Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cùng học sinh quyết định tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Q.1) hỏi về vấn đề chọn ngành nghề trong chương trình. Ảnh: T.P

Chỉ với 120 phút, nhưng gần 2.000 học sinh (HS) Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THPT Phan Đăng Lưu đã có được những giờ sinh hoạt hướng nghiệp thực sự bổ ích sau những ngày căng thẳng chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc học kỳ I.
Đây là chương trình do Báo Giáo Dục TP.HCM, Trường ĐH Hoa Sen phối hợp tổ chức nhằm giúp HS các trường THPT tìm hiểu các ngành nghề, khuynh hướng ngành nghề trong xã hội, qua đó định hướng việc lựa chọn công việc phù hợp với khả năng, sở thích của mình. Chương trình được thực hiện từ ngày 15-12-2010 đến 15-1-2011 cho 20 trường THPT trên địa bàn TP.HCM.
Nhu cầu thiết yếu với HS
Mỗi năm, cứ đến mùa thi, các cô cậu học trò lớp 11, 12 lại thấp thỏm cho việc lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn các trường ĐH, CĐ. Sau bao năm đèn sách, đây là lần đầu tiên các em đứng trước bước ngoặt lớn để quyết định tương lai cho mình. Trước nhiều sự lựa chọn, không ít học sinh đã tỏ ra bối rối vì không biết bắt đầu từ đâu để phù hợp với khả năng, sở thích, điều kiện kinh tế, cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân và gia đình. Phần lớn, các em đều có xu hướng chọn các ngành đang “hot” trên thị trường, chọn theo cảm tính nhất thời, theo phong trào hay chỉ đơn giản là để… cho oai. Cũng chính từ thực trạng đó, đã không ít trường hợp HS nhiều năm liên tiếp học… “lớp 13” tại các lò ôn luyện. Thậm chí, rất nhiều SV đang theo học tại một số trường ĐH, CĐ phải bỏ dở để… quay lại từ nơi bắt đầu.
Dù chưa phải thời điểm “nóng” để chuẩn bị cho việc đăng ký hồ sơ dự thi các trường ĐH, CĐ, nhưng qua chương trình hướng nghiệp tại hai trường đầu tiên, nhiều HS đã không ngần ngại bày tỏ những thắc mắc, băn khoăn trước cánh cửa chọn ngành, chọn trường. Và cho đến thời điểm này, hầu hết các em đều chưa có sự định hướng cụ thể cho việc lựa chọn nghề nghiệp để đăng ký trong hồ sơ ĐH, CĐ sắp tới. Cô Trương Ngọc Phượng, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen cho biết, chỉ có 4/37 HS lớp 12A2 Trường THPT Phan Đăng Lưu lựa chọn được ngành nghề cho mình thông qua sự tác động của gia đình. “Qua một vài câu hỏi tôi nhận thấy 80% HS trong lớp đó chưa biết mình thích gì. Các em mới chỉ biết tên các ngành nghề chứ chưa biết tính chất, mục đích và yêu cầu của nó. Một số em lại nghĩ rằng, việc kết thúc lớp 12 và đăng ký ngành học tại các trường ĐH, CĐ là điều hiển nhiên mà chưa lường trước sự việc sẽ diễn ra sau đó”. Hầu hết các thông tin được HS “chú tâm” khai thác đều rơi vào việc tìm hiểu tính chất nghề nghiệp, lựa chọn công việc phù hợp với thực lực bản thân… Bên cạnh đó, các em còn đặt câu hỏi liên quan đến cách làm hồ sơ, quy chế thi ĐH, CĐ. Dù ở thành phố, có điều kiện cập nhật các kênh thông tin nhưng nhiều em còn tỏ ra “ú ớ” khi phân biệt và sử dụng NV1, NV2, NV3. Có em còn thắc mắc “Em chưa biết mình sẽ chọn thi ngành nào. Vậy em có thể nộp nhiều hồ sơ và thi cùng một lúc được không?”…
Để các em quyết định chính mình
ThS. Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hoa Sen kể lại với HS câu chuyện trong chính gia đình mình “Khi con gái tôi còn nhỏ, mọi người đã phát hiện có năng khiếu vẽ. Hỏi nó sau này thích làm gì, cháu trả lời rằng sẽ trở thành họa sĩ. Lên 12 tuổi, tôi hỏi lại về ước mơ trở thành họa sĩ đó thì đã được chuyển thành nhà thiết kế thời trang. Nhưng chẳng ai chắc chắn rằng ước mơ đó sẽ không thay đổi cho tới lúc cháu thi ĐH, CĐ”. Quả thực, dù công tác định hướng giúp HS lựa chọn đúng nghề nghiệp phù hợp luôn được các trường quan tâm, chú trọng. Song ở lứa tuổi tâm sinh lý chưa ổn định, các em hay có sự thay đổi khi chịu sự tác động từ bên ngoài như bạn bè, gia đình, xã hội… Đôi khi, những định hướng của gia đình chưa hẳn đã mang lại những quyết định sáng suốt để các em quyết định tương lai. Một vài phụ huynh còn đặt lên vai con em mình những khát vọng mà họ không đạt được thời trẻ bất kể sức học, năng khiếu và sở thích của con. Do đó, công tác hướng nghiệp tại trường học phải được thực hiện lâu dài, gắn liền với thực tế để giúp các em dễ hình dung, xác định đúng đắn mục tiêu và quyết định tương lai cho chính mình. Khắc Thành, HS lớp 12 D3 Trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết, sau buổi hướng nghiệp, em đã có cái nhìn sâu sắc hơn để quyết định tương lai cho mình. “Em thích phần các thầy cô giảng giải về tính chất các ngành nghề trong xã hội và nhận thấy ngành nghề mà em lựa chọn ban đầu không thực sự phù hợp. Em sẽ chọn một nghề khác phù hợp với khả năng quan sát, học hỏi và khám phá của mình”, Thành chia sẻ.
Vy Vy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)