Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

“Cùng bạn quyết định tương lai” tỉnh Đắk Lắk: Trúng tuyển vẫn phải đăng ký trên cổng thông tin chung của Bộ GD-ĐT

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là khẳng định của các chuyên gia trong chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ “Cùng bạn quyết định tương lai” năm 2022 vừa diễn ra tại Đắk Lắk.

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk thực hiện. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là đơn vị đồng hành.

TS. Phạm Hà (Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Mở TP.HCM) cho biết, năm nay nhà trường dành khoảng 2.600 chỉ tiêu cho sinh viên. Trong đó có chỉ tiêu cho ngành Luật kinh tế ở chương trình chất lượng cao với 50% tiếng Anh, 50% tiếng Việt. Khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên phải thực hiện nghiên cứu khoa học để nhà trường đánh giá. Bên cạnh đó, chương trình chất lượng cao còn yêu cầu ngoại ngữ. Nhà trường có lớp hỗ trợ sinh viên học ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu khi ra trường. “Khi chọn trường, thí sinh nên chọn theo sở thích, thế mạnh và phải tìm hiểu kỹ số lượng tuyển sinh của trường. Các em không nên lựa chọn ngẫu nhiên vì như vậy khả năng trúng tuyển rất thấp. Các trường đều có trang website tuyển sinh riêng. Thí sinh nên thường xuyên theo dõi để có thông tin chính xác”, TS. Hà lưu ý.

ThS. Đỗ Anh Tuấn (Trưởng phòng Tuyển sinh, trường Đại học Đông Á) cho biết, trường tuyển sinh 300 chỉ tiêu ở các ngành: Công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Điều dưỡng. Thí sinh muốn học Trường ĐH Đông Á ở Đà Nẵng có thể đăng ký tại Phân hiệu Đại học Đông Á ở Đắk Lắk. Đặc biệt, nhà trường sẽ ưu tiên có thi sinh xét tuyển bằng phương thức học bạ để có việc học tập tiện lợi. Ngoài ra, nhà trường còn chính sách học bổng khoảng 21 tỷ với mức 100%, 50%, 30% cho thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên đối với phương thức học bạ và 25 điểm đối với phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tiếp theo chương trình, ThS. Ngô Thị Xuân (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho hay, đến thời điểm này nhà trường đã công bố phương thức xét tuyển tổng hợp đối với chương trình chất lượng cao và phương thức dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Nhà trường đang tiếp tục xét tuyển phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. “Năm nay, trường xét tuyển hơn 2.300 chỉ tiêu, tương ứng với 60% chỉ tiêu xét tuyển đối với phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Các em có thể xét tuyển vào các ngành của trường: Tài chính ngân hàng; Quản trị kinh doanh; Kế toán; Kiểm toán; Luật kinh tế; Hệ thống thông tin quản lý; Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quốc tế”, ThS. Xuân thông tin.

Theo ThS. Trần Thị Mai Phương (Trưởng phòng tuyển sinh, Trường ĐH FPT), theo quy định của Bộ GD-ĐT, các nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đều phải đăng ký trên kênh thông tin chung của Bộ. Để trúng tuyển đợt 1 vào Trường ĐH FPT, thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu như: Đủ điều kiện xét tuyển vào trường theo quy chế tuyển sinh của năm 2022; nộp hồ sơ xét tuyển vào trường trước 21-8; đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH FPT. Nếu số lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 vượt chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường sẽ áp dụng thêm tiêu chí phụ là lấy theo thứ tự nguyện vọng. Như vậy, dù thí sinh có trúng tuyển cũng phải nộp hồ sơ trước thời hạn”, ThS. Phương lưu ý.

Nói về chương trình đào tạo, ThS. Nguyễn Ngọc Nhơn (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, dù thí sinh trúng tuyển ở bất kỳ phương thức nào thì các em đều học chương trình như nhau, giá trị giáo dục, bằng cấp như nhau. “Do đó các em an tâm lựa chọn phương thức để trúng tuyển vào ngôi trường mình mong muốn”, ThS. Nhơn nhấn mạnh.

Trong chương trình, TS. Phạm Đình Cường (Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM) cho hay, sinh viên của trường đều được trang bị kiến thức chuyên môn tốt, kỹ năng lành nghề và có thái độ làm việc tích cực. Do đó, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay trên 95%.

Về các ngành nghề, TS. Cường cho biết, các khối ngành thuộc Quản trị kinh doanh được nhà trường liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài, giáo trình tiếng Việt. Các em sẽ có cơ hội thực hành trong quá trình học với chương trình trực quan, sinh động. Tốt nghiệp nhận bảng điểm trường đối tác, có giá trị trên toàn thế giới. Ngành xuất nhập khẩu, logistics được tích hợp vào chương trình đào tạo của Hiệp Hội giao nhận Vận tải Quốc tế, sinh viên ra trường sẽ nhận được chứng chỉ này đồng thời có cơ hội thực tập các môn nghiệp vụ trên môi trường internet…

ThS Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) lưu ý, mã xét tuyển đối với phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT là 100; mã xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn lớp 12 là 200; xét tuyển học bạ trung bình 3 học kỳ là 201; đối với phương thức dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM là 402. “Mã xét tuyển phải được điền trong hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Ngoài ra còn mã tổ hợp môn, mã ngành…Nếu thí sinh còn lúng túng có thể liên hệ trường để được hướng dẫn”, ThS Nguyên thông tin.

TS. Trần Thanh Thưởng (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) thoong tin, trường có 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường đào tại lý thuyết gắn liền với thực hành. Do đó, các em có lý thuyết sâu, tay nghề vững đang ứng nhu cầu doanh nghiệp. Đặc biệt, nhu cầu sinh viên khởi nghiệp của trường rất khởi sắc với nhiều thành tích tự hào. Vì vậy, sinh viên có thể  mang ý tưởng khoa học kỹ thuật của tỉnh nhà đến trường để nghiên cứu, góp phần đóng góp vào sự phát triển của tỉnh mình”, TS. Thưởng  cho biết.

PV

Bình luận (0)