Y tế - Văn hóaThư giãn

Cùng tiến ra vùng biển của Tổ quốc

Tạp Chí Giáo Dục

“Ngày hôm nay, tôi, chúng ta có mặt ở đây cùng tiến ra vùng biển của Tổ quốc…”, hoa hậu đẹp nhất châu Á Hương Giang chia sẻ trong ngày hội biển đảo sáng qua tại Hà Nội. 
Ngày hội do Trung ương Đoàn phối hợp Học viện Ngoại giao thực hiện, có đông người trẻ đến dự theo nhiều nghĩa. Người tình nguyện góp công. Người góp ảnh trưng bày trong triển lãm về biển, về Trường Sa. Người không có mặt gửi tới những cánh thư (sinh viên rất nhiều trường đại học đã ủy thác cho các bạn trẻ Học viện chuyển giúp thư ra đảo). Người trực tiếp đến viết bao lời thương quý lên những tấm thiệp đủ màu. Những tấm thiệp này sau đó sẽ được gửi tới chiến sĩ hải đảo để họ trang trí nhà cửa. Cũng có những tâm tình trên ngàn cánh hạc giấy hồng. Nhiều đoàn viên đã ngồi gấp những cánh hạc ấy suốt từ sáng tới chiều.

Sinh viên Học viện Ngoại giao gấp hạc giấy để gửi tới lính đảo – Ảnh: Thúy Hằng
Ngay cả trong ngày hội, mỗi bước chân người trẻ ra biển đều có những người lính ở bên. Các anh ở đó – như một biểu hiện rõ ràng chủ quyền Tổ quốc. Trưng bày ảnh Trường