Nhớ lại buổi đi chơi thanh minh, ba chị em Thúy Kiều gặp mả Đạm Tiên. Trong lúc Thúy Kiều đầm đìa nước mắt, đau xót quằn quại cho thân phận Đạm Tiên, thân phận người phụ nữ, Thúy Vân đã có câu: “chị cũng nực cười/ Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Có người cũng đã kết luận: Thúy Vân – con người vô cảm! Liệu có quá chăng? (Mà câu trách chị ấy trong nguyên truyện của TQ, TTTN cho Vương Quan và Thúy Vân cùng nói, cụ Nguyễn chỉ dành riêng Thúy Vân, cụ đã có dụng tâm từ chi tiết ấy). Giờ đây, Thúy Kiều bán mình chuộc cha, một việc làm quá dữ dội, quá đau xót, Thúy Vân đã nghĩ và có lời nào an ủi chị? Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân! Hóa ra, trong lúc Thúy Kiều quặn lòng với nỗi riêng tư, cô em gái lại chìm vào giấc ngủ vô tư. Giấc xuân là giấc ngủ ngon lành, êm ái, giấc ngủ của tuổi trẻ. Cũng may khi tỉnh ngủ Thúy Vân đã ghé đến ân cần hỏi han. Mở đầu cho lời hỏi han ấy là một câu nghe cũng nhẹ tênh: Cơ trời, dâu bể đa đoan/ Một nhà để chị riêng oan một mình. Cứ cho rằng Thúy Vân chẳng biết tý gì về nỗi riêng của chị, nhưng chỉ một câu nói ấy sao không thấy Thúy Vân có lời an ủi hay luôn có mặt bên chị khi chỉ ngày mai là chị phải ra đi! Một nhà nho tiền bối, ông Vũ Trinh (quan tham tri Bộ hình) đã bực tức cho Thúy Vân là con người trơ như đá, ông kết luận: Nàng chỉ đáng cho theo thói giàu sang làm bà quan là phải!
Ấy, nói kỹ đôi tý về Thúy Vân như vậy cũng không nhằm phân tích, đánh giá nhân vật Thúy Vân mà cái chủ yếu là tìm cái tài hoa, tìm đến tấm lòng thương người vô hạn của Nguyễn Du! Nguyễn Du muốn nói đến tầm vóc về nhân cách của Thúy Kiều: hy sinh thân mình cứu cha, cứu em, cứu gia đình và âm thầm chịu đựng nỗi mất mát, nỗi đau riêng của mình. Nguyễn Du quá thương Thúy Kiều tất cụ Nguyễn phải chọn phương thức biểu hiện xứng đáng. Từ đây, ta thấy câu thơ sau đấy là có lí: Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa! Sao không phải nhờ em mà là cậy em? Dân gian có câu: Trẻ cậy cha, già cậy con. Đấy là sự nương nhờ như chẳng còn biết dựa vào ai. Hai chữ cậy em sao mà mềm mỏng, dễ thương lại không thiếu phần chua xót. Rồi, sao chị lại lạy em? Mà lạy rồi sẽ thưa? Xin đọc lại hai câu thơ: Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. Có người giải thích: Thúy Kiều phải làm như vậy vì sợ em còn ngái ngủ, không chú ý lời chị cậy nhờ. Chúng tôi không nghĩ như vậy, bởi cụ Nguyễn đã chuẩn bị kỹ lưỡng: Thúy Vân sau khi tỉnh giấc xuân còn hỏi chị: Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh/ Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?
Ở đây, có lẽ cũng cần xem lại sự dễ dãi của Kim Vân Kiều Truyện: “Thúy Vân nói: Chị ạ! Em nghĩ cả nhà mắc nạn, sao lại để chị một mình lầm than? Thúy Kiều nói: Việc đến thế này, không thể không đi theo con đường ấy. Em còn ít tuổi, làm gì được việc này. Em là người lương thần, hiếu thờ cha mẹ, chị làm người trung thần giết mình thành nhân vậy thôi! Huống chi chị đã biết rõ thân này mệnh bạc, mặc cho đông tây đày đọa, nhưng chỉ phụ lòng… Nói đến đó liền im bặt.
Thúy Vân nói: Chị có điều gì không tiện nói ra? Đã đến lúc này mà còn không nói với em?
Thúy Kiều nói: Chị có chút tâm sự muốn nói cùng em, nhưng khó lòng mở miệng. Nếu không nói, thì lại phụ một tấm lòng của người chí tình.
Thúy Vân ngạc nhiên nói: Gọi là người chí thành phải chăng là chàng Kim Thiên Lý? Từ trước tới nay chị chưa hề gặp mặt chàng, thì sao biết là người chí thành.
Thúy Kiều than thở và nói…”
Dễ dãi, đơn giản và tầm thường hóa một câu chuyện hệ trọng, Nguyễn Du đã tránh được điều ấy. Người đọc còn nhìn thấy một Thúy Kiều của Nguyễn Du sâu thẳm nghĩ suy, trang trọng trong cách xử lí một mối tình thiêng liêng, một sự lòng đớn đau, buốt nhức.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)