Bảo mẫu cũng như giáo viên, thường xuyên tiếp xúc và có ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển nhân cách của học sinh.
Theo ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, vai trò của bảo mẫu trong trường học rất quan trọng. Họ không chỉ là người lo chuyện ăn, uống, ngủ nghỉ của học sinh mà còn rèn kỹ năng tự phục vụ, văn hóa ăn uống, xếp hàng… trong việc phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, không chỉ cần có những chính sách cải thiện cuộc sống, bảo mẫu còn xứng đáng được xã hội tôn vinh. Thế nhưng bấy lâu nay, việc tuyển dụng cũng như chế độ lương bổng dành cho những người làm nghề này không được coi trọng.
Một số nơi đào tạo
Tiến sĩ Trần Thị Phương – Trưởng khoa Giáo dục mầm non trường ĐH Sài Gòn, cho biết trường này thường xuyên mở những khóa đào tạo cô nuôi dạy trẻ. Chương trình học diễn ra trong khoảng 6 tháng (cả lý thuyết lẫn thực hành). Tiến sĩ Phạm Thu Hương – Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng khoa học GD trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cho hay trung tâm này có tổ chức 2 loại hình đào tạo: bảo mẫu cho các trường tiểu học và THCS; cô nuôi dạy trẻ cho các trường mầm non. Theo tiến sĩ Hương, cô nuôi dạy trẻ là những người làm công tác chăm sóc trẻ và hỗ trợ cho giáo viên. Họ không thể đứng lớp giảng dạy vì chứng chỉ đào tạo ngắn hạn (6 tháng).
|
Thiếu chuyên môn, nghiệp vụ
Theo thống kê, TP.HCM thiếu 7.253 bảo mẫu trên tổng số 9.066 lớp mầm non. Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Dung nhận xét: “Nếu tình trạng trên kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ mầm non. Điều này xuất phát từ việc tuyển bảo mẫu là vô cùng khó khăn và nguyên nhân chính là do không có biên chế nên tất cả thu nhập của bảo mẫu đều trông chờ vào khoản phí phục vụ bán trú”.
Trong khi đó, tỷ lệ bảo mẫu bình quân cho mỗi lớp tiểu học trên địa bàn TP.HCM hiện chỉ đạt 0,6 người/lớp. Ông Lê Ngọc Điệp phân tích: “Thu nhập của bảo mẫu quá thấp, chẳng có chế độ ưu đãi gì nên các trường cứ mải miết đi theo vòng luẩn quẩn: Hè bảo mẫu không có lương, phải đi tìm việc khác; đầu năm học trường lo tuyển người mới; rồi đến hè lại bỏ việc… Cứ thế, đội ngũ bảo mẫu luôn thiếu kinh nghiệm làm việc”. Ông Điệp cho hay sở GD-ĐT không có quy định tiêu chuẩn về tuyển dụng lực lượng bảo mẫu trong trường học. Do đó, nhiều trường tự đưa ra yêu cầu về trình độ, sau đó gửi đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Thế nhưng, vì khoản thu phí dịch vụ này quá thấp nên việc đưa đi bồi dưỡng cũng không được thường xuyên. Quận nào có quan tâm thì mở lớp bồi dưỡng, còn lại mỗi trường tự hướng dẫn nhau.
Ông Tạ Tân – Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, cho rằng: “Việc tuyển dụng hiện không có tiêu chuẩn cụ thể. Các trường thường yêu cầu bảo mẫu có sức khỏe, tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, do nguồn tuyển khó khăn nên nhiều khi trường phải nhận luôn nhân viên chỉ mới hoàn thành bậc THCS. Thử hỏi, lương èo uột như vậy mà đòi hỏi bằng cấp, chứng chỉ bảo mẫu nữa thì lấy đâu ra?”.
Cô Bảo Châu, bảo mẫu trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.Tân Bình, TP.HCM) quản trẻ trong giờ ngủ trưa – Ảnh: N.L |
Xóa bảo mẫu?
Theo bà Văn Thị Diệu – Hiệu trưởng trường công lập Mầm non 9 (Q.5), trường này hiện có 8 “cô ba” (tên gọi khác của bảo mẫu). Trong mỗi lớp, “cô ba” chuyên chăm sóc các cháu, dọn dẹp vệ sinh, còn 2 cô chính (giáo viên) dạy dỗ chuyên môn. Bà Diệu cho hay nhà trường vận động, khuyến khích bảo mẫu đi học nâng cao để trở thành giáo viên, để có cuộc sống ổn định hơn. Cũng theo bà Diệu, chủ trương của nhà trường tới đây là không tuyển bảo mẫu nữa, thay vào đó là nhân viên phục vụ.
Bà Nguyễn Kim Cúc – Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Trí Đức 1 (Q.Tân Phú), cũng đồng ý với chủ trương này. Bà nói: “Trường hiện chỉ còn 4 bảo mẫu và phần lớn các cô đang đi học nâng cao để chuyển sang làm giáo viên. Năm tới, trường không còn bảo mẫu”. Bà Cúc giải thích: “Các cô giáo vừa chăm nuôi vừa dạy các cháu là tốt hơn cả. Cô giáo gắn kết với các cháu như người mẹ với con thì tình cảm mới thực sự nảy sinh. Tuy nhiên, để giảm tải cho các cô giáo, trường sẽ giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà vệ sinh cho những nhân viên tạp vụ. Mô hình 2 giáo viên + 1 vệ sinh viên/lớp hiện đã được chúng tôi áp dụng ở Nhà trẻ Trí Đức 1”.
Lương dưới mức cơ bản của Nhà nước
540.000 đồng/tháng là mức lương cơ bản của 12 cô giáo trường Mầm non bán công Nhơn Phong (H.An Nhơn, Bình Định). Từ tháng 1.2011 đến nay, các cô chỉ nhận vỏn vẹn mức lương ấy nhân với hệ số bằng cấp. Tính trung bình, giáo viên ở đây (đều có thâm niên giảng dạy trên 10 năm) chỉ thu nhập khoảng 1 triệu/tháng. Trong số đó, có hai cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tỉnh.
Mức chi trả này được ông Lê Công Tâm, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong, giải thích: “Trong 5 năm trở lại đây, Nhơn Phong chưa đấu giá được miếng đất nào, ngân sách xã lại đang thâm hụt. Năm nào xã cũng thiếu 3 tháng lương cho cán bộ. Hơn nữa, chúng tôi thực hiện theo mức quy định trong đề án năm 2009 của huyện”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến – Phó phòng GD huyện An Nhơn, cho biết: “Hầu hết các xã, thị trấn của huyện đều đã trả theo mức lương cơ bản của nhà nước là 830.000 đồng/tháng, chỉ có duy nhất xã Nhơn Phong là trả cho giáo viên mầm non mức lương đó”.
T.T.Duyên
|
Theo Như Lịch – Bích Thanh
(TNO)
Bình luận (0)