Tòa soạnHoạt động tòa soạn

Cùng sánh bước trên một chặng đường dài

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi biết đến Tạp chí Giáo dục TP.HCM khi tờ báo mới xuất hiện với tên Giáo dục và Thời đại (thuộc Câu lạc bộ Quản lý giáo dục TP.HCM), rồi đến Giáo dục và Sáng tạo (thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhưng mãi đến khi có tên Báo Giáo dục TP.HCM (Cơ quan ngôn luận của Sở GD-ĐT TP.HCM), tôi mới mạnh dạn gửi bài viết đầu tiên để cộng tác với báo.

Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi cho chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: H.Trinh

Thời gian thật nhanh, tôi có cảm nhận như tôi đã cùng “lớn mạnh” theo Tạp chí Giáo dục TP.HCM. Tôi cũng không ngờ rằng tính đến nay, tôi đã có hơn 350 bài viết được đăng trên tờ báo yêu quý này.

Có lẽ, hiếm có tỉnh/thành nào có riêng một tạp chí cho ngành giáo dục như TP.HCM. 30 năm đủ để một đứa trẻ trưởng thành và vững vàng trong cuộc sống thì Tạp chí Giáo dục TP.HCM cũng thế. Từ những ngày đầu, các tin, bài chưa được phong phú lắm được in trên trang giấy vàng, hình ảnh, trình bày chưa đẹp mắt, chưa thu hút nhưng đến nay tạp chí đã thành tờ báo có uy tín, nhiều lần đoạt giải trong các giải thưởng về báo chí. Tạp chí Giáo dục TP.HCM còn có thêm trang điện tử với khá nhiều chuyên mục để chuyển tải đầy đủ những vấn đề cốt lõi, vấn đề liên quan đến giáo dục đang được quan tâm của xã hội như: Sự kiện giáo dục, nhịp cầu sư phạm, hướng nghiệp – tuyển sinh, ngoại ngữ – du học, kinh tế – giáo dục, hội nhập, tuyên truyền pháp luật, y tế – văn hóa, du lịch – thể thao, khoa học – công nghệ…

Đối với giáo viên, cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục thì Tạp chí Giáo dục TP.HCM không chỉ là nguồn tin tức chính thống, chính xác của ngành nghề mà tạp chí còn là nơi chúng tôi tìm hiểu, học hỏi, trao đổi về các phương pháp giảng dạy, các biện pháp giáo dục học sinh hay, mới… Ngoài ra, tạp chí còn là nơi chúng tôi chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc, lo lắng, bức xúc… không chỉ về việc dạy và giáo dục học sinh. Đối với phụ huynh học sinh, những bài viết trên tạp chí đã giúp các bậc cha mẹ hiểu thêm về cách học hiện nay, phương pháp giáo dục hiện nay để có cái nhìn thông cảm hơn với ngành giáo dục và với các thầy cô giáo.

Là một giáo viên đồng hành với tạp chí qua các bài viết trong một thời gian dài, tôi cũng thấy mình đã “trưởng thành” hơn rất nhiều. Thời gian đầu, tôi chỉ viết các bài viết chia sẻ những kinh nghiệm về chuyên môn như “Giúp học sinh lớp 5 viết đúng chính tả”, “Dạy cảm thụ văn học lớp 4, 5 qua môn tập đọc”, “Làm thế nào để học sinh thích học?”, “Vài kinh nghiệm trong tổ chức trò chơi trong tiết toán”, “Giúp học sinh làm tốt bài tập làm văn lớp 5”, “Đừng quên công tác chủ nhiệm ở tiểu học”… Sau đó, tôi đã mạnh dạn viết các bài “thay lời muốn nói” cho các đồng nghiệp nhà giáo nêu lên ý kiến về những điều chưa hợp lý trong ngành giáo dục, trong nhà trường, gây bức xúc trong giáo viên như “Nỗi khổ chấm bài”, “Lạm… đóng góp”,  “Nhọc nhằn giáo viên tiểu học”, “Khi thầy cô không còn quyền”, “Triệt buộc nghề giáo”, “Xót xa phận nhà giáo”, “Quá tải tích hợp”, “Năm học mới – nỗ lực mới”… Các bài viết “nói thẳng nói thật” này của tôi đều được các thầy cô giáo đồng tình và ủng hộ nhưng tôi đã gặp một số phiền phức. Tuy nhiên, tôi vẫn vững tâm viết tiếp vì biết rằng Tạp chí Giáo dục TP.HCM cũng đồng lòng cùng tôi để ngành giáo dục được tốt đẹp hơn.

Một bài viết của tác giả đăng báo năm 2011

Là mt giáo viên đng hành vi tp chí qua các bài viết trong mt thi gian dài, tôi cũng thy mình đã “trưng thành” hơn rt nhiu.

Ngoài công tác giảng dạy, tôi còn phụ trách tư vấn tâm lý học đường, biết được điều đó, tạp chí đã khuyến khích tôi viết thêm các bài viết về đề tài này, tôi cũng đã viết khá nhiều bài để phản ảnh về các ứng xử chưa hay của một số phụ huynh học sinh đối với thầy cô giáo trong nhà trường hay trong cách dạy dỗ con cái mình: “Sao cha mẹ không dạy?”, “Dạy con ganh đua, ích kỷ”, “Khi trẻ không muốn về nhà”, “Cha mẹ lơi lỏng – con hư hỏng”, “Ảnh hưởng bạo lực từ gia đình”, “Bữa cơm gia đình”, “Nỗi niềm họp phụ huynh học sinh”, “Thiếu thời gian dành cho con”, “Có thể ngăn chặn hành xử bạo lực từ gia đình”, “Điện thoại thông minh không có lỗi”, “Khi trẻ phải ở ngã ba đường”… Với các bài viết này, không chỉ thầy cô giáo mà một số phụ huynh học sinh cũng đã khen ngợi vì những gì tôi nêu ra rất đúng thực tế, phụ huynh cần phải điều chỉnh để có thể dạy bảo con mình tốt hơn.

Tôi chỉ là một cộng tác viên nhiều năm qua của Tạp chí Giáo dục TP.HCM. Những đóng góp của tôi thật nhỏ bé so với Ban Biên tập, phóng viên, nhân viên… Trong suốt 30 năm qua, để duy trì tờ báo trong thời gian dài với bao khó khăn vất vả, điều đó không dễ dàng. Thế nhưng, Tạp chí Giáo dục TP.HCM vẫn lớn mạnh cùng năm tháng. Tôi tin rằng Tạp chí Giáo dục TP.HCM sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn cùng với sự đổi mới từng ngày của  TP.HCM – thành phố nghĩa tình. Tôi cũng mong ước mình luôn đủ sức khỏe, đủ trí lực để tiếp tục bước cùng Tạp chí Giáo dục TP.HCM trong chặng đường tương lai sắp tới.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)