Một trong những dấu ấn đậm nét ở tuổi 30 của Tạp chí Giáo dục TP.HCM chính là lan tỏa thông tin các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đến khắp mọi miền đất nước. Từ đây, nhiều học sinh đã được “tiếp sức”, truyền động lực để bước vào cánh cổng ĐH, lập thân lập nghiệp, bước vào đời…
Cùng các chuyên gia điểm lại những dấu ấn đẹp đẽ mà Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã nỗ lực thực hiện trong suốt chặng đường vừa qua.
PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Mong báo cùng ngành giáo dục xây dựng niềm tin cho xã hội
ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu đồng hành cùng Tạp chí Giáo dục TP.HCM trong chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh từ năm 2010; ký kết chính thức từ năm 2016 đến nay.
Trong 14 năm qua, ở từng năm, hai đơn vị đã cùng tư vấn cho khoảng 700.000 học sinh thuộc 300 trường THPT của 25 tỉnh thành trải dài từ Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung. Như vậy, qua 14 năm, chương trình đã tư vấn cho khoảng 10 triệu học sinh, đây là một con số rất lớn. Trong số này, rất nhiều em đã được tiếp cận thông tin, có cơ sở chọn lựa đúng ngành, trường và có được tương lai nghề nghiệp tốt đẹp. ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá đây là một trong những chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh hiệu quả và ĐH Quốc gia TP.HCM rất may mắn đồng hành cùng Tạp chí Giáo dục TP.HCM để đưa thông tin tuyển sinh của các trường thành viên đến thí sinh, nhất là những em ở những nơi không có nhiều điều kiện để tiếp cận.
TP.HCM là thành phố lớn, cũng là trung tâm giáo dục của cả nước. Năm vừa qua, thành phố đã rất vinh dự được UNESCO công nhận là thành phố giáo dục. Để đạt được thành quả này, thời gian qua, ngành giáo dục TP.HCM nói chung trong đó có các trường ĐH đóng trên địa bàn thành phố và cả ĐH Quốc gia TP.HCM đã nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian qua cũng như sắp tới, những thách thức cũng là rất lớn. Đơn cử như sự bùng nổ của mạng xã hội, của các nền tảng truyền thông khác nhau và trên các mạng xã hội, truyền thông đó thì tin tức tiêu cực về xã hội nói chung, về ngành giáo dục nói riêng cũng rất nhiều. Điều này cho thấy vấn đề xây dựng được niềm tin của xã hội, gia đình, nhà trường, học sinh đối với giáo dục là hết sức quan trọng. Để xây dựng niềm tin đó, bên cạnh nỗ lực của nhà trường, thầy cô, cộng đồng, xã hội thì truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Tôi mong muốn thời gian tới, Tạp chí Giáo dục TP.HCM nói riêng cũng như các cơ quan truyền thông của cả nước nói chung đồng hành cùng nhà giáo, nhà trường, xã hội để từng bước củng cố, xây dựng và phát triển niềm tin của xã hội với giáo dục. Chỉ khi giáo dục có được niềm tin thì mới phát triển, mà giáo dục phát triển thì quốc gia mới phát triển được.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT: Thể hiện tốt tiếng nói của ngành
Với đặc thù là tờ báo của ngành giáo dục, thời gian qua, Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã luôn chú trọng và dành một vị trí trang trọng để thông tin, chuyển tải những thông điệp ý nghĩa thông qua các hoạt động của ngành.
Trên mặt báo, những thông tin đặc sắc về giáo dục, trong đó có các kỳ thi, kỳ tuyển sinh; gương người tốt việc tốt, gương nhà giáo dạy giỏi, học sinh học hay cùng nhiều vấn đề thời sự, đời sống dân sinh, đời sống giáo dục… cũng đã được liên tục thể hiện, đăng tải. Đặc biệt, báo chính là cầu nối để bạn đọc, trong đó có nhiều phụ huynh, giáo viên, cựu giáo chức gửi những tâm tư, tình cảm cũng như đóng góp những ý kiến quý giá nhằm xây dựng, phản biện, hoàn thiện những chủ trương, chính sách đổi mới của ngành.
Xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu về chất lượng thông tin ngày càng cao, đứng trong dòng chảy chung của chuyển đổi số, Tạp chí Giáo dục TP.HCM cần không ngừng đổi mới, cải tiến cả nội dung lẫn hình thức. Tôi kỳ vọng sẽ có sức sống mới, diện mạo mới và sự lớn mạnh ở tuổi 30 của báo. Và ở đó, những đóng góp của báo đối với ngành giáo dục sẽ ngày càng nhiều, càng sâu và kịp thời hơn.
Tôi tin trong tương lai, báo sẽ tiếp tục thể hiện tốt tiếng nói của ngành; là địa chỉ tin cậy để đội ngũ nhà giáo, cựu giáo chức và người học gửi gắm tiếng lòng của mình; thông qua đó, góp sức xây dựng nền giáo dục, nhất là với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM: Uy tín cao trong lĩnh vực giáo dục
Là người có 40 năm (1979-2019) làm việc trong ngành lao động – thương binh xã hội TP.HCM và hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, tôi luôn đồng hành, gắn bó, được chứng kiến hành trình 30 năm xây dựng – phát triển không ngừng từ khi thành lập mang tên Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo, đổi tên thành Báo Giáo dục TP.HCM, hiện nay là Tạp chí Giáo dục TP.HCM.
