Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cùng có lợi nhưng ngư dân chưa vui

Tạp Chí Giáo Dục

Thương lái (còn gọi là đầu nậu) là người ứng vốn, bao tiêu sản phẩm và có nhiều dịch vụ khác cho ngư dân. Trong mối quan hệ “không thể thiếu đó” cả hai cùng có lợi nhưng không phải lúc nào họ cũng vui.

Đầu nậu hầu như đáp ứng mọi nhu cầu của ngư dân, từ cho mượn tiền để sắm tàu, cung cấp các loại chi phí để ra khơi đến tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Tuy nhiên, “chơi” với đầu nậu, ngư dân cũng chịu không ít thiệt thòi như phải bán sản phẩm thấp hơn giá thị trường.
“Không có đầu nậu, không thể ra biển”
Hỏi chuyện về đầu nậu, ngư dân Nguyễn Văn Bay ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) nói thẳng ruột: “Nói thiệt, nếu không có đầu nậu, bọn tui đố có tàu đi biển”. Bên chén trà, ông Bay kể vào cuối năm 2010, tàu QNg 90172 TS của ông bị chìm trên biển. Rất may toàn bộ lao động trên tàu được cứu thoát chết, còn con tàu thì… biếu không cho hà bá. Rơi vào cảnh túng bấn, ông Bay đành kiếm kế vay mượn làm ăn. Vét của nhà, chạy mượn anh em bè bạn đến mỏi cả họng cũng chỉ có thể mua được… non nửa con tàu. Không còn cách nào khác, ông đành đến gõ cửa nhà đầu nậu, và nhờ vậy ông đóng được con tàu trị giá 1,4 tỉ đồng ra khơi.
Sau chuyến biển, tất cả tàu thuyền mượn tiền của đầu nậu đều phải bán cá giá thấp cho đầu nậu.
“Tui đi vay Nhà nước chỉ được 50 triệu đồng, nhưng phải thế chấp sổ đỏ, làm đủ thứ thủ tục, nóng cả ruột mà một thời gian dài vẫn chưa xong. Còn đi vay đầu nậu non 500 triệu đồng, nhưng chỉ viết một tờ giấy tay, lấy tiền chỉ có tiếng đồng hồ là xong”, ông Bay nói với giọng đặc sệt mùi biển cả.
Không chỉ ông Bay, mà hầu hết ngư dân miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đều gắn chặt với thương lái. Chẳng hạn, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu Phạm Thanh Hùng cho hay xã có 476 tàu cá, trong đó 120 tàu cá đánh bắt xa bờ, thì có trên 90% tàu phụ thuộc, vay mượn tiền của đầu nậu. Đó là chưa kể, hàng loạt tàu cá khác mỗi lần ra khơi với chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến, chỉ cần đầu nậu “ok” một tiếng là tàu no hàng, “mai mốt tàu về rồi tính”.
Thuyền trưởng tàu QNg 96059 TS Dương Thanh Tuấn, 33 tuổi, quê ở thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn sau thời gian nằm bờ ở cảng Sa Kỳ vì biển động, mới đây đã tranh thủ ra khơi. Gặp tôi khi tàu đang lấy đá và dầu ở cảng Sa Kỳ, Tuấn cho hay mình đã hơn 15 năm đi biển. Hầu như phí tổn dù vài chục hay vài trăm triệu đồng, chủ tàu đều “lấy không” với đầu nậu, sau chuyến biển về mới tính toán lại. “Có tàu làm ăn khó, ra khơi chẳng có đồng nào. Nếu không có đầu nậu đỡ, thì lấy gì ra biển cho được”, Tuấn giãi bày.
Tìm hiểu còn biết, cứ mỗi đầu nậu ở các cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Mỹ Á, Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi đều quản lý ít nhất là 50 tàu thuyền. Một đầu nậu nổi tiếng tên Tân cho biết bà cho ngư dân vay mượn tiền không những không tính lãi, mà mỗi khi tàu gặp nạn bà còn khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian đến khi ngư dân làm ăn ổn định. Đến khi chủ tàu làm ăn ổn định mới thu đòi lại tiền, sau đó nếu chủ tàu có nhu cầu, sẽ tiếp tục cho chủ tàu mượn tiền để sửa chữa, mua ngư lưới cụ hoặc đóng mới tàu tìm kế sinh nhai. “Chúng tôi đầu tư cũng có rủi ro. Bởi năm nào thời tiết không thuận lợi, tàu gặp nạn thì ngư dân mượn tiền có trả cho bọn tôi đâu?”, một đầu nậu tâm sự.
Ấm ức vì phụ thuộc
Thực tế cho thấy với cách làm của đầu nậu cho ngư dân, Nhà nước đành… bó tay, không thể bắt chước nổi. Tuy nhiên mới đây, trong lần dự tiệc làm lễ mãn mùa của ngư dân câu mực xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, một chủ tàu câu mực tên Bùi Lành tâm sự: số lượng chủ tàu chủ động được nguồn vốn cho phí tổn mỗi chuyến ra khơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi tàu ít nhất cần 400 – 500 triệu đồng, còn nhiều đến 700 triệu đồng. Vì vậy phải đi mượn tiền và như vậy là phụ thuộc vào đầu nậu.
“Nói là đầu nậu cho mượn không tính lãi, nhưng thực ra lãi khá cao. Mỗi chuyến ra khơi khoảng hai tháng, khi về được 20 tấn mực. Giá mua mực của đầu nậu thấp hơn giá thị trường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg thì mỗi tàu mất từ 60 – 100 triệu đồng/chuyến chứ đâu phải ít”, anh Lành tâm sự.
Tôi còn nghe rất nhiều chuyện của ngư dân. Có người trả không được nợ đành cấn tàu cho đầu nậu, kẻ thì tàu mình đóng, nhưng cổ phẩn của đầu nậu có một nửa. Đó là chưa kể, khi mua mực, mỗi chủ đầu nậu mua đến vài trăm tấn/mùa, nhưng chỉ mua hàng “sô”, mực đẹp hay xấu đều mua giá như nhau. Đến khi đưa về cơ sở thì phân loại ra bán với nhiều giá khác nhau, mà giá thấp nhất cũng cao hơn giá mua “sô” của ngư dân.
bài và ảnh Phạm Anh
Theo SGTT

 

Bình luận (0)