Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Nam. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Chuyên gia tư vấn cho học sinh Quảng Nam
Nói về ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, hiện nay công nghệ ô tô ở Việt Nam phát triển nhanh chóng. Những thương hiệu xe nổi tiếng trên thế giới đều có nhà máy lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Nam với Nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Trường Hải. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thương hiệu xe nổi tiếng đó là Vinfast. Đây là cơ hội để sinh viên học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô phát triển nghề nghiệp. Với ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức về cơ khí, tự động hóa, sản xuất phụ tùng, lắp ráp ô tô… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm các công việc như: Kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô, các cơ sở sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng ô tô. Bên cạnh đó, các em cũng có thể làm việc tại các trạm đăng kiểm, kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô…
Giải đáp về cơ hội việc làm của ngành quản trị kinh doanh cho học sinh, ThS. Nguyễn Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định, đây là ngành học phổ biến, ra trường sinh viên có thể làm nhiều công việc khác nhau. Theo đó, các em có thể làm chuyên viên kinh doanh, làm thương mại, quản trị rủi ro doanh nghiệp, truyền thông, marketing, nghiên cứu thị trường, làm bộ phận tài chính, kế toán. Nếu không thích đi làm công, các em cũng có hướng đi nữa là khởi nghiệp. Dựa vào kiến thức, trải nghiệm của bản thân các em có thể mở công ty, doanh nghiệp tự làm chủ. “Để học tốt cũng như có thể cạnh tranh trong thị trường lao động, người học quản trị kinh doanh phải có khả năng quản lý, lãnh đạo, có “máu” kinh doanh mua bán, khả năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý khách hàng…”, ThS. Huy cho hay.
Chuyên gia tư vấn thêm cho học sinh Quảng Nam sau chương trình
Về ngành kỹ thuật xây dựng, ThS. Trần Khai Minh (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) cho hay, trên hành trình phát triển của đất nước, bất cứ quốc gia nào cũng chú trọng phát triển những công trình kiến trúc lớn, công trình công cộng, công trình văn hóa, nhà ở, đường sá, bệnh viện, trường học… Xã hội càng phát triển thì nhu cầu về các công trình xây dựng đẹp và hiện đại càng được người dân quan tâm. Vì lẽ đó nên ngành kỹ thuật xây dựng cũng được chú trọng. Ngành này cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, kiến thức tin học, lập trình và khả năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành, học tập bằng tiếng Anh… để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất và quản lý. Sinh viên học ngành kỹ thuật xây dựng ra trường có thể làm việc tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, các em cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế, cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở thiết kế – quản lý, thực hiện khảo sát, thiết kế, tổ chức, thi công, giám sát, lập và quản lý các dự án về công trình xây dựng dân dụng – công nghiệp, giao thông, thủy lợi.
Học sinh tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi trong chương trình
Lưu ý cho học sinh kỹ năng chọn nghề, chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự cho biết, thời điểm này nhiều em đã xác định được sở thích nhưng cũng có những em không biết mình thích gì. Muốn biết bản thân thích và muốn gì các em có thể làm trắc nghiệm để tìm ngành nghề phù hợp. Nếu thích nhiều ngành nghề, các em có thể liệt kê ra tờ giấy sau đó tìm hiểu thông tin về ngành nghề hoặc hỏi cha mẹ thầy cô xem mình phù hợp với ngành nghề nào nhất. Một trong những yếu tố xác định mình có thể theo nghề suốt đời hay không đó là sức khỏe. Có nhiều em có đủ tiêu chí để theo nghề hướng dẫn viên du lịch, tuy nhiên khi học ra trường làm nghề mới biết bản thân không đủ sức khỏe để dẫn đoàn khách đi suốt hành trình. Cho nên, sức khỏe cũng là yếu tố để chọn ngành nghề.
Hồ Trinh
Bình luận (0)