hoa nhà trồng được, kéo xe thuê… Những công việc và hoàn cảnh gia đình đã rèn luyện cho Hoàng Hữu Kiều tính nhẫn nại, sự kiên trì và quyết tâm hoàn thành ước mơ vào đại học, để thay đổi tương lai của bản thân. Điều đáng trân trọng, là dù cuộc sống vất vả, khó khăn như thế nhưng Hoàng Hữu Kiều vẫn luôn là tấm gương học tập cho nhiều bạn trong lớp noi theo, là lớp trưởng, bí thư chi đoàn trong suốt những năm cấp 2, cấp 3 và đại học.
Đến những “cua” xe đưa học trò đến lớp
5 năm trở lại đây, kể từ ngày chuyển công tác từ một ngôi trường ở thị trấn lên với miền tây Gio Linh, “cắm bản” với học trò thôn Khe Me (xã Linh Thượng), bất kể ngày nắng hay ngày mưa, ngoài giờ đến lớp, người ta thấy hình ảnh một thầy giáo lang thang tìm mua xe đạp cũ ở những cơ sở phế liệu khắp thành phố Đông Hà – nơi cách trường thầy dạy học tới hơn 20 cây số. Nghe ở đâu có xe đạp, thầy liền tìm đến ngắm nghía, thử đạp, mua thêm những phụ liệu thay thế cái đã hỏng rồi buộc lên xe máy chở về. Đôi khi gặp cơ sở có ba bốn chiếc xe cũ vẫn còn đi được, thầy dùng số tiền ít ỏi trong túi mua một chiếc chở về, số xe còn lại thầy đặt cọc vài chục ngàn, đôi khi số cọc ấy chỉ là niềm tin rồi hẹn vài hôm sau có tiền quay trở lại. Nhiều người hồ nghi việc làm của thầy, có người lắc đầu bảo thầy “hâm”, có người tưởng nhầm thầy đi… buôn phế liệu. Cũng có chủ cơ sở phế liệu tốt bụng cho thầy thêm các phụ liệu cũ còn dùng được để thầy sửa sang lại xe đạp cũ đã mua. Xe mua xong, thầy xắn tay áo sửa sang chạy êm, rồi lại chở đến những nơi trò cần để trao tận tay. Khi thì thầy có mặt ở một ngôi trường vùng Đông lắm cát khó nghèo, lúc khác thầy lại xuất hiện ở một ngôi trường tận miền trung du hay miền núi xa xôi. Ở đâu cũng thấy hình ảnh thầy giáo với chiếc xe máy đằng sau chở xe đạp và nụ cười thật ấm. Thầy nói, nếu thuê xe thồ thì tiền chuyên chở đôi khi còn mua được thêm một chiếc xe đạp khác cho học trò. “Có nhiều học trò sáng sớm đi bộ 6, 7 cây số giữa trời mưa, sương mù giăng khắp. Nhìn các em thương quá, cứ nghĩ đến những năm tháng ấu thơ của mình nên mình nghĩ ra cách giúp các em có được chiếc xe đạp đến trường. Ban đầu mình tặng xe cho học trò trong trường, sau đó mở rộng ra các trường khác còn khó khăn”, thầy Kiều chia sẻ.
Để có tiền mua xe cho học trò, mỗi tháng ngoài đồng lương giáo viên và dạy thêm vài suất trang trải cuộc sống, thầy luôn dành hẳn một suất dạy gọi là “Cua xe đạp” để dành tiền mua xe tặng học sinh. “Cuộc sống ai cũng phải còng lưng làm việc để mưu sinh, nuôi sống gia đình và lo toan nhiều thứ khác, nhưng chỉ cần nghĩ đến và thương học trò thì sẽ thu xếp được”, thầy Kiều nói.
Niềm trăn trở với học trò không đơn thuần là việc tặng cho trò những chiếc xe đạp. Với thầy Kiều đó là niềm xúc cảm. Xúc cảm trước sự khó nghèo, thiếu thốn. Cũng là động lực để trò nỗ lực hơn. Kí ức của thầy Kiều vẫn nhớ rõ nỗi khát khao có được chiếc xe đạp đến trường ngày xưa và suốt mấy năm ròng rã sau ngày tốt nghiệp đại học, nhận dạy học ở một ngôi trường cách xa nhà ngót 13 cây số, mỗi ngày thầy vẫn cần mẫn với những vòng quay xe đạp để đến trường. “Mình nhớ đến cảnh mình đã trải qua, thương học trò trước nỗi thấp thỏm âu lo bị đứt đường học nên cứ động viên, tiếp sức được cho các em chừng nào hay chừng ấy”, thầy Kiều trải lòng.
Ngoài giờ dạy, thầy Kiều đi khắp nơi tìm mua xe đạp, tặng học trò nghèo
Tấm lòng thương trò của thầy Kiều lâu dần lan tỏa đến nhiều mạnh thường quân. Từ đó có thêm nhiều người chung tay cùng thầy tặng xe đạp, học bổng. Đến nay, thầy Kiều cùng mạnh thường quân đã trao khoảng 50 chiếc xe đạp cũ và mới cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các trường trên địa bàn huyện; quyên góp hơn 50 triệu đồng tặng các học sinh mắc bệnh hiểm nghèo tại các điểm trường Gio An, Hải Thái, Linh Hải và Gio Hòa (thuộc miền tây Gio Linh) cùng nhiều phần quà là sách vở, áo ấm cho các em học sinh tại Gio Linh, Linh Thượng với trị giá gần 100 triệu đồng…
Bên cạnh một tấm lòng thảo thơm dành cho học trò, thầy Kiều còn là một giáo viên tiếng Anh có chuyên môn vững, nhiệt tâm với học trò. Thầy được biết đến là người đa tài như: giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử 40 năm truyền thống của Đảng bộ và nhân dân huyện Gio Linh”; là MC các cuộc thi do ngành tổ chức như Hội khỏe Phù Đổng, Cuộc thi kể chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh. Thầy cũng từng là Bí thư Chi đoàn Trường THCS Gio Việt – ngôi trường vùng Đông Gio Linh mà thầy nhận công tác đầu tiên sau tốt nghiệp đại học năm 1999, tiếp đến Trường THCS Thị trấn Gio Linh; Tổ trưởng Hội đồng môn tiếng Anh huyện Gio Linh; Giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm liền…
Nhà cách trường hơn 20 cây số, mỗi ngày thầy vẫn đi về mặc mưa hay nắng. Nhiều người thắc mắc sao thầy không xin về phố để gần nhà hơn, thầy Kiều bảo, dạy học không chỉ công việc đầy trách nhiệm mà đó còn là tình thương, là niềm xúc cảm sâu xa của một trái tim người thầy trước những học sinh miền ngược còn lắm thiệt thòi, vất vả là có thật nhưng thầy nhận về mình phần thiệt để không học sinh nào phải ở lại phía sau!
Phan Hàn Giang
Bình luận (0)