Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp tại 22 trường THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Thầy Nguyễn Quốc Huy (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) tư vấn cho học sinh tỉnh Đồng Tháp
Chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT). Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là đơn vị đồng hành.
Không phải thích là chọn
Tham dự chương trình, hàng chục ngàn học sinh tỉnh Đồng Tháp đã được chuyên gia cung cấp thông tin về các hướng đi, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình.
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, hiện nay các em học sinh có nhiều con đường để lựa chọn. Ngoài con đường học ĐH, các em còn có thể học CĐ, trung cấp tùy theo nhu cầu và năng lực bản thân. Đối với những em có mong muốn làm những công việc liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy hoặc làm trong các cơ quan Nhà nước, bệnh viện phải học ĐH để được đào tạo chuyên sâu về ngành nghề. Những em muốn làm những công việc nghiêng về thực hành như: Hướng dẫn viên du lịch, đầu bếp, chăm sóc sắc đẹp… chỉ cần học CĐ hoặc học nghề là có thể làm được. “Các ngành học hiện nay đa dạng. Cụ thể bậc ĐH có hơn 400 ngành, bậc CĐ 600 ngành, bậc trung cấp có khoảng 1.000 ngành. Để lựa chọn ngành học phù hợp, các em phải xác định bản thân muốn làm nghề gì, sau đó lựa chọn ngành học, bậc học, trường học phù hợp”, bà Mai gợi ý.
Học sinh tỉnh Đồng Tháp đặt câu hỏi sau chương trình
Trước băn khoăn của nhiều học sinh nên chọn ngành nghề theo sở thích hay theo năng lực, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn cho hay, khi lựa chọn ngành nghề, sở thích chỉ là một phần để các em dựa vào đó lựa chọn, quan trọng các em phải khám phá bản thân muốn gì, phù hợp ngành nào, năng lực tới đâu. Nếu bản thân vừa thích ngành đó vừa có năng lực để theo đuổi thì hãy mạnh dạn lựa chọn. Còn nếu thích nhưng ngành đó lại không phù hợp với mình thì nên suy nghĩ lại vì có cố gắng cũng sẽ khó thành công. “Cùng một ngành nghề nhưng ở mỗi trường lại có 20% giáo trình đào tạo khác nhau. Do đó, trước khi lựa chọn, các em cũng nên tìm hiểu được cả mặt trái của ngành nghề để sẵn sàng đối mặt”, ông Toàn khuyên.
Cơ hội việc làm cao
Trong chương trình, nhiều học sinh đã bày tỏ sự quan tâm đối với ngành công nghệ thông tin, thầy Nguyễn Quốc Huy (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn, được nhiều học sinh quan tâm. Ngành công nghệ thông tin có các chuyên ngành như quản trị mạng máy tính, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng… Học ngành này sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội làm việc với mức thu nhập tốt.
Cũng theo thầy Huy, công nghệ thông tin cũng như nhiều ngành nghề khác không phân biệt nam hay nữ. Bởi dù là nam hay nữ thì mỗi giới sẽ có những tố chất khác nhau, tùy vào vị trí sẽ phù hợp với các em. Do đó, nếu các em có đam mê, yêu thích cứ mạnh dạn lựa chọn. “Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM đào tạo theo chuẩn quốc tế với chương trình học 50% bằng tiếng Anh và 50% bằng tiếng Việt. Với sinh viên chưa giỏi tiếng Anh, nhà trường sẽ đào tạo giúp các em củng cố lại kiến thức để đạt trình độ IELTS 5.5 sau đó mới học chuyên ngành. Trong quá trình học, sinh viên còn được đi thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp để nâng cao khả năng nghề nghiệp. Từ môi trường thực tập, nhiều sinh viên cũng tìm được việc làm ngay sau khi ra trường, thầy Huy khẳng định.
Học sinh của một trường THPT tỉnh Đồng Tháp tham dự chương trình tư vấn
Nói về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ThS. Vũ Quang Huy (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin, trong thời kỳ hội nhập, giao thương hàng hóa quốc tế, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng được sinh viên quan tâm nhiều. Ngành này quan trọng giúp vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng hiệu quả nhất thông qua các hình thức về kho vận, vận chuyển, thương mại, dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đòi hỏi người học phải có ngoại ngữ tốt để giao thương quốc tế, làm việc với đối tác nước ngoài. “Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đào tạo sinh viên theo hướng ứng dụng thực hành (60%). Theo đó, sinh viên sẽ được trực tiếp đến doanh nghiệp để trải nghiệm những mô hình thực tế. Ngoài môi trường học tập đa dạng, phong phú, sinh viên còn được trang bị nhiều kỹ năng thông qua các buổi chuyên đề, hội thảo, talkshow… cùng 40 câu lạc bộ đội nhóm. Khi ra trường, sinh viên được doanh nghiệp đánh giá cao bởi sự tự tin, mạnh dạn, nhiều kỹ năng và được trả mức lương hấp dẫn”, ThS. Huy cho hay.
Hồ Trinh
Bình luận (0)