Là tờ báo có uy tín cao về lĩnh vực giáo dục, văn hóa xã hội trong TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, mặc dù nhân sự không nhiều nhưng tập hợp được đội ngũ người làm báo có chuyên môn, tư cách đạo đức tốt. Các thế hệ quản lý, phóng viên, biên tập viên của báo luôn kiên trì khắc phục mọi khó khăn, bám sát tôn chỉ, mục đích để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong quá trình hàng chục năm gắn bó với báo, tôi rất tâm đắc về sự nhìn nhận thực tiễn, tinh thần đổi mới sáng tạo của báo và đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Thông qua báo, bản thân tôi đã được đóng góp nhiều bài viết, ý kiến về những vấn đề nghiên cứu thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Điều này đã tạo động lực cho tôi thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong từng thời kỳ.
Và liên tục 15 năm gần đây, tôi tham gia với vai trò là thành viên ban tư vấn chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”; “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”, “Cùng bạn quyết định tương lai” – những chương trình được sự tín nhiệm cao của các tổ chức giáo dục – kinh tế và xã hội. Các hoạt động tư vấn của chương trình đã chú trọng dự báo xu hướng nghề nghiệp, việc làm, đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết đào tạo và sử dụng trong thời đại số.
Thời gian tới, tôi mong báo chú ý nhiều hơn các chương trình về giáo dục giá trị trong nhà trường giúp học sinh, sinh viên có những hiểu biết, hình thành thái độ và kỹ năng thực hành theo các hệ giá trị xã hội. Tiếp tục hoàn thiện và mở rộng những hoạt động hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh theo hướng nhân lực quốc tế và thời đại số. Trong bối cảnh xã hội thay đổi từng ngày, cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới với nghề nghiệp thì việc có những nghiên cứu sâu hơn về thực tại này là điều cần thiết. Sự biến đổi cơ cấu nghề nghiệp với những ngành nghề mới xuất hiện cũng là vấn đề cần lưu tâm trong các nghiên cứu truyền thông hướng nghiệp sắp tới.
Bên cạnh đó, báo cần nâng cao năng lực tổ chức, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đáp ứng yêu cầu công tác truyền thông và tổ chức sự kiện trong thời đại công nghệ số. Tạo được kênh truyền thông số của báo, ứng dụng các hoạt động ưu tiên hướng nghiệp, kênh thông tin chung về các chuyên đề giáo dục nghề nghiệp.
ThS. Phạm Doãn Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM: Nên phát triển các chương trình hướng nghiệp chuyên sâu
Có nhiều năm gắn bó với Tạp chí Giáo dục TP.HCM thông qua các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, tôi vui mừng thấy báo ngày càng phát triển, khẳng định được thương hiệu riêng với đội ngũ biên tập viên, nhân viên, phóng viên tâm huyết, yêu nghề.
Thời gian tới, tôi kỳ vọng Tạp chí Giáo dục TP.HCM sẽ không ngừng phát triển, đổi mới. Ngoài chú trọng thông tin trên mặt báo, tôi cũng mong tạp chí sẽ có những chương trình tăng cường trang bị kỹ năng, nghiệp vụ hướng nghiệp cho đội ngũ thầy, cô giáo làm công tác hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT. Đồng thời, phát triển các chương trình hướng nghiệp cho học sinh THPT theo hướng chuyên sâu từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề… để các em dễ tiếp cận và lựa chọn ngành nghề phù hợp.
ThS. Trần Thúy Trâm Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Thông qua chương trình tư vấn của báo, nhiều thí sinh đã chọn vào trường
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tự hào gắn bó cùng Tạp chí Giáo dục TP.HCM xuyên suốt chặng đường phát triển của báo. Nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do báo tổ chức có ý nghĩa thiết thực trên hành trình lựa chọn nghề nghiệp để vào đời của bao thế hệ học sinh. Thông qua những chương trình này, ở các năm qua, có nhiều thí sinh đã lựa chọn vào những ngành nghề phù hợp để theo học tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Các diễn đàn thường xuyên được tổ chức trên báo chính là nơi để nhiều giáo viên, trong đó có giảng viên, sinh viên HIU gửi gắm ý kiến, kiến nghị… đối với những vấn đề quan trọng của ngành, từ đó cùng đóng góp vào sự phát triển của ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, Tạp chí Giáo dục TP.HCM cũng là một trong các cơ quan thông tấn báo chí tiếp nhận sinh viên HIU đến thực hành, thực tập về ngành truyền thông đa phương tiện tạo cơ hội cho sinh viên sớm tiếp cận thực tế, rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường và doanh nghiệp. Trường mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự kết nối, đồng hành của báo trong các hoạt động hợp tác sắp tới, tạo môi trường thực tế cho sinh viên trải nghiệm nghề nghiệp ngay khi còn trên ghế giảng đường.
Ông Lê Xuân Dũng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM: Lan tỏa tinh thần tình nguyện của sinh viên thành phố
Những năm qua, ngoài những thông tin về giáo dục, về các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên thì Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã cùng lan tỏa tinh thần tình nguyện của sinh viên, tích cực chia sẻ những câu chuyện đẹp và tin tốt, đa dạng hóa góc nhìn, góp phần xây dựng một nền giáo dục phát triển.
Chương trình “Tiếp sức mùa thi” là một trong những hoạt động tiêu biểu, truyền tải năng lượng tích cực và giá trị nhân văn đến cộng đồng. Tạp chí đã kịp thời cổ vũ những sinh viên, gia đình và cá nhân tham gia hỗ trợ thí sinh; đồng thời cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, giúp tân sinh viên tự bảo vệ mình.
Trong thời kỳ mới, chúng tôi rất mong tạp chí tiếp tục sứ mệnh của mình, ứng dụng công nghệ đa phương tiện để truyền tải thông tin hiệu quả hơn và đặc biệt là tăng cường tuyên truyền các hoạt động đồng hành, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; giúp đỡ sinh viên vượt khó, học giỏi, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành giáo dục.
Mê Tâm (thực hiện)
Bình luận (0)