Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cúm A/H1N1: Đừng để chết vì chủ quan

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phòng cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 ở Bệnh viện Nhiệt đới, TP.HCM
Trong vòng ba ngày (từ ngày 3 đến ngày 5-6), các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã xác nhận có 3 bệnh nhân tử vong và một bệnh nhi suýt mất mạng vì cúm A/H1N1. Điều đó cho thấy, người dân không thể tiếp tục thờ ơ với dịch bệnh nguy hiểm này.
Người lớn, trẻ em đều “dính” cúm A/H1N1
Bệnh nhân N.X.T (49 tuổi, Q.3, TP.HCM) nhập viện Bệnh viện Gia Định TP.HCM ngày 24-5 trong tình trạng sốt cao, khó thở và viêm phổi nặng. Hai ngày sau, do có biểu hiện suy hô hấp nên bệnh nhân được chuyển vào khu vực điều trị cách ly. Đến ngày 3-6 thì bệnh nhân tử vong với chẩn đoán cuối cùng là suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng, xơ gan do rượu, suy thận cấp và dương tính với cúm A/H1N1.
Cùng ngày, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bệnh nhân  L.K.S (61 tuổi, Tam Nông, Đồng Tháp) cũng đã tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Trước đó, ngày 1-6, bệnh nhân được bệnh viện tỉnh chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy  trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp nặng. Điều tra dịch tễ cho thấy, trước khi nhập viện 7 ngày, bệnh nhân có ăn thịt vịt đã nấu chín nhưng ông không phải là người trực tiếp làm thịt vịt.
Hai ngày sau (ngày 5-6), cũng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân  L.T.C.V (24 tuổi, làm việc tại Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM) đã tử vong do mắc cúm A/H1N1. Trước đó, chị V. có biểu hiện sốt nên đã tự ý mua thuốc về uống nhưng sau ba ngày vẫn không bớt nên chiều ngày 31-5, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Q.9. Lúc này, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân khá yếu – sốt cao 39,5OC, thai 34 tuần tuổi – tim thai suy. Các BS đã chẩn đoán bệnh nhân bị sốt siêu vi và chuyển ngay đến Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày 2-6 bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và đã tử vong.
Ngày 5-6, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi (3 tuổi, Tam Nông – Đồng Tháp) do có dấu hiệu sốt, ho, đau bụng. Đặc biệt, bệnh nhi là cháu ngoại của bệnh nhân L.K.S đã tử vong ngày 3-6 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy, bệnh nhi dương tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, do được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên bệnh nhi đã qua khỏi tình trạng nguy hiểm.
Đối tượng nào dễ tử vong?

Buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch trên thành cầu Chợ Cầu, Q.12, TP.HCM. Ảnh: Yến Hoa

Theo BS. Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM thì: “So với cúm mùa (cúm thông thường), cúm A/H1N1 không có triệu chứng nào  khác biệt. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Người mắc cúm A/H1N1 cũng có các triệu chứng như cúm mùa, đó là sốt cao, đau nhức cơ toàn thân, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.Cũng như cúm mùa, bệnh cúm A/H1N1 diễn tiến lành tính, người bệnh sẽ khỏi trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân diễn tiến nặng dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, phù phổi và tử vong”.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS…), người già, trẻ em là những đối tượng dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A/H1N1. Do vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.
Trên thực tế, ba trường hợp tử vong nói trên đều thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Cụ thể, bệnh nhân N.X.T mắc bệnh xơ gan, bệnh nhân L.K.S lớn tuổi, còn bệnh nhân L.T.C.V thì đang mang thai.
Để chủ động ngăn ngừa bệnh cúm A/H1N1, Bộ Y tế khuyến cáo: “Khi có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, người bệnh nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng. Với những người chưa mắc bệnh nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm”.
Đối với các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường. Đối với các cơ quan, xí nghiệp, trường học, cần chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên để kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng – chống, tránh lây bệnh cho những người xung quanh; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phòng – chống cúm.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)