Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cung đường của những tên cướp ẩn mình

Tạp Chí Giáo Dục

Nơi các băng nhóm cướp giật, xin đểu ra tay không đâu khác những tuyến đường vắng vẻ ở vùng ven. Dù đã cảnh giác cao độ, song thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ cướp giật táo tợn gây hoang mang trong người dân.

Đường Nhơn Đức – Phước Lộc (huyện Nhà Bè) ban ngày cũng rất vắng, thường xuyên xảy ra các vụ xin đểu, cướp giật

Thống kê của cơ quan công an các quận, huyện ngoại thành, nhiều vụ giết người cướp của gần đây hầu hết xảy ra sau 0 giờ, vị trí gây án đều ở nơi xa khu dân cư. Trung tướng Nguyễn Đông Phong – Giám đốc Công an TP.HCM – xác nhận: Thời gian gần đây, nạn cướp giật rộ lên ở vùng ven với mức độ nguy hiểm hơn.

Cướp ra tay ở đường vắng

Chị Nguyễn Thị Lệ (ngụ ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) vẫn chưa hết bàng hoàng sau hơn một tháng bị hai thanh niên chặn đường xin đểu. “Một thằng rút dao bấm kè vào hông tôi dọa. Tôi móc hết túi chỉ còn 300 ngàn, quỳ lạy, van xin nhưng chúng vẫn lạnh lùng. Tên còn lại đạp tôi té ngửa rồi lại lấy xe tay ga của tôi đi tỉnh bơ. Tôi bất lực, có kêu cứu cũng vô vọng vì đường rất vắng”. Theo chị Lệ, vị trí chị bị tai nạn là đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn gần chân cầu Phước Kiển hướng về KCN Hiệp Phước. “Tôi thất thểu đi bộ mấy kilômét về nhà, người thân chở tôi ra công an xã trình báo. Đơn giản tôi nghĩ đó là việc phải làm chứ tìm lại của là chuyện hy hữu”, chị Lệ bức xúc.

Nạn nhân đối mặt với những đối tượng xin đểu, cướp giật như chị Lệ không phải là hiếm. Cuối tháng 5 vừa qua, như thường lệ, sau giờ tan ca chị Nga (công nhân KCX Tân Thuận) đi xe máy về xóm trọ trên đường Tôn Thất Thuyết (Q.4). “Vừa rẽ vào hẻm, từ phía sau, chiếc xe máy áp sát đạp tôi văng ra xa. Trong khi tôi đang lồm cồm gượng dậy sau cú va đập mạnh xuống đường, thì đối tượng ngồi sau xe nhảy xuống và leo lên xe tôi, sau đó cùng đồng bọn chạy về hướng cầu Tân Thuận 2”, chị Nga nhớ lại.

Lợi dụng những đoạn đường vắng, đặc biệt là sau 23 giờ, các đối tượng gây án sau thời gian theo dõi, bám đuôi và ra tay với “con mồi”. Phía Nam Sài Gòn, các tuyến đường được khoanh vùng cực kỳ nguy hiểm là đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Bình, Nhơn Đức – Phước Lộc (huyện Nhà Bè); huyện Bình Chánh thì có đường Nguyễn Văn Linh, hướng về quốc lộ 1A hoặc các đường nội bộ vào khu dân cư. Đường Võ Văn Kiệt (qua các quận như: Q.8, Q.Bình Tân, Q.Bình Chánh) cũng là một trong những tuyến đường mà kẻ xấu chọn làm địa bàn hoạt động.

“Kể cả ban ngày, một số tuyến đường mới mở vào các dự án nhà ở đang xây dựng cũng chẳng mấy người qua lại. Sau khi đã điều nghiên, thấy “con mồi” xuất hiện là bám theo, chỉ trong tích tắc có thể thực hiện xong một vụ cướp mà không cần phải dựng lại kịch bản dàn cảnh cũ rích như những năm trước”, Trung úy Nguyễn Hữu Phú, Công an P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân lưu ý.

Chị Thúy, nạn nhân vụ chém trước cướp sau vẫn chưa hết bàng hoàng sau đêm bị tai nạn

Người dân không khỏi lo lắng bởi gần đây tại một số tuyến đường vắng như trên đã xảy ra nhiều vụ chém trước, cướp sau bất ngờ, táo tợn khiến nạn nhân không kịp trở tay. Chị Thúy (công nhân, ngụ Q.2) là nạn nhân của vụ “chém trước cướp sau” mà các đối tượng gây án sau khi đã phê ma túy. Nhắc lại đêm kinh hoàng đó, sắc mặt chị thay đổi hẳn. Người nhà chị cho biết, sức khỏe tinh thần không chỉ với chị mà cả gia đình cũng giảm sút kể từ đêm đó. 

Thanh niên cũng bị cướp bám… đuôi

Sau mỗi đợt TP.HCM ra quân truy quét tội phạm, các đối tượng lại dạt về vùng ven ẩn náu chờ cơ hội gây án. Tuy nhiên, các đối tượng hoạt động tinh vi, biến hóa khó lường gây khó khăn trong công tác phòng ngừa ngăn chặn.

Ông Nguyễn Văn Muốc, công an viên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho biết: Hễ đi tuần sẽ phát hiện đối tượng nghi vấn, tổ chức mật phục là bắt quả tang. Các băng nhóm thường chia nhau theo dõi, thông tin cho nhau qua điện thoại, tên khác lại bám đuôi, khi thuận tiện thì ra tay. Ông Muốc thông tin thêm, không loại trừ phụ nữ, kể cả đàn ông, thanh niên lực lưỡng cũng lọt vào tầm ngắm.

Với công việc quản lý nhà hàng ăn uống, anh Nguyễn Văn Minh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) thường trở về nhà sau 0 giờ. “Tôi từng bị nhóm thanh niên đón đầu tại chân cầu Ông Lớn. Lần đó, tôi bình tĩnh nhấn ga lao về phía trước buộc chúng phải tránh đường. Từ hôm đó, tôi thay đổi lộ trình cũng như thời gian đi – về, cảm giác an toàn hơn”.

Trung úy Phú (Công an P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) khuyên, nên tìm một chốt dân phòng, chốt kiểm tra liên ngành hoặc trực ban phường, xã đó để nhờ giúp đỡ đưa qua đoạn đường vắng. Đây cũng là giải pháp mà công an các quận, huyện đã thông tin đến người dân trong các buổi tập huấn chuyên đề trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích và đề phòng cướp giật.

Bài, ảnh: T.Anh

 

Bình luận (0)