Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Cùng dấu” tuổi học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện tượng một số bạn trẻ bộc lộ hành vi giới tính khác thường giữa chốn học đường đang khiến các nhà giáo dục thật sự lúng túng.

 

Các thành viên CLB người đồng tính Bầu Trời Xanh thực hiện truyền thông phòng chống HIV/AIDS ở một công viên- Ảnh: CTV

Một khảo sát của khoa tâm lý – giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khiến người ta giật mình: 74 trong tổng số 300 học sinh (HS) của ba trường tham gia khảo sát cho rằng có hơn 10% HS của trường mình là đồng tính ái (ĐTA).

Nỗi lòng “yêu cùng dấu”

“…Ba tôi hay dùng vũ lực trong gia đình nên khi đi học tôi rất ác cảm với những bạn nam hay gây sự. Ngược lại, tôi có cảm tình với bạn nam hiền lành ngồi chung bàn. Giờ ra chơi, chúng tôi ngồi lặng lẽ bên nhau; bữa nào bạn đi học trễ, tôi cảm thấy bồn chồn lo lắng không yên… Nhưng khi tôi bộc lộ tình cảm của mình thì bị các bạn trong lớp xa lánh khiến tôi học hành ngày càng sa sút” – Minh Th., nam sinh lớp 11, Tiền Giang, thổ lộ.

“…Thân thể con trai nhưng khi lớn lên tôi hoảng hốt nhận ra mình không hề thích con gái. Và rồi tôi đã gặp anh, một nam sinh học trên một lớp. Lần đầu tiên được anh nắm tay, tôi thấy thật ấm áp… Theo tôi, khát vọng yêu thương là điều chính đáng của con người. Nếu chỉ vì sợ thành kiến, sợ dư luận mà sống dối lòng, che giấu con người thật của mình thì kiểu sống ấy sao gọi là hạnh phúc…” – Khang M., nam sinh lớp 10, TP.HCM, tâm sự.

Lạc lõng và hoang mang

 

Tại buổi hội thảo do khoa tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức mới đây, các chuyên gia còn cảnh báo về hiện tượng ĐTA giả khi không ít cô cậu học trò bị phát hiện có cử chỉ lạ chẳng qua là do tò mò, đua đòi theo phong trào đồng tính hoặc để chứng tỏ bản thân theo cách riêng của mình. Một số khác do có vóc dáng, điệu bộ, giọng nói hơi “mai mái” thế là bị bạn bè quy chụp là đồng tính. Ngoài ra, một số HS bị người đồng tính dụ dỗ sinh hoạt tình dục cùng giới. Theo thạc sĩ Uyên Thy: “Các em cần được hỗ trợ nhận thức đúng tình trạng ĐTA giả, xác định các mục tiêu cuộc đời, kỹ năng từ bỏ thói quen cũ, xây dựng hành vi mới phù hợp với giới tính thật của mình”.

Mấy năm trước, trong giờ dạy môn giáo dục công dân cô Ngọc Minh (giáo viên Trường THPT Hùng Vương, TP.HCM) vô tình phê phán tình yêu cùng giới. Vài hôm sau cô nhận được lá thư từ một HS thống thiết mong cô có cách nhìn cảm thông hơn với giới ĐTA. Trong lần hẹn gặp riêng sau đó, cô Minh đã lắng nghe cậu học trò tâm sự. Cô khuyên nhủ: “Cuộc sống còn nhiều thứ khác để quan tâm như sự nghiệp, báo hiếu, làm việc thiện…”.

Trên thực tế, không phải giáo viên nào cũng chịu khó với HS có biểu hiện ĐTA như cô Minh. Chẳng hạn, cô Ng. (giáo viên một trường THPT ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết từng nhắc nhở khá nặng và dọa đuổi học khi phát hiện học trò của mình có cử chỉ lạ trong lớp. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), không ít giáo viên vì cho rằng chuyện đó trái với chuẩn mực đạo đức nên tỏ thái độ phê phán, răn đe, ngăn cấm… Một số trường thậm chí còn sử dụng các hình thức kỷ luật nếu HS không nghiêm túc “chỉnh đốn tác phong”.

Đã vậy, các HS có biểu hiện ĐTA thường bị bạn bè trêu chọc, lên án, dè bỉu, nhìn soi mói, bị tẩy chay ra khỏi nhóm, thậm chí bị tấn công để thăm dò phản ứng. Trước thái độ kỳ thị của thầy cô và bạn bè, nạn nhân hoặc tỏ thái độ bất cần, thách thức hoặc gây hấn, đánh nhau với bạn bè trêu chọc, hoặc sống thu mình lại. Theo tiến sĩ Bích Hồng, chính vì lo đối phó như vậy nên HS đồng tính thường mất tập trung trong học tập và luôn căng thẳng.

Ở nhà, khi phát hiện con mình có biểu hiện khác thường, các bậc cha mẹ thường la rầy, cấm đoán, đánh đập, giận dữ, xấu hổ… do khó chấp nhận sự thật “hổng giống ai” của con cái mình. Cách xử sự đó, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên Thy, là không ổn bởi các em đang rất hoang mang nên cần một chỗ dựa hơn. Áp lực đó khiến các em có thể chối bỏ bản thân, giận dữ với chính mình, cảm thấy đời bất công nên rất dễ dẫn đến hành vi tự hủy hoại.

Cần chỗ dựa tinh thần

Bác sĩ Nguyễn Quốc Chinh (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM) khẳng định ĐTA không phải là bệnh mà là xu hướng giới tính, rất cần được hỗ trợ tham vấn. Cụ thể, đối với ĐTA thật, cần giúp các em biết chấp nhận bản thân để từ đó định hướng cuộc sống và hành xử phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình. Các em có thể làm giảm bớt sự chú ý của người xung quanh bằng cách đừng thể hiện thái quá những hành vi yêu đương hoặc những phong cách khác người (chẳng hạn đồng tính nam đeo khuyên tai, ăn mặc sặc sỡ, tô son phấn, ăn nói ẻo lả…).

Còn theo thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên Thy, ngoài cung cấp kiến thức để các em hiểu đúng về ĐTA, tình dục cùng giới an toàn, bảo vệ sức khỏe… cần trang bị cho các em các kỹ năng ứng xử, giao tiếp với người cùng giới và khác giới phù hợp với xu hướng tính dục thật của mình, đặc biệt là giới hạn hành vi chuẩn mực ở nơi công cộng. Cũng theo cô Thy, người lớn cần khơi gợi để các em phát huy những ưu điểm của bản thân, đồng thời bộc lộ những cảm xúc sâu kín, nhất là những cảm xúc tiêu cực, để tránh căng thẳng hay có hành vi tự hủy hoại.

“Cha mẹ hãy là người bạn đồng hành, là chỗ dựa đáng tin cậy cho con cái”. Theo giảng viên tâm lý Huỳnh Mai Trang, nếu là bạn đồng hành, cha mẹ sẽ sớm phát hiện những cử chỉ lạ của con. Khi đó họ chẳng những không kỳ thị, xa lánh mà đồng cảm với nỗi lòng của con; đồng thời phối hợp với chuyên gia để xác định rõ xu hướng giới tính của con. Nếu thấy con bình thường, nên sớm hỗ trợ con từ bỏ các hành vi đồng tính. Nếu con là đồng tính thật, cha mẹ cần chấp nhận và trao đổi với con về những vấn đề mà người đồng tính sẽ phải đối diện như nạn kỳ thị, bệnh lây lan qua đường tình dục, cách bộc lộ bản thân phù hợp và cùng con vượt qua những khó khăn khác trong đời.

THÁI BÌNH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)