Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” cho học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại nhiều trường thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu: THPT Vũng Tàu, THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Hòa Bình, THPT Hòa Hội…


Chuyên gia tư vấn cho học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu

Chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT).  Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM là đơn vị đồng hành.

Tại mỗi ngôi trường, các em học sinh đều được ban tư vấn cung cấp những thông tin bổ ích về việc chọn ngành, chọn nghề,  thông tin về thị trường lao động, tư vấn tâm lý…

TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) gợi ý, các em có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xác định nghề, tìm kiếm thông tin về nghề, ngành, trường. Có những ngành nghề chỉ cần học trung cấp, cao đẳng nhưng cũng có những ngành nghề phải học đại học. Giai đoạn 2, các em kiểm tra sự phù hợp của mình đối với sự lựa chọn, xem bản thân có thể theo đuổi để học tập và làm việc trong tương lai. Giai đoạn 3 là lập kế hoặc thực hiện ước mơ.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học tạo ra trí thông minh, vạn vật kết nối cho ra đời nhiều ứng dụng phục vụ đời sống. Theo đó sẽ có những việc làm mất đi nhưng cũng có những việc làm mới ra đời. Cho nên các em không nên lo lắng, yêu thích ngành học nào cứ mạnh dạn lựa chọn”, bà Mai cho biết.

Trước thông tin về ngành nghề, một số học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu băn khoăn: “Làm thế nào để xác định được điểm mạnh và mục đích chọn nghề trong khi thành tích học tập không được nổi trội?”. Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho rằng, việc xác định được điểm mạnh của bản thân phải trải qua một quá trình, các em phải căn cứ vào sản phẩm, kết quả của mình trong quá trình học tâp. Ví dụ, các em quan tâm đến ngành khoa học máy tính phải xác định mình có giỏi công nghệ chưa; muốn làm ca sĩ phải xem bản thân có giọng hát hay không… Việc căn cứ điểm mạnh thôi vẫn chưa đủ, các em phải dựa vào đam mê, thị trường lao động, hoàn cảnh gia đình.


Học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Tại Trường THPT Hòa Bình, em Trần Ngọc Như Ý (lớp 12A2) quan tâm đến ngành Quan hệ công chúng. ThS. Vương Văn Khởi (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, đây là ngành học liên quan đến hoạt động truyền thông, xây dựng hình ảnh đẹp đến khách hàng, công chúng. Ngành Quan hệ công chúng có 2 hướng lựa chọn. Hướng tổ chức sự kiện đòi hỏi người học phải có khả năng lên kế hoạch, quản lý thời gian, nhạy bén, chịu áp lực cao… Hướng báo chí, truyền thông tập trung xây dựng nội dung, viết bài, kịch bản… “Những năm gần đây, ngành Quan hệ công chúng rất được quan tâm, sinh viên học ngành này ra trường đều tìm được việc với thu nhập cao”, ThS. Khởi thông tin.


Học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu tham dự chương trình tư vấn

Giải đáp cho học sinh về ngành công nghệ ô tô, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, ngành này tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử, công nghệ chế tạo máy… Sinh viên học ngành công nghệ ô tô được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô -máy động lực, hệ thống truyền động – truyền lực, cơ cấu khí, hệ thống điều khiển… để có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao và các kỹ năng kỹ thuật liên quan đến ô tô. Ngoài ra, ngành công nghệ ô tô còn cung cấp cho sinh viên các kỹ năng khai thác, sử dụng và dịch vụ kỹ thuật ô tô cũng như hoạt động điều hành sản xuất phụ tùng, điều kiện và lắp ráp, góp phần cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện cũng như phương thức kinh doanh ô tô trên thị trường. “Ngành công nghệ ô tô đang phát triển. Học ngành này ra trường các em có thể làm kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô – máy động lực tại các nhà máy sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ôtô, các cơ sở sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng ôtô; Kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ô tô…”, ThS. Luyện khẳng định.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)