Y tế - Văn hóaThư giãn

“Cùng kiến tạo không gian văn hóa”: Gợi mở tâm huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Tác giả tỏ rõ sự am hiểu không chỉ về lý luận qua những góc nhìn văn hóa mà cả ở trải nghiệm thực tiễn qua hoạt động quản lý, phát triển thành phố nên nhiều đề xuất rất thiết thực và đáng suy ngẫm

Với tấm lòng vì TP và luôn quan tâm, theo dõi các hoạt động văn hóa của TP, tác giả Phạm Phương Thảo vừa ra mắt tác phẩm "Cùng kiến tạo không gian văn hóa" (NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành), gợi mở nhiều vấn đề, ý kiến tâm huyết nhằm "kiến tạo không gian văn hóa" TP HCM.

Cái nhìn tổng quan về văn hóa thành phố

Tác giả Phạm Phương Thảo nguyên là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM. Dẫu đã nghỉ hưu nhưng bà luôn dành sự quan tâm cho sự phát triển TP, đặc biệt là mảng văn hóa. Bà quan niệm "điều làm nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, dân tộc chính là bản sắc văn hóa". Với TP HCM, 2020 là "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị". Trong chủ đề trọng tâm ấy, tác phẩm "Cùng kiến tạo không gian văn hóa" được viết nên, chắt lọc những trăn trở, ý kiến về văn hóa TP.

Ngay ở tiêu đề, tác giả đã bày tỏ dụng ý rất… cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển văn hóa khi nhấn mạnh cụm từ "cùng kiến tạo", tức là hoạt động xây dựng không gian văn hóa cần sự chung tay góp sức không chỉ ở chính quyền, các cơ quan, ban ngành mà ở mọi tập thể, cá nhân, ở nhân dân.

Tác phẩm được chia làm 38 bài viết khác nhau qua 3 tuyến chủ đề theo mô hình lý luận tổng quan – đề xuất hành động – minh họa thực tiễn. Bắt đầu từ chủ đề "Một góc nhìn về văn hóa", tác giả trình bày những nhìn nhận, quan điểm về văn hóa với những định hướng giá trị văn hóa, về phẩm cách con người, ứng xử văn hóa… giúp độc giả có hiểu biết nền tảng, căn cốt về văn hóa. Chẳng hạn về văn hóa lãnh đạo, tác giả tập trung sự chú ý đến văn hóa Hồ Chí Minh với đức hy sinh vì dân, vì nước, với sự tận tâm phục vụ cùng quan điểm của Người: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Ở TP hiện nay, vấn đề phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang được chú trọng.

Cuốn sách “Cùng kiến tạo không gian văn hóa”

Ở phần tiếp theo, tác giả hướng đến đề xuất hành động với chủ đề "Đẩy mạnh hoạt động văn hóa" từ xây dựng văn hóa gia đình, nâng cao chất lượng các lễ hội, chú trọng tới sự bảo tồn, phát triển văn hóa… Trong đó, vai trò của báo chí TP được nhấn mạnh. Với lợi thế không chỉ là nơi khởi nguồn của báo chí nước Việt, TP HCM hiện có lực lượng báo chí hùng hậu, luôn khẳng định được tính chiến đấu, phản biện, xây dựng và tinh thần nhân văn. Trăn trở hiện nay là làm sao báo chí TP phát huy được vai trò cung cấp thông tin chính thống, giúp độc giả có thêm kiến thức, năng lượng tích cực, làm tốt vai trò cầu nối, diễn đàn văn hóa của nhân dân…

Trong phần "Xây dựng văn hóa trong văn minh đô thị", những điển hình văn hóa ở TP được tác giả tìm hiểu như những chứng nhân cho hiệu quả xây dựng, kiến tạo không gian văn hóa ở những địa chỉ cụ thể. Đó là Bệnh viện 115 với tinh thần tận tâm phục vụ người bệnh qua việc thay đổi tư duy "có gì phục vụ đó" sang "phục vụ theo yêu cầu, lấy bệnh nhân làm trung tâm phục vụ"; đó là Phiên chợ xanh tử tế ở 135A Pasteur mà tại đây, văn hóa chẳng đâu xa, nó là thực phẩm sạch tươi ngon, là thái độ phục vụ niềm nở…

Có thể thấy qua "Cùng kiến tạo không gian văn hóa", tác giả tỏ rõ sự am hiểu không chỉ về lý luận qua những góc nhìn văn hóa mà cả ở trải nghiệm thực tiễn khi bản thân từng trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, phát triển TP. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất trong việc "kiến tạo không gian văn hóa" rất thiết thực và đáng suy ngẫm.

Đối với việc phát triển không gian văn hóa công cộng của TP, tác giả nêu rõ đặc thù riêng của TP là đô thị hiện đại, đa văn hóa, đa dân tộc. Nhiều không gian văn hóa công cộng phát huy rõ công năng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, đường sách… Không gian văn hóa đô thị có vai trò to lớn tăng sự gắn bó dân cư, tương tác xã hội, xây dựng môi trường sống lành mạnh. Nhưng việc đô thị hóa nhanh, quy hoạch chưa tốt là những thách thức lớn đòi hỏi có những giải pháp khoa học, hợp lòng dân. Trong đó, tác giả nhấn mạnh tới vai trò của sự nhận thức trong lãnh đạo và đề xuất hoạt động xã hội hóa trong phát triển văn hóa công cộng để phát huy cao nhất công năng của không gian văn hóa công cộng.

Văn hóa đọc ở TP cũng là một thành tố quan trọng trong hoạt động kiến tạo tri thức văn hóa mà ở đó vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội thực sự quan trọng đối với tình yêu sách của trẻ. Bởi theo tác giả, việc gieo mầm thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho trẻ rất quan trọng để lớn lên việc đọc sách trở thành nhu cầu tự thân. Xây dựng văn hóa đọc không đơn thuần chỉ là hoạt động văn hóa ở đường sách, tổ chức hội sách… mà cụ thể hơn nữa là trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng, là xây dựng văn hóa đọc ngay từ trẻ thơ.

Tự sự về tác phẩm của mình, tác giả bày tỏ tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa khi nêu rõ "Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng mà không phẳng. Điều làm nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, dân tộc chính là bản sắc văn hóa. Tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu phấn đấu nhưng nếu phát triển kinh tế mà không chú ý đến phát triển văn hóa thì dễ dẫn đến tình trạng đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc". 

Cũng rất thời sự khi từ đại dịch Covid-19, tác giả đưa đến những nhìn nhận mang tính nhìn lại về sức mạnh của sự đoàn kết, tương thân tương ái, một thành tố văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có TP HCM. Với ý thức tự giác thực hiện giãn cách xã hội, tự cách ly, những phát minh “ATM gạo”, khẩu trang, cứu chữa bệnh nhân người Anh… cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết nhất trí và chung tay của chính quyền, người dân TP trước những hiểm họa chung của dân tộc và nhân loại.

Theo Trần Đình Ba/NLĐO

 

Bình luận (0)