Những năm gần đây, nghề massage được nhiều người khiếm thị trẻ tuổi chọn làm phương thức mưu sinh. Nhưng mưu sinh trong bóng tối thật không dễ dàng gì với họ…
Tranh thủ dạy cho nhau bấm huyệt và thực hành khi vắng khách – Ảnh: An Dy. |
Với hơn 15 năm làm nghề ở các trung tâm massage của người khiếm thị, anh H.T (ở Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết: “Thanh niên khiếm thị bữa nay chẳng ai đi bán tăm, bán chổi nữa đâu. Làm nghề đó cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng mỗi tháng mà cực lắm. Làm nghề massage thuận hơn, chỉ có điều ngại nhất là gặp khách “chướng”. Với những khách này, đôi khi không “lì” là không được”.
Chị N.T.T, nhân viên tại trung tâm massage của người khiếm thị ở Q.Hải Châu vào nghề đã nhiều năm, nhưng khi phải đối diện với những khách “quen đòi hỏi”, chị vẫn run và rất sợ. Mặc dù đã được hướng dẫn tận tình cách thức từ chối mà không mếch lòng khách, nhưng trong những trường hợp như thế, chị vẫn khó thoát khỏi cảm giác bị tổn thương.
“Mong mọi người có cái nhìn khác về nghề này, chị em ở đây là những người chịu nhiều thiệt thòi, chúng tôi cố gắng sống bằng chính sức lao động của chính mình, để không phải phụ thuộc vào người khác”, chị T. chia sẻ.
Nhưng lạ một điều, ở những trung tâm massage khiếm thị như thế này cánh chị em lại ít bị quấy rối hơn cánh nam giới. Anh L.T.C (Q.Hải Châu) cho biết hồi anh mới vào nghề, ngày nào cũng gặp những người cùng giới đòi hỏi có, quấy rối có, tấn công thô bạo cũng có.
“Chuỗi ngày tối tăm của chúng tôi càng thêm tối. Nhiều khi ngủ, tôi cứ gặp các mộng, sợ lắm nên cũng muốn bỏ nghề. Nhưng được các đồng nghiệp động viên, chia sẻ… rồi cũng làm được cho đến bây giờ”, anh C. buồn bã nói.
Trường hợp anh V.V.K (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) còn đáng buồn hơn. Một buổi trưa, khi khách đến và yêu cầu massage thì mọi người đã đi nghỉ, chỉ có mình anh và ông khách trong phòng. Massage được một hồi thì tự nhiên ông khách vùng dậy chốt cửa và “tấn công” anh. Anh K. hoảng loạn kêu cứu nhưng không ai nghe thấy. Anh chạy khắp phòng một cách tuyệt vọng.
Chị Hương, phụ trách một trung tâm massage khiếm thị (Q.Hải Châu), cho biết: “Hiện tại, quấy rối và tấn công tình dục là rào cản duy nhất để các em khiếm thị theo nghề, nhất là với các em nam. Phải mất nhiều năm các em mới có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để vượt qua nỗi ám ảnh này”.
Nhưng không chỉ phải vượt qua tổn thương tinh thần, nhiều khi nhân viên massage khiếm thị còn phải đối mặt với những cám dỗ vật chất. Anh L.T.C cho biết: “Những đối tượng hay quấy rối đó thường rất nhiều tiền. Đâu đó quanh đây cũng có người vì đồng tiền mà đành buông xuôi”.
Bằng ý chí, nghị lực bản thân, những bạn trẻ khiếm thị đã bước ra khỏi lớp vỏ mặc cảm, sự tự ti để tìm việc làm và hòa nhập cộng đồng nhưng những rủi ro, nguy hiểm vẫn luôn rình rập họ.
Cũng theo chị Hương, kể từ sau khi biết chuyện anh K. (Q.Thanh Khê) bị xâm hại, các nhân viên khiếm thị đã cảnh giác và tỉnh táo hơn để có thể bảo vệ nhau. Họ chia sẻ với nhau những ám hiệu (bằng âm thanh), những thỏa thuận ngầm trong khi làm việc. Họ trang bị cho nhau những kỹ năng ứng phó với các tình huống xấu, những cách thức nhận biết nguy hiểm bằng trực giác nhạy bén của mình.
Thêm vào đó, một người mù hoàn toàn sẽ được phân công làm việc cùng một người nhìn thấy mờ mờ, để khi có bất trắc còn kịp ứng cứu. Đối với những người khách “lệch lạc”, họ biết cách từ chối, thậm chí từ chối thẳng thừng và đầy tự trọng. Dù không phải lúc nào hiệu quả, nhưng chí ít, đó cũng là cách họ cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi, cùng nhau đi qua bóng tối…
Theo An Dy
Thanh Niên
Bình luận (0)