“Trải qua tuổi thơ khó nhọc, hiểu thấu nỗi vất vả của mẹ, của bà con nông dân nên em luôn ấp ủ khát vọng làm được một điều gì đó giúp họ đỡ nhọc nhằn hơn trong cuộc sống” – Lê Huệ, xã Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) bộc bạch.
Lê Huệ (giữa) đang hướng dẫn bà con DTTS thuộc HTX Van Pa trồng sả |
Quyết định táo bạo
Ba năm lăn lộn từ ruộng sả cho đến bếp lò rồi phiêu bạt tìm mối xuất tinh dầu dược liệu, trông Huệ chững chạc hơn nhiều so với tuổi 26. Ngày tốt nghiệp Kỹ sư Xây dựng, mẹ cậu mừng rơi nước mắt khi cậu vượt qua vòng phỏng vấn để có một vị trí việc làm tại Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn. Huệ tham gia điều hành các dự án của tổ chức phi chính phủ do các nước Hà Lan, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc) tài trợ. Hơn 1.000 người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông (Quảng Trị) và huyện Tây Giang (Quảng Nam) có sổ đỏ, cây trồng mới, nghề mới, nhận thức khoa học kỹ thuật để tăng gia sản xuất. Chính những ngày được tham quan nhiều mô hình hay của các tỉnh để về truyền đạt lại cho bà con, khát vọng trong Huệ lại trỗi dậy. Thế là cậu lên kế hoạch, bắt đầu từ mô hình chiết xuất tinh dầu dược liệu – những loại cây có sẵn và có thể phát triển tươi tốt trên mảnh đất quê mình.
Ngày quyết định nghỉ việc, về quê vay vốn đầu tư trồng sả, Huệ nhận được sự phản ứng đầy lo lắng của mẹ. Vượt qua những đêm dài trăn trở, Huệ quyết tâm bắt tay vào thực hiện. Huệ nói, nghĩ vậy nhưng làm không dễ! Năm 2015, vay mượn 200 triệu đồng, thuê đất đầu tư trồng 5ha sả ở huyện Cam Lộ. Kinh nghiệm ít, gặp đúng năm thời tiết thất thường khiến sả chết hàng loạt. Huệ trắng tay. “Cũng may năm đó, em còn vớt vát lại được nhờ chưng cất tinh dầu khuynh diệp, dầu tràm… nguyên liệu mua về từ các vùng gò đồi ở Quảng Bình, Quảng Trị…”, Huệ trầm tư.
Năm sau, Huệ mở rộng diện tích cây sả lên 10ha, vận động thêm người dân vùng Nam Đông (huyện Gio Linh) trồng thêm để có nguồn nguyên liệu dồi dào. Không có kinh phí mua lò, cậu tìm tới các lò chiết xuất tinh dầu để học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm để chế tạo ra lò nấu dầu phù hợp nhất. Rồi vừa tìm đầu ra cho thành phẩm… Huệ như con thoi, ngày trồng sả, đêm thức trắng đêm bên lò dầu nghi ngút khói để giảm chi phí nhân công.
Chia sẻ với nông dân
Trải qua muôn vàn khó khăn với những lần tưởng chừng trắng tay, Huệ giấu tiếng thở dài vì sợ mẹ lo nghĩ, kiên nhẫn tìm cách lấy ngắn nuôi dài với việc chiết xuất tinh dầu khuynh diệp, dầu tràm để chờ cây sả tốt tươi trở lại. Vụ mùa tiếp đó, cây sả tốt tươi, cho chất lượng tinh dầu cao. Nỗi lo vơi đi một ít. Huệ thuê thêm nhân công đảm đương việc thu hoạch lá sả, đứng lò chiết xuất để cậu có thêm thời gian đi tìm đầu ra. “Năm 2016, 5ha sả cho thu hoạch 4 đợt lá, chiết xuất dược 1.500 lít tinh dầu, trừ chi phí cũng cho lãi tầm gần 400 triệu đồng. Nợ được trả”, Huệ nói. Hiện Huệ có 3 lò chiết xuất tinh dầu đặt ở vườn sả thuộc thị trấn Cam Lộ, đó là chưa kể những lò chiết xuất đặt ở các vùng nguyên liệu chiết tinh dầu tràm, dầu khuynh diệp khác…
Theo Huệ, bình quân 1ha sả cho thu hoạch mỗi năm khoảng 180 triệu đồng. Để tận dụng triệt để hiệu quả, ngoài cây sả, Huệ còn tiến hành trồng xen canh ổi, xoài… để kiếm thêm thu nhập. Bình quân mỗi tháng cơ sở của Huệ chiết xuất được 50 lít tinh dầu sả, 500 lít tinh dầu tràm, gần 400 lít tinh dầu khuynh diệp. Tổng cộng từ các nguồn thu trên, doanh thu năm 2016 của Huệ lên đến 1,5 tỷ đồng. Huệ chia sẻ: “Để ổn định vùng nguyên liệu, em mở rộng thêm diện tích trồng sả ở nhiều nơi khác như vùng Nam Đông thuộc huyện Gio Linh, đồng thời mở rộng thu mua nguyên liệu chiết xuất các tinh dầu tràm, khuynh diệp. Sắp tới em sẽ xây dựng nhà máy chưng cất tinh dầu ở thôn Nam Đông (xã Gio Sơn, huyện Gio Linh), vừa chưng cất tinh dầu sả vừa hướng đến sản xuất dầu gội đầu từ các nguyên liệu tự nhiên như bưởi, sả, chanh, bồ kết…”.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, Huệ còn nghĩ ra mô hình liên kết mở rộng vùng nguyên liệu để giúp đỡ bà con nông dân nghèo có thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Huệ tính, từ máy móc, phân và giống do anh hỗ trợ, bà con trồng 1ha sả, mỗi năm thu về 80 triệu đồng. Anh Đoàn Văn Linh, Chủ nhiệm HTX Van Pa (xã Hải Phúc, huyện miền núi Đakrông) cho biết: “Từ đầu năm 2017, anh Huệ đã liên kết hỗ trợ HTX Van Pa trồng sả, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, phân, giống, hướng dẫn kỹ thuật cho 15 hộ dân nghèo, trong đó 80% là đồng bào DTTS ở Hải Phúc phát triển cây sả và cam kết bao tiêu sản phẩm. Hiện HTX đã trồng được 3ha, chuẩn bị thu hoạch, còn lại 3ha đang chuẩn bị trồng mới. Với môi trường đất đai sinh trưởng tốt, đầu ra ổn định, chắc chắn đời sống của bà con được cải thiện”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)