Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cúm A/H1N1 bùng phát: Trường học có còn an toàn?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngồi ăn chung như thế này rất dễ lây nhiễm cúm A/H1N1 (ảnh chụp tại Trường Nguyễn Khuyến ngày 23-7)

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP.HCM đã có gần 100 giáo viên (GV), học sinh (HS) và sinh viên (SV) của Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm (Q.9), Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến, Trường ĐH Rmit, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường Tiểu học Kumon bị nhiễm cúm A/H1N1. Điều đó cho thấy môi trường học đường đã không còn an toàn…
Cùng ăn, cùng ngủ rồi… cùng nhiễm bệnh
Điều tra dịch tễ các ca bệnh tại Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm và Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến cho thấy, khoảng 90% ca bệnh ở nội trú.
“Các em ở nội trú nên ăn chung, ngủ chung với nhau. Trong phòng ngủ, giường tầng được kê san sát với nhau. Ở nhà ăn cũng vậy, các em ăn cùng một giờ, ngồi cùng bàn với nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lây lan nhanh. So với các ca bệnh khác thì những ca bệnh tại Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm có thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ từ 1 đến 2 ngày”, bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận xét về ổ dịch đầu tiên ở khu vực trường học.
Các ca dương tính với cúm A/H1N1 ở Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến cũng ở nội trú. Trước khi phải vào bệnh viện điều trị, em N.T.N.L. (ca dương tính đầu tiên tại ổ dịch Trường Nguyễn Khuyến) và những ca bệnh tiếp theo của trường đã ở chung phòng và ăn tại nhà ăn của trường với hàng ngàn HS khác. Do vậy, số ca dương tính ở Trường Nguyễn Khuyến chắc chắn sẽ lên tới vài chục ca, thậm chí là hàng trăm ca.
Chưa hết, khi phát hiện ca bệnh, cả Trường Ngô Thời Nhiệm và Nguyễn Khuyến đều cho HS đã qua khám sàng lọc về nhà. Nhưng trên thực tế các em đang trong thời gian ủ bệnh, bằng chứng là tại Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Lắc đã xuất hiện các ca dương tính với cúm A/H1N1 là HS của 2 trường Ngô Thời Nhiệm và Nguyễn Khuyến (TP.HCM). Điều đó cho thấy virus cúm A/H1N1 đã được phát tán khắp nơi, như vậy ai cũng có thể trở thành nạn nhân của dịch bệnh này…
Điều mà ngành y tế cũng như ngành giáo dục lo lắng là từ đầu tháng 8 đến tháng 9, 23 triệu HS-SV sẽ tựu trường. Lúc đó sự an toàn của hàng trăm trường nội trú, bán trú với hàng chục triệu HS-SV sẽ rất khó đảm bảo…
Hiện nay sĩ số HS ở nhiều trường bán trú trên địa bàn TP.HCM khá đông, từ 40 – 45 em/lớp, thậm chí là 50 – 55 em. Giờ ngủ, cả lớp nằm dài trên bàn, mỗi em chỉ cách nhau khoảng 30 – 40 cm. Theo đó, chỉ cần một HS nhiễm bệnh là có thể lây cho 1/2 lớp thậm chí là cả lớp. Bác sĩ Nguyễn Trần Chính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho biết: “Trong một lớp học, chỉ cần một HS hắt hơi, sổ mũi, ho thì virus cúm đã nhiễm khắp cả lớp, đặc biệt là những lớp học có máy lạnh. Vì vậy cần phải cho cả lớp nghỉ học”…
Nguy hiểm hơn, ở những trường tổ chức bán trú, vào giờ ăn vài trăm HS ngồi ăn san sát nhau, trung bình 6 – 8 HS/bàn. Các lớp ngồi gần nhau, HS của lớp này trò chuyện với HS của lớp kia nên khả năng bệnh từ lớp A lây sang lớp B là điều khó tránh khỏi.
Trường nào chưa có Ban chỉ đạo thì chưa khai giảng
Trước sự gia tăng đến chóng mặt của các ca bệnh như hiện nay, có ngày tăng thêm 30 – 35 ca, thật là khó để đảm bảo trường học sẽ miễn nhiễm với cúm A/H1N1. Huống hồ như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã khẳng định: “Cúm A/H1N1 vào trường học là giai đoạn nguy hiểm”…
Và theo ông Triệu thì trước ngày khai giảng phải tập huấn công tác phòng bệnh cho tất cả các trường học. Bởi, “Khi có kiến thức, GV sẽ dễ dàng phát hiện ca bệnh sớm trong lớp học và báo ngay cho y tế. Có như vậy mới hạn chế tối đa sự lây lan, hạn chế những biến chứng và nguy cơ tử vong cho ca bệnh”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế nhấn mạnh. Về phía HS, các em cũng cần phải được trang bị kiến thức để tự giám sát sức khỏe, các em có ý thức phòng bệnh cho cộng đồng. HS chỉ đi học khi biết chắc mình không mang mầm bệnh vào trường học…
Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng I cho rằng: “Công tác phòng chống dịch bệnh cúm A/H1N1 cần phải cụ thể. Ngay từ bây giờ, nhà trường cần làm vệ sinh, sát khuẩn bằng thuốc cloramine. Chuẩn bị đầy đủ xà bông cho HS rửa tay, thậm chí phải sử dụng đến nước rửa tay nhanh bởi rửa tay là cách phòng bệnh tốt nhất”.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Tất cả các trường đều phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1. Ban chỉ đạo phải thực hiện 4 công việc, đó là: phổ biến tờ rơi phòng chống cúm A/H1N1 đến tay 100% HS-SV; làm sạch vệ sinh trường học; sẵn sàng phát hiện và xử lý ca bệnh; nhà trường phải xác định được đơn vị y tế nào trực tiếp hỗ trợ mình khi có ca bệnh xảy ra. Trường nào chưa thành lập được Ban chỉ đạo thì chưa được khai giảng”.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị mỗi lớp học nên có một vài máy cặp nhiệt độ để sáng thứ 2 hàng tuần HS tự đo thân nhiệt cho nhau, em nào có thân nhiệt cao thì báo ngay cho nhà trường. Để dịch bệnh không có cơ hội lây lan, từ nay đến cuối học kỳ I (năm học 2009-2010), hạn chế tối đa việc giao lưu giữa các trường…
Bài & ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)