Tiếp nối thành công tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh tỉnh Bình Thuận.
Chuyên gia tư vấn cho học sinh tỉnh Bình Thuận
Chương trình có sự đồng hành của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT). Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường Đại học Công nghệ TP.HCM là những đơn vị đồng hành.
Phải chọn nghề trước khi chọn ngành
Thầy Trần Lương Công Khanh (Trưởng phòng Giáo dục trung học, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận) cho hay công tác hướng nghiệp tuyển sinh có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, nhiều năm qua, Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận để tổ chức tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh cho các em. Nhờ các chương trình, học sinh có kỹ năng để chọn ngành, chọn nghề phù hợp với đam mê, năng lực. “Thay mặt nhà trường, tôi chân thành cảm ơn các chuyên gia, quý thầy cô đến từ các trường ĐH, CĐ đã đến đây tư vấn cho các em. Mong rằng chương trình này tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh trong thời gian tới”, thầy Khanh bày tỏ. |
Tư vấn cho học sinh tỉnh Bình Thuận, TS. Vũ Thiện Toàn (chuyên gia tâm lý) cho biết, trước sự đa dạng của ngành nghề, bậc học như hiện nay mỗi học sinh có những tiêu chí lựa chọn khác nhau. Có em gom những môn mình học tốt lại thành tổ hợp rồi dựa vào đó chọn ngành; có em đọc báo, đài thấy ngành đó cần nhiều nhân lực và dễ xin việc, kiếm nhiều tiền nên chọn… Những tiêu chí này đúng nhưng chưa đầy đủ. Để chọn ngành nghề, các em nên có cái nhìn tổng quan với nhiều tiêu chí, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là cân nhắc nghề nghiệp muốn làm sau đó chọn ngành. Ví dụ, một học sinh muốn chọn ngành luật. Luật là công cụ quản lý xã hội, mọi thứ đều cần tới luật, hiểu luật sẽ giúp ích cho cuộc sống. Nhưng để biến ngành này thành công cụ kiếm tiền lại là chuyện khác. Nếu các em không xác lập nghề ngay từ đầu, chỉ chăm chăm học luật, học xong ra tìm việc chúng ta sẽ đứng trước 54 nghề khác nhau. Mỗi nghề sẽ yêu cầu phẩm chất, kỹ năng, thái độ, kiến thức, năng lực và con đường làm nghề khác nhau sẽ khiến chúng ta hoang mang, không biết chọn nghề nào. Nếu chúng ta chuẩn bị nghề trước, khi đi học chúng ta chỉ đầu tư vào hướng đi của mình, ra trường có thể đi làm ngay. Những em chưa chuẩn bị trước, khi học xong đi làm phải tốn một khoảng thời gian đi tìm việc và thích nghi với nghề. Có một số người đi làm được một thời gian nhận ra nghề của mình quá áp lực, lương thấp hoặc thấy kiến thức đã học không áp dụng được gì cho nghề mình đang làm… Đó là do ngay từ đầu họ không tìm hiểu về nghề. Muốn làm nghề gì chúng ta phải chọn ngành để lấy kiến thức. Nếu học xong mà áp dụng kiến thức vào công việc thì đó là phù hợp, ngược lại sẽ lãng phí con đường học vấn. “Ngay thời điểm này, các em nên xem xét chọn nghề nào để làm. Ngày nay, các trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều ngành gần giống nhau. Việc chọn ngành nghề nên nằm vào sở trường, sở đoản và phải chọn nghề mà mình giỏi nhất. Nếu chọn nghề không giỏi sau này khó phát triển bản thân. Chọn nghề mà không giỏi mình cũng chỉ là người bình thường. Nếu chọn nghề giỏi, ít người làm thì điều đó quá tuyệt vời vì mình thỏa sức thể hiện tài năng và trở thành người đặc biệt trong nghề đó”, TS. Toàn khẳng định.
Nhiều cơ hội việc làm
Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều học sinh quan tâm đến những ngành học liên quan đến công nghệ. ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH công nghệ TP.HCM) khẳng định, những học sinh theo học ngành thuộc nhóm lĩnh vực này sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Trong số những ngành liên quan đến công nghệ có thể kể đến như: Công nghệ thông tin; công nghệ ô tô; logistics và quản lý chuỗi cung ứng… Mỗi ngành học có đào tạo những kiến thức, kỹ năng và yêu cầu tố chất khác nhau. Cụ thể, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống các kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải. “Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đào tạo trong thời gian từ 3,5-4 năm. Ngoài kiến thức chuyên môn, nhà trường còn trang bị cho sinh viên kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng ngoại ngữ… Đặc biệt, nhà trường còn có các chương trình liên kết doanh nghiệp cho sinh viên giao lưu, học tập kinh nghiệm và tìm cơ hội việc làm sau khi ra trường”, ThS. Luyện thông tin.
Học sinh tỉnh Bình Thuận tham dự chương trình
Thông tin cho học sinh về ngành kinh doanh quốc tế, ThS. Huỳnh Vũ Chi (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, kinh doanh quốc tế là một trong những ngành đào tạo của nhà trường. Ngành này cung cấp cho sinh viên những kiến thức về quản trị kinh doanh, về chiến thuật, chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia. Nói một cách dễ hiểu, kinh doanh quốc tế là toàn bộ các hoạt động giao dịch, kinh doanh được thực hiện giữa các quốc gia nhằm thỏa mãn các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế. “Để học ngành này, người học phải có tố chất năng động, nhạy bén, có tư duy logic, tầm nhìn. Ra trường, sinh viên có thể làm việc ở các công ty, tập đoàn kinh doanh trong nước hoặc quốc tế…”, ThS. Chi cho hay.
Hồ Trinh
Bình luận (0)