Trong không khí háo hức chờ đến thời khắc cùng tắt đèn trong chiến dịch Giờ trái đất 2019 (20 giờ 30 – 21 giờ 30) vào ngày 30-3, nhiều hoạt động hưởng ứng cổ vũ cho năng lượng sống xanh đang diễn ra khắp nơi ở TP.HCM. Trong đó có những việc làm thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống thường nhật.
Các tình nguyện viên tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường bằng cách không xả rác
Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất
Với thông điệp “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất”, chiến dịch Giờ trái đất 2019 do Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đồng hành cùng phối hợp thực hiện nhằm khuyến khích cộng đồng chung tay tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng sạch để bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất. Kể từ sau lễ phát động ở Hà Nội (ngày 10-3) và TP.HCM (ngày 17-3), chiến dịch Giờ trái đất 2019 tiếp tục được triển khai với chuỗi các hoạt động ngoài trời, workshop, tọa đàm về tiết kiệm năng lượng, sống xanh và các vấn đề về bảo vệ môi trường trong suốt tháng 3. Tính đến nay, Việt Nam đã cùng với hơn 200 quốc gia trên thế giới hành động trong một chiến dịch toàn cầu “Giờ trái đất”. Năm nay, bước sang năm thứ 11, Giờ trái đất Việt Nam vẫn tiếp tục sứ mệnh kết nối và mời gọi cộng đồng chung tay bảo vệ “mái nhà chung”.
Để chiến dịch đạt hiệu quả, ban tổ chức chiến dịch Giờ trái đất 2019 khuyến khích cộng đồng trước tiên tiết kiệm năng lượng từ trong gia đình, nơi công sở. Trong số các thiết bị được sử dụng phổ biến như bóng đèn, ti vi, tủ lạnh, quạt điện, máy điều hòa, bàn ủi, nồi cơm điện, ngoại trừ bóng đèn, tất cả các thiết bị còn lại đều nằm trong top “ngốn điện khủng khiếp”. Tham gia chiến dịch bảo vệ mái nhà xanh của trái đất, ban tổ chức mời gọi cộng đồng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong gia đình, ngắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng (nhất là vào ban đêm); sử dụng quạt máy thay thế điều hòa khi trời không quá nóng; sử dụng thiết bị phù hợp, có nhãn tiết kiệm điện; thay thế máy tính để bàn bằng laptop; sử dụng dải điện “thông minh” hay sử dụng máy điều hòa với nhiệt độ hợp lý (bằng hoặc lớn hơn 25 độ C)… Đặc biệt, trong thời khắc 60 phút Giờ trái đất 2019, dự kiến diễn ra vào lúc 20 giờ 30 – 21 giờ 30 (ngày 30-3), ban tổ chức khuyến khích cộng đồng thắp sáng bóng đêm bằng ánh nến. Tuy nhiên, nến được khuyến cáo sử dụng là loại được làm từ 100% đậu nành hoặc sáp ong thân thiện với môi trường.
Hành động nhỏ, thay đổi lớn
Không chỉ cùng bạn bè thay đổi avatar facebook cá nhân nhằm kêu gọi ủng hộ chiến dịch Giờ trái đất năm 2019, em Đỗ Vũ An (sinh viên năm 3, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM) cho biết đã cùng các bạn sinh viên khác chạy xe đạp qua các tuyến đường để tuyên truyền giảm thiểu khói bụi trong thành phố, thực hiện tắt máy khi đi xe gắn máy tại các chốt đèn đỏ trên 25 giây. Theo quan niệm của An, “nếu muốn người khác thay đổi, thì chính mình phải thay đổi trước đã. Bất kể bạn là ai, khi đã có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường là đã trở thành tuyên truyền viên cho những người xung quanh”. Hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường, em Phạm Tiến Đức (học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Khuyến) đã tìm mua nến bằng sáp ong dùng để thắp sáng vào đêm 30-3. Đức cho biết, gia đình em đang thực hiện tiết kiệm điện trong tuần qua bằng cách sử dụng nến trong giờ cơm tối, ngắt nguồn các phích cắm điện không sử dụng đến, sử dụng laptop thay cho máy tính để bàn.
Ông Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Sofware, Đại sứ Giờ trái đất 2019) cho rằng nhiều hành động nhỏ tham gia chiến dịch Giờ trái đất sẽ góp phần tạo nên những thay đổi tích cực. Ông khẳng định: “Tiết kiệm năng lượng, tự trồng một cây xanh, sử dụng các phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng túi nilon… đều giúp bảo vệ môi trường. Tình yêu dành cho trái đất nên được thể hiện một cách cụ thể qua những việc làm nhỏ nhặt hàng ngày”. |
Là người vừa thực hiện hành trình dài 6.879km, đi qua 39 tỉnh thành trong 43 ngày, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (Nguyễn Việt Hùng) đã ghi lại hơn 3.000 tấm ảnh trong suốt hành trình của mình. Trong đó có nhiều bức ảnh là phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhưng cũng có không ít tấm hình tả thực về nỗi kinh hoàng của rác thải bên bờ biển, ven kênh rạch, khu dân cư, chợ truyền thống… Theo anh Hùng, để trái đất được chữa lành, mỗi người hãy giảm thiếu sử dụng các vật dụng làm bằng nilon, đồng thời tái sử dụng hoặc tái chế rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. “Giải quyết” rác thải để bảo vệ môi trường cũng là một trong những hoạt động thiết thực trong chuỗi hoạt động của chiến dịch Giờ trái đất năm nay. Thay vì những ngày cuối tuần được vui chơi giải trí, hơn 200 bạn tình nguyện viên đã tích cực tham gia công tác thu dọn rác trên sông Thị Nghè vào ngày 23-3, và cùng chung tay với công nhân vệ sinh thu dọn rác thải bên hông chợ đầu mối nông sản Thủ Đức vào ngày 24-3. Theo thông tin từ ban tổ chức, rác thải ở chợ đầu mối như chợ nông sản mỗi ngày trung bình cho ra hàng chục tấn rác. Lượng rác này tồn tại xung quanh khu vực buôn bán các thực phẩm tươi sống, nên việc thu dọn vệ sinh của các tình nguyện viên là việc làm hết sức ý nghĩa cho cộng đồng.
Vũ Phương
Bình luận (0)