Ngoài những bài giảng lý thuyết và thực hành đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo, giáo viên ở trường nghề cần có một “giáo trình đặc biệt” dành cho học sinh, sinh viên (HS-SV). Giáo trình đó không soạn chung cho tất cả HS-SV, mà với mỗi em sẽ có một giáo trình khác nhau.
Ông Phạm Phú Thọ (chuyên gia trưởng nghề cơ điện tử) cùng học sinh của mình trong phòng thực hành
Đại diện các trường TC, CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều có chung đánh giá là chất lượng đầu vào hiện nay của các trường cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS có học lực thấp, ý thức học tập kém, chưa ngoan… Để giúp các em lấy lại căn bản, thích thú hơn với việc học nghề, giáo viên phải mất rất nhiều công sức, vừa dạy… vừa dỗ.
Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) cho rằng, không thể phủ nhận học lực của HS vào trường nghề ngày càng được nâng lên. Chất lượng đầu vào quyết định chất lượng đầu ra, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Theo bà Thủy, việc vừa dạy văn hóa vừa đào tạo nghề cho học sinh sau THCS không hề đơn giản. Với những em có ý thức học tập tốt, nhận thức được vai trò của học nghề thì giáo viên sẽ đỡ vất vả hơn. Trong khi đó, một giáo viên có nhiều năm vừa dạy nghề vừa làm công tác HS ở một trường nghề chia sẻ, với không ít HS quen được gia đình nuông chiều thì giáo viên phải có một phương pháp tiếp cận, giáo dục khác. Khi các em làm điều gì sai, giáo viên không thể đưa ra hình phạt, điều này càng làm các em tổn thương, bị sốc, nguy cơ bỏ học rất cao. “Chúng tôi chọn biện pháp giáo dục nhẹ nhàng, làm bạn với các em và tạo cho các em độ tin tưởng nhất định. Từ đó các em thoải mái giãi bày những gì mà mình đang gặp phải ở trường cũng như ở nhà. Với phương pháp này, những em quen được gia đình nuông chiều “lớn” hẳn lên, tự xây dựng cho mình một kế hoạch bài bản và hoàn thành tốt kế hoạch đó đến giáo viên phụ trách cũng bất ngờ”, giáo viên này nói. Tương tự, ông Tô Huỳnh Thiên Trường (chuyên gia nghề lắp cáp mạng thông tin) đúc kết, với những HS đã xác định học nghề sau THCS ngay từ đầu thì hầu như không gặp vấn đề về tâm lý. Riêng những em rớt lớp 10 THPT công lập, phải vào trường nghề thường bị sốc, tâm lý bất cần thể hiện rất rõ. Lúc này, ngoài đào tạo chuyên môn, giáo viên còn là một chuyên gia tâm lý, gần gũi trò chuyện thường xuyên để hướng các em có suy nghĩ tích cực hơn. Chỉ có như vậy mới mong thay đổi suy nghĩ của các em, từ đó các em có ý thức học tập tốt hơn. Lê Huỳnh Đông (HS ngành kỹ thuật cơ khí Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng) chia sẻ: “Khi đăng ký học nghề, em bị sốc vì bị bạn bè chế giễu rằng “học nghề là hết đường”. Em đã cố gắng vượt qua cú sốc ấy và giành được học bổng ngay năm học đầu tiên. Đến thời điểm này em có thể khẳng định sự lựa chọn học nghề của mình là đúng đắn. Có được kết quả này là nhờ các giáo viên trong trường đã gần gũi, chịu khó lắng nghe những gì em chia sẻ, qua đó kịp thời giải quyết khúc mắc về tâm lý của em. Giáo viên ở trường như là cha mẹ, là anh chị trong gia đình – đây là một trong những động lực để em phấn đấu học tập thật tốt”. Thầy Lê Nguyên (giáo viên dạy nghề cơ khí) khẳng định, ngoài những bài học thực hành đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo thì giáo viên cần có một “giáo trình đặc biệt” dành cho người học. Giáo trình đó không soạn chung cho tất cả mà với mỗi em sẽ có một giáo trình khác nhau. “Bản thân tôi là giáo viên hợp đồng, dạy hết môn hết khóa là xong nhiệm vụ, nhưng trong thời gian dạy cũng như sau khi đã kết thúc khóa học, các em vẫn thường xuyên liên lạc, tham khảo ý kiến trước khi quyết định việc gì đó, từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Trong số đó có những em lười học, chuyên gây gổ rồi đánh nhau và từng bị coi… hết thuốc chữa”, thầy Nguyên chia sẻ. Thầy Nguyên cho biết thêm, HS học nghề sau THCS thường có suy nghĩ chưa chín chắn, còn nông nổi. Do đó, giáo viên đào tạo nghề phải theo kiểu “cầm tay chỉ việc”; tuy nhiên, đây cũng là lợi thế để giáo viên nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các em.
Ông Phạm Phú Thọ (chuyên gia trưởng nghề cơ điện tử) cho biết, trong nhiều năm đứng lớp, ông thấy có nhiều HS học văn hóa bình thường nhưng năng lực học nghề rất tốt. Thường những em này hay “quậy” nhưng khi đã chọn cho mình một nghề phù hợp với năng lực, sở thích là học rất hăng say. Trong đó có những em đã từng được huấn luyện tham gia các kỳ thi tay nghề từ cấp TP, quốc gia đến khu vực.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)