Cục máu đông còn được biết đến với tên gọi huyết khối, có thể vỡ ra làm thuyên tắc phổi và nghẽn mạch máu, gây tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể và dẫn đến tử vong.
Khi được hỏi những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, nhiều người cho biết đó là huyết áp cao, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và AIDS, nhưng không hề nghĩ đến một "sát thủ thầm lặng" vô cùng nguy hiểm đó là cục máu đông hay còn gọi là huyết khối.
Cảnh giác với khó thở, ho ra máu
Theo Everydayhealth, chứng huyết khối là nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh tim, đột quỵ và huyết khối tĩnh mạch sâu (VTE) – một tình trạng mà trong đó các cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chân và có thể đi ‘du lịch’ trong hệ thống tuần hoàn và sau đó lưu trú ở phổi, gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu phổi. Thuyên tắc phổi là bệnh lý rất nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong rất cao.
VTE có thể ngăn ngừa được, nhưng hầu hết bệnh nhân chết vì VTE một cách đột ngột nhiên do có rất ít hoặc không có cảnh báo. Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo cục máu đông gồm: khó thở, đau ngực, chóng mặt, mạch nhanh, ngất, tụt huyết áp hoặc ho ra máu.
Mỗi năm, tại Mỹ ước tính có khoảng 100.000 – 300.000 người chết vì VTE và hơn 500.000 người chết ở châu Âu. VTE gây ra tử vong tại Mỹ và châu Âu nhiều hơn ung thư vú, bệnh HIV, và tai nạn xe cơ giới.
Cục máu đông tấn công những ai?
Những người dễ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu thường có có khối u, mới trải qua phẫu thuật, người phải nằm một chỗ, người cao tuổi, hút thuốc, thừa cân, béo phì, ngồi lâu trên một hành trình dài.
Ngoài ra, hầu như mọi phụ nữ mang thai đều có khả năng hình thành huyết khối tĩnh mạch trong suốt thai kỳ và sau khi sinh từ 4 – 6 tuần, do nồng độ oestrogen tăng cao nên dễ đưa đến huyết khối. Áp lực giãn nở tử cung cũng làm cho dòng máu chuyển động chậm, rối loạn dòng máu cũng đặt bà bầu vào nguy cơ bị huyết khối cao hơn.
Tương tự như tình trạng có thai, dùng thuốc ngừa thai loại uống, hoặc điều trị hormon thay thế trong các trường hợp tiền mãn kinh cũng làm nồng độ oestrogen tăng cao trong máu nên dễ dẫn đến nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
Một số nghiên cứu cho thấy một chuyến du dịch phải ngồi bất động hơn 4 tiếng đồng hồ khiến máu nghẽn lại cũng là nguyên nhân dẫn đến hình thành huyết khối.
Dân văn phòng nên cẩn thận
Theo Everydayhealth, khi khối máu tụ không còn, chứng huyết khối tĩnh mạch sâu có thể để lại một số biến chứng không hề dễ chịu chút nào. Bạn có thể bị sưng tấy trong thời gian dài, đổi màu da, và đau ở vùng bị nghẽn mạch. Các triệu chứng này được gọi là hội chứng hậu huyết khối, thông thường có thể xuất hiện hàng năm trời sau khi khối máu tụ đã được phá bỏ.
Ngoài ra, khi các cục máu đông trong phổi (chưa tan và tái phát), có thể làm tăng huyết áp phổi mạn tính – một tình trạng mà trong đó áp suất động mạch phổi trở nên cao kinh niên, dẫn đến các triệu chứng như khó thở khi tập thể dục và suy giảm chức năng tim.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là căn bệnh thường gặp đối với những người ít vận động, đặc biệt là dân văn phòng thường phải làm việc trong tư thế ngồi nhiều. Bởi vậy, chớ nên coi nhẹ các triệu chứng và bỏ qua các cảnh báo về huyết khối tĩnh mạch sâu.
Thụy Khuê (TNO)
Bình luận (0)