Nhu cầu lao động trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam hiện rất lớn. Vậy nhưng, sinh viên tốt nghiệp ngành này vẫn thất nghiệp như nhiều ngành khác. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
Nhu cầu luôn tăng
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn nhân lực CNTT tại các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng, cụ thể, nhu cầu tuyển dụng cần khoảng 250.000 lao động (trong đó có khoảng 50.000 trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số).
Theo các chuyên gia nhân sự, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT. Cụ thể, từ năm 2015 trở đi, dự báo nhu cầu tuyển dụng ngành này sẽ tập trung vào vị trí lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, kỹ thuật viên – chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình di động, game, kỹ thuật viên an ninh mạng…
Riêng tại TP.HCM, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực ngành CNTT từ nay đến năm 2020, mỗi năm thu hút trên 6% tổng số chỗ làm việc tại thành phố – khoảng 270.000 nhân lực.
Sinh viên đã tốt nghiệp tìm việc tại một ngày hội việc làm. Ảnh: M.Tâm |
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng vừa có báo cáo tổng kết thị trường lao động thành phố trong 6 tháng qua. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2015 có khoảng 70.000 sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ; trong đó có khoảng 3,97% có nhu cầu tìm việc ở lĩnh vực CNTT. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lên đến 5,83%. Nhu cầu tuyển dụng thường xuyên ở các vị trí như lập trình viên (C++, Ruby, Java…) yêu cầu kiến thức nền tảng về ngôn ngữ và công nghệ. Ngoài ra, xu hướng lập trình di động ứng dụng cho các thiết bị thông minh ngày càng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu của thị trường công nghệ…
Cung không đáp ứng vì nhiều lý do
Tại một chương trình giao lưu giữa giảng viên và doanh nghiệp về nhân lực ngành CNTT do Hội Tin học TP.HCM tổ chức, Công ty Tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena đã đưa ra một số số liệu do công ty khảo sát được nhiều người quan tâm. Theo đó, số lượng tân cử nhân CNTT hàng năm tại TP.HCM khoảng 10.000 đến 15.000 người, trong đó số lượng tân cử nhân tốt nghiệp từ các trường tốp trên như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH CNTT (ĐHQG TP.HCM) chiếm khoảng 20%. Các tân cử nhân của những trường này tự tìm việc chiếm khoảng 80%, số cử nhân tự tìm việc ở các trường tốp dưới chiếm khoảng 20% (thống kê này được khảo sát từ 2.000 sinh viên từ nhiều trường ĐH tại thành phố về thực tập ở Athena mỗi năm). Điều đáng nói là theo khảo sát của công ty này, chỉ có 20% (khoảng 3.000) sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực này tự tìm được việc làm.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Công ty Athena, cho biết: “Chúng tôi đã chia các công ty tuyển dụng ra thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là các công ty chuyên về CNTT như TMA, FPT, GSC… Nhu cầu tuyển dụng mỗi năm ở nhóm này khoảng 3.000 đến 5.000 người, đòi hỏi trình độ cao, khả năng tư duy tốt, cạnh tranh tuyển dụng rất lớn phù hợp với các tân cử nhân của những trường tốp trên; nhóm thứ hai là các doanh nghiệp về thương mại, sản xuất dịch vụ. Số lượng các doanh nghiệp này rất lớn (khoảng hơn 100.000 tại TP.HCM) có nhu cầu ứng dụng CNTT vào sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động. Tuy nhiên, ban quản lý các doanh nghiệp này không có nhiều kiến thức về CNTT nên rất khó tuyển nhân viên CNTT, dẫn đến không định hướng được để nhân viên làm việc. Vì vậy nhân viên CNTT dễ chán nản, bỏ việc.
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân, ông Võ Đỗ Thắng nói: “Tân cử nhân chưa tạo niềm tin với nhà tuyển dụng, các trường ĐH không đứng ra đảm bảo chất lượng đào tạo, chất lượng nhân sự cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không biết kêu ai nếu chất lượng nhân sự tuyển vào không đạt, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và phong cách làm việc chuyên nghiệp của các em cũng chưa được huấn luyện…”.
Minh Châu
Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện có 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm. Chỉ khoảng 15% sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. |
Bình luận (0)