Không nhiều người hiểu hết những công việc thầm lặng, bền bỉ của giáo viên quản nhiệm. Họ cùng học, cùng ăn, cùng ngủ và cả cùng tâm tư với học sinh đằng sau cánh cổng trường nội trú.
Giáo viên quản nhiệm Trường THPT dân lập Thanh Bình ôn bài cùng học sinh khối 12 – Ảnh: Như Hùng |
Một tuần làm việc của thầy Nguyễn Hữu Đệ bắt đầu từ 6g sáng thứ hai và kết thúc lúc 11g30 trưa thứ bảy. Đó cũng là nhịp sống quen thuộc của gần 70 quản nhiệm khác trong khu nội trú nam Trường THPT dân lập Thanh Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM. Mỗi quản nhiệm được phân phụ trách một lớp và phải theo sát mọi hoạt động của lớp với lịch làm việc dày đặc và nghiêm ngặt về thời gian.
“Đồng hồ” di động
Cần có chuyên môn Theo những giáo viên làm quản nhiệm lâu năm, nghề quản nhiệm ra đời xuất phát từ nhu cầu của các trường dân lập, tư thục có tổ chức nội trú. Những trường THPT dân lập, tư thục đầu tiên của nước ta nay đã có tuổi đời 19-20 năm. Ban đầu, các trường chỉ tuyển người làm giám thị, nhưng dần dần nhu cầu cần phải có người theo sát học sinh, có chuyên môn để giúp học sinh học bài, có khả năng nắm bắt tâm lý lứa tuổi và có thể quản lý được mọi hoạt động ăn ngủ, sinh hoạt của học sinh ngày càng cao. Các trường bắt đầu tuyển người có bằng sư phạm và bồi dưỡng để trở thành quản nhiệm. |
Lịch làm việc của thầy Đệ, khối trưởng khối 9, phụ trách lớp 9A như sau: 5g15 gọi cả phòng dậy làm vệ sinh, 5g30 cho các em tập thể dục, 5g45 cùng các em ôn bài, 6g30 cho học sinh di chuyển xuống nhà ăn, ăn sáng và nghỉ ngơi, đúng 7g vào tiết học đầu tiên.
Trong lúc học sinh học, quản nhiệm túc trực ở hành lang để giữ nề nếp và phụ giúp giáo viên khi cần. 10g25 đưa các em đi ăn trưa và sau đó về phòng nghỉ. 13g15 quản nhiệm lại gọi học sinh dậy đi học và tới 17g ăn cơm, 17g30 học sinh đi tắm, chơi tự do, 18g30 phụ đạo cho học sinh đến khoảng 21g. Quản nhiệm ngủ chung phòng với học sinh.
Quản nhiệm làm thay công việc của giáo viên chủ nhiệm, của phụ huynh, bảo mẫu, y tá… và cả làm bạn, làm anh chị của học sinh. Nhiều người nói vui nghề này biến giáo viên quản nhiệm thành chiếc “đồng hồ” di động.
Thức trước khi học trò ngủ dậy, ngủ sau khi học trò đã lên giường. Trường nội trú thường được ví với các trường quân đội bởi tính kỷ luật thép và thực hiện nề nếp giờ giấc nghiêm ngặt. Điều đó khiến những giáo viên quản nhiệm lâu năm trong nghề cứ đúng 5g sáng là mở mắt, 11g trưa là đưa học sinh xuống nhà ăn và 6g chiều là gọi học sinh đi tắm, mà không cần phải nhìn đến đồng hồ.
Lịch làm việc dày cộng với những áp lực trong nghề như việc quán xuyến học sinh, chịu trách nhiệm về học lực, đạo đức, sức khỏe của học sinh, xử lý các xích mích tuổi mới lớn, tư vấn các vấn đề tâm lý, tình cảm, gia đình, làm việc với phụ huynh… khiến nhiều quản nhiệm chỉ trụ lại với nghề được một thời gian ngắn.
Nhưng với những “cây đa, cây đề” trong nghề quản nhiệm như thầy Đệ thì nghề này đã trở thành duyên nghiệp của cuộc đời, không nỡ rời xa. 17 năm trong nghề đã cho thầy một tài sản quý giá: đó là kinh nghiệm. Thầy nói vui: “Chính học trò là người dạy mình, kinh nghiệm bắt nguồn từ học trò. Giờ thì có khi chỉ nhìn thoáng qua là biết học trò sắp làm gì, đôi nào đang có… tình ý với nhau, hay em nào đang có chuyện buồn, bức xúc để tâm sự, xử lý kịp thời”.
Căng thẳng mùa thi
Không phải ngẫu nhiên mà tỉ lệ nữ quản nhiệm không nhiều. Các cô giáo thường ít cứng rắn và so về độ dẻo dai, bền bỉ để chấp nhận và trụ lại với nghề thì khó bằng được các thầy giáo, nhất là với những nữ giáo viên đã có gia đình.
Nhưng với cô D., 63 tuổi, quản nhiệm lâu năm ở khu nội trú nữ Trường THPT tư thục Đ, Tân Phú: “Tụi nhỏ thức mình phải thức, tụi nhỏ ngủ yên mình mới đi ngủ. Mùa thi thì mình ngủ ít đi để thức canh các em học bài, xem có em nào mệt mỏi, đói bụng gì không.
Quản nhiệm làm thay cả những công việc của cha mẹ: nhắc ăn, nhắc ngủ, nhắc tắm, nhắc đánh răng, nhắc học. Vậy nên chỉ một thời gian giáo viên quản nhiệm gắn bó với các em lắm, có những chuyện các em không tâm sự với gia đình nhưng lại tâm sự với cô quản nhiệm”.
Để chăm sóc học sinh kỹ lưỡng nhất, tại nhiều trường dân lập, tư thục nội trú, số lượng quản nhiệm chiếm tới hơn 50% biên chế của trường. Tại cơ sở 1 Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến có 28 lớp nhưng có tới 40 quản nhiệm, chưa kể quản nhiệm khu nội trú. Trong mỗi phòng học đều có kê bàn dành riêng cho quản nhiệm. Các giáo viên quản nhiệm sinh hoạt ăn, ngủ, học tập giống như lịch học của học sinh.
Thầy Lê Hữu Khương, tổng quản nhiệm cơ sở 1 của Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, cho biết: “Giáo viên quản nhiệm có trách nhiệm thay người cha, người mẹ chăm sóc các em về cả sức khỏe, tinh thần lẫn học tập. Phải răn đe, nghiêm khắc nhưng cũng phải thấu hiểu tâm lý của học trò để giúp các em vượt qua những vấn đề tâm lý. Phải có tình yêu thương học trò và lòng yêu nghề thật sự mới giúp các thầy, cô giáo trụ lại lâu năm với nghề này”.
LƯU TRANG (Theo TTO)
Bình luận (0)