Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cùng hát quốc ca – sức mạnh của sự đoàn kết

Tạp Chí Giáo Dục

Các VĐV học sinh chào cờ – hát quốc ca trong lễ khai mạc giải bóng đá học sinh THPT lần 9-2008. Ảnh: T.Tr

Đọc tình huống giáo dục của cuộc thi lần 10, tôi bỗng giật mình. Bởi hình ảnh giờ chào cờ chỉ học sinh hát quốc ca mà giáo viên không tham gia hình như không những có tại trường của cô hiệu trưởng Bích Ngọc mà còn phổ biến ở nhiều trường khác nữa.
Thông thường sau giờ chào cờ, tổng phụ trách hoặc ban giám hiệu nhận xét chung về tình hình hát quốc ca sáng nay như hát lớn, hát nhỏ, hát sai nhịp hoặc tư thế chào cờ chưa nghiêm và yêu cầu học sinh sửa sai. Nhưng ít ai để ý rằng cả hiệu trưởng và tập thể GV-CNV đều chỉ đứng nghiêm chào mà không hát. Theo tôi, mỗi chúng ta, dù là thầy cô giáo hay học sinh trong nhà trường, dù là thủ trưởng hay nhân viên một cơ quan nào đó… khi đứng trước quốc kỳ chúng ta đều có điểm chung là một công dân Việt Nam như nhau. “Điều em muốn nói với cô hiệu trưởng” của học sinh trong bức thư có lẽ cũng là tâm ý chung của toàn thể học sinh. Đó là toàn trường cùng hát quốc ca chào cờ đầu tuần. Có thầy cô cùng tham gia, các em sẽ noi gương mà hát nghiêm túc hơn, hào hùng hơn. Các em sẽ cảm nhận được sức mạnh lan tỏa của tiếng ca nói riêng hay sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc nói chung, cảm thấy gắn bó thân thiết với bạn bè, thầy cô và mái trường nhiều hơn. Từ đó giúp các em cố gắng trong học tập, tích cực trong các hoạt động phong trào của nhà trường, có ý thức phấn đấu thành con ngoan, trò giỏi. Rõ ràng việc tập thể sư phạm và toàn thể học sinh cùng hát quốc ca chào cờ đầu tuần chính là một hoạt động giáo dục thật nhẹ nhàng mà đầy bổ ích có tác dụng lớn đến việc hình thành nhân cách học sinh. Đây cũng là một trong các tiêu chí của việc xây dựng “trường học thân thiện” – là xây dựng theo cách tiếp cận quyền trẻ em, nhằm làm cho học sinh khỏe mạnh, hài lòng với việc học tập trên cơ sở giáo viên nhiệt tình dạy dỗ cùng với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng để các em có thể phát triển hết tiềm năng của mình… Khi chúng ta cùng tham gia hát quốc ca với học sinh, sau tiết chào cờ hiệu trưởng sẽ cho ban cán sự lớp nhận xét những bạn nào không hát quốc ca, nêu lý do và rút kinh nghiệm trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Như thế sẽ phát huy được tinh thần làm chủ tập thể của các em nhiều hơn!
Điều thứ hai mà em muốn nói qua bức ảnh chụp cảnh cô hiệu trưởng cùng chồng trên chiếc Honda đang vượt đèn đỏ ở ngã tư nhỏ là gì? Phải chăng đó là sự ngỡ ngàng của em học sinh trước sự vi phạm của cô về điều mà cô thường răn dạy. Trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm hay tiết giáo dục tập thể mỗi tuần, chúng ta thường có các chuyên đề như “Giáo dục an toàn giao thông”, “Giáo dục thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, nhắc nhở học sinh và qua học sinh nhắc nhở phụ huynh đưa đón con em trên lề đường qui định, không đậu xe dưới lòng đường hoặc chạy xe ngược chiều… Nhưng chúng ta không nên giáo dục suông mà phải làm gương tốt cho học sinh học tập. Bức ảnh nêu trên cũng là một hình ảnh phản giáo dục, không thuyết phục được học sinh, gây mất lòng tin nơi các em, tạo sự vô cảm trong các hoạt động giáo dục sau này. Theo tôi, trong sự nghiệp giáo dục ở nhà trường, mục tiêu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” là một yêu cầu cần thiết đòi hỏi mỗi giáo viên chúng ta phải phấn đấu thực hiện suốt cả cuộc đời. Thực tế đây đó vẫn còn hình ảnh người thầy ngồi hút thuốc vào giờ chơi trên ghế đá sân trường trong khi vẫn giáo dục các em về tác hại của khói thuốc và xử lý nghiêm khi các em vi phạm hút thuốc trong nhà trường. Hay chúng ta giáo dục các em đức tính trung thực trong thi cử, nỗ lực trong học tập nhưng khi thực hiện các tiết kiểm tra định kỳ lại chưa nghiêm túc, tạo kẽ hở cho học sinh quay cóp… đó là những nghịch lý cần phải khắc phục. Anh bạn đồng nghiệp của tôi vừa qua cũng gặp phải một tình huống dở khóc dở cười khi chạy xe ngược chiều vào đường cấm mà chú công an trẻ thổi phạt lại là một học sinh cũ của anh!
Việc hát quốc ca đầu tuần thể hiện lòng tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh về truyền thống anh hùng của quê hương đất nước và quyết tâm cho một tuần mới làm việc năng động, tích cực, hiệu quả…
Năm học 2008 – 2009, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, ngành giáo dục đã triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm tạo bước đột phá trong giáo dục toàn diện cho học sinh. Mọi hoạt động giáo dục trở nên nhẹ nhàng, vui tươi, hấp dẫn mọi người nhất là học sinh, phát huy tính tự giác học tập, sự gắn bó sâu sắc của học sinh đối với nhà trường. Tôi tin rằng cô hiệu trưởng Bích Ngọc vốn nổi tiếng nghiêm khắc, rất quan tâm đến hoạt động giáo dục đạo đức học sinh sẽ nắm vững và tâm huyết với chủ trương này của ngành. Có lẽ cảm giác đầu tiên của cô khi đọc bức thư “Điều em muốn nói” là sự tức giận vì được học sinh phê bình. Nhưng chắc chắn rằng khi bình tâm trở lại, cô sẽ thấu hiểu được tâm ý của các em học sinh thân yêu mà chọn thời điểm thích hợp, cho đọc công khai trước hội đồng sư phạm, coi đây như bài học quý để ban giám hiệu cùng giáo viên rút kinh nghiệm: “Hãy cùng hát quốc ca với học sinh” để tạo sức mạnh của sự gắn bó, thân thiện, đoàn kết trong nhà trường và “Mỗi giáo viên luôn là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”!
Trung Nghĩa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)