Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cùng con vào mạng xã hội an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

Nghiện mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến thời gian, sức khỏe của trẻ mà đôi lúc dẫn đến những vụ tự tử thương tâm khi trẻ không chịu được áp lực dư luận xã hội. Vậy làm thế nào để con mình không rơi vào cạm bẫy của mạng xã hội? Đó là vấn đề được đề cập đến tại buổi tọa đàm “Cùng con vào mạng xã hội an toàn” do Hội quán Các bà mẹ vừa tổ chức.

BS Nguyễn Lan Hải chia sẻ cùng phụ huynh tại buổi tọa đàm

Hơn 10% người muốn tự tử vì bị “ném đá”

ThS.BS Nguyễn Lan Hải cho biết: “Ở Việt Nam, số người sử dụng facebook đang được trẻ hóa, thậm chí trẻ học lớp 3 cũng có tài khoản. Phần lớn người sử dụng mạng xã hội này là học sinh THCS-THPT, độ tuổi ban đầu “cập ngõ” facebook khoảng 12-13 tuổi”.

BS Lan Hải cùng các đồng sự của mình cũng đã từng thực hiện cuộc khảo sát với hàng ngàn người sử dụng mạng xã hội từ Bắc vào Nam. Kết quả, có hơn 90% người cảm thấy bực tức khi bị “ném đá” trên facebook, hơn 50% người bất mãn và điều đáng nói là có đến hơn 10% muốn tự tử khi bị “ném đá”. Vậy nếu cha mẹ không trò chuyện, chia sẻ với con, hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, an toàn thì rất có thể sẽ dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

ThS. Nguyễn Lan Hải cho biết: “Hàng triệu người trẻ đang dùng smartphone, facebook, instagram mỗi ngày dường như chưa bao giờ chịu học về an toàn của bản thân trên mạng. Phớt lờ các bài tập cơ bản về password, họ tên, danh tính, gia đình, số điện thoại, hình selfie, nhất là clip tình ái… Một số em cảm thấy cô độc, không được sự quan tâm đúng mức từ gia đình, cộng đồng. Thế giới thực không có chỗ cho mình dung thân, thế giới ảo cũng không chấp nhận mình thì chỉ có nước… chết”. Mặt khác, theo ThS. Lan Hải, sự bất bình đẳng trong hành xử về giới tính khiến các cậu con trai mặc sức tung hoành trên mặt trận tình ái, bỉ ổi khi luôn thủ sẵn clip sex tấn công nếu cô gái bỏ rơi họ. Sau khi bị tung clip, định kiến tấn công nữ giới (có thể gây ra mất việc, bị đuổi học, bị hàng xóm xa lánh, xì xào…) khiến họ lâm vào bước đường cùng… BS Nguyễn Lan Hải chia sẻ: “Giải pháp duy nhất là rời khỏi mạng xã hội, nghỉ ngơi trong vài ngày, vài tuần, thậm chí là vài tháng là cơn bão sẽ qua. Về phía phụ huynh, hãy là bộ lọc cho con trong tiếp nhận và xử lý thông tin, bình đẳng giới ngay từ trong gia đình, dạy con trai cũng như con gái biết chịu trách nhiệm về thái độ và hành vi của mình…”.

Giải quyết nỗi lo khi con chặn facebook

Vừa qua, nhóm nghiên cứu của TS. Cecilie, Andraessen, ĐH Bergen (Na Uy) vừa công bố 6 tiêu chí nhận biết người nghiện facebook: Suốt ngày nghĩ về facebook và lên kế hoạch về sử dụng nó; Luôn bị facebook thôi thúc dùng nhiều hơn; Lên facebook để quên đi các vấn đề cá nhân; Cố giảm thời gian chơi facebook nhưng không được; Bồn chồn khi bị cấm sử dụng facebook; Mải mê với facebook đến mức nó ảnh hưởng đến công việc và việc học hành của bạn. 

Những vấn đề chia sẻ trên khiến phụ huynh bàng hoàng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ở độ tuổi vị thành niên nếu không cho con vào mạng xã hội lại sợ con tụt hậu so với bạn bè.

Bà Bùi Thy Phương, có con đang học tại Trường TH Việt Mỹ thắc mắc: “Tôi có con nhỏ chưa biết chơi facebook. Nếu không cho cháu sử dụng thì liệu cháu có bị tụt hậu, bị cho là “quê” so với bạn bè hay không?”.

ThS.BS Nguyễn Lan Hải cho rằng: “Tuổi đầu tiên “cập ngõ” facebook là 12-13 tuổi. Nếu con chị dưới độ tuổi này thì chị không nên lo lắng, hơn nữa hiện nay nhiều người vẫn thích những gì thuộc về truyền thống. Còn nếu con chị đã vượt qua ngưỡng tuổi này và chị muốn con không bị tụt hậu với bạn bè, chị có thể hướng dẫn cho con sử dụng, thậm chí là nhờ một chuyên gia về công nghệ thông tin để cả chị và con cùng học cách bảo vệ mình khi sử dụng nó”.

Một phụ huynh khác lại phân vân: “Có trường hợp một nhóm trẻ chơi facebook lại chặn cha mẹ. Điều này là có lợi hay có hại cho trẻ?”. Về vấn đề này, ThS. Lan Hải phân tích: “Trong cuộc sống của trẻ, cộng đồng của trẻ có quyền riêng tư. Ai cũng có quyền được tôn trọng, khi trẻ không muốn cho người lớn biết mình đang quan tâm điều gì thì cha mẹ cũng đừng cố mà len lỏi vào nhìn, điều này chẳng khác nào đọc trộm nhật ký của trẻ. Tuy nhiên, nếu những câu chuyện trẻ chia sẻ trên facebook mà không trong sáng thì nhiều người cho rằng tại sao trẻ lại phải giấu? Cha mẹ hãy tôn trọng con, không mắng mỏ hay tìm mọi cách vào facebook của con mà chỉ trao đổi riêng để trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và từ từ chia sẻ”.

Bài, ảnh: Hà Xuyên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)