Chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh các trường thuộc tỉnh Kiên Giang: THCS&THPT Phan Thị Ràng; THCS&THPT Nguyễn Hùng Hiệp; THCS&THPT Nam Thái Sơn; THCS&THPT Bình Sơn; THCS&THPT Định An; THCS&THPT Thới Quản; THCS&THPT Vĩnh Thắng; THCS&THPT Bình Hòa Hưng Bắc.
ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Phan Thị Ràng
Chương trình diễn ra với hình thức trực tuyến có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng phát triển, trong đó đảo Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc. Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam. Cũng là đảo lớn nhất trong quần thể các đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang trở thành một địa điểm bất cứ ai cũng muốn ghé thăm, cơ hội việc làm dành cho người lao động ở Phú Quốc ngày một tăng lên.
Tư vấn cho học sinh, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động) cho biết, thời gian qua dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, sau khi hết dịch, Kiên Giang sẽ phát triển vượt bậc, cần nhiều nguồn lao động. Dự đoán các ngành nghề được tỉnh này cần sắp tới là: du lịch, công nghệ, kỹ thuật, môi trường, logistics, cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, thủy sản…
Ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động) tư vấn cho học sinh
Theo ông Tuấn, để luôn được đón nhận, các em học sinh phải cố gắng học tập và rèn luyện. Bởi, học và biết làm thì chưa đủ mà còn phải phấn đấu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực chất lượng cao có nghĩa là các em phải có trí tuệ, đạo đức, chuyên môn vượt trội và đủ năng lực. “Kiên Giang là tỉnh có vị trí thuận lợi, nằm trong khu vực ĐBSCL, đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước. Cho nên, việc học sinh chọn ngành nghề, ra trường về cống hiến cho địa phương là một điều tuyệt vời”, ông Tuấn gửi đến học sinh.
Nhiều học sinh lo lắng vì không biết làm sao để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân để có thể đóng góp cho địa phương. Giải đáp vấn đề này, ThS. Trần Vũ (Trưởng phòng CTSV, ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) khẳng định bây giờ học có nhiều lựa chọn hơn ngày trước. Nhiều học sinh nói mình chưa biết bản thân muốn gì nhưng thật ra do các em chưa chịu tìm hiểu về mình. Muốn biết chính xác, các em có thể sử dụng bộ công cụ phổ biến hiện nay có trên mạng hoặc xác định xem trong các môn học phổ thông, môn nào là thế mạnh. Cách khác là các em còn có thể tìm hiểu qua ti vi, những người đi trước để xem nhu cầu phát triển của ngành đó như thế nào. “Mình phải đánh giá năng lực của bản thân, khi lựa chọn phải chấp nhận. Tùy vào ngành nghề có thể lựa chọn bậc học. ĐH không phải là cánh cửa thay đổi cuộc đời, người có thể thay đổi cuộc đời mình chính là bản thân chúng ta”, ThS. Trần Vũ cho biết.
Học sinh tỉnh Kiên Giang rất tin tưởng tiềm năng phát triển của địa phương mình trong những năm tới sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là ở đảo Phú Quốc. Đa số học sinh đều bày tỏ sự quan tâm đối với lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh, công nghệ…
Học sinh Nguyễn Vũ Bằng (lớp 12A2, Trường THCS & THPT Phan Thị Ràng) bày tỏ: “Em muốn học ngành quản trị khách sạn, vậy ngành này đào tạo những gì? ra trường có thể làm ở đâu?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch kéo theo đó là lĩnh vực quản trị khách sạn ngày càng hút nhân lực. Đặc biệt, tại tỉnh Kiên Giang, ngành quản trị khách sạn sẽ rất có tiềm năng cho những ai lựa chọn. Khi học ngành này, các em được đào tạo kiến thức chuyên sâu về các mảng phát triển và quản lý sản phẩm khách sạn, lập kế hoạch marketing, chọn thị trường và tâm lý khách hàng thông qua các môn học: thống kê kinh doanh, quản trị chiến lược, quản trị bán hàng, quản trị rủi ro, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ phục vụ buồng khách sạn, giao tiếp trong kinh doanh, quản lý chất lượng dịch vụ… Khi tốt nghiệp, các em có thể làm chuyên viên kinh doanh, tiếp thị và phát triển các sản phẩm dịch vụ lưu trú; quản lý hoặc chuyên viên các bộ phận lễ tân, tiền sảnh, buồng phòng, ẩm thực, bếp, hội nghị, yến tiệc, nhân sự, tài chính, kế toán, hành chính tại các resort, khu du lịch; giảng dạy nghiên cứu về nhà hàng khách sạn tại các trường ĐH, cao đẳng… “Dịch Covid-19 diễn ra làm các em lo sợ nhưng nếu chúng ta học thì 4-5 năm nữa mới tốt nghiệp. Lúc này dịch bệnh đi qua, hoạt động du lịch, khách sạn phục hồi và cần rất nhiều nhân lực”, ThS. Nguyên thông tin.
Chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 tổ chức trực tuyến tại Kiên Giang diễn ra từ ngày 1-11 cho tất cả học sinh THPT trên địa bàn tỉnh. |
Trả lời câu hỏi về ngành công nghệ kỹ thuật ô tô cho nhiều học sinh Trường THPT Bình Sơn, ThS. Nguyễn Vũ Hoàng (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về lĩnh vực khai thác, sử dụng và dịch vụ kỹ thuật ô tô – loại phương tiện giao thông vận tải thông dụng và có số lượng nhiều nhất hiện nay như điều hành sản xuất phụ tùng; điều kiện và lắp ráp ô tô; cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng ô tô. Ngành này đòi hỏi người học phải có tố chất chịu cực khổ và phải thật sự có đam mê để vượt qua khó khăn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô có thể đảm nhiệm các công việc như: giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô, các cơ sở sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng ô tô. Ngoài ra, các em còn có thể làm nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô…
H.Trinh
Bình luận (0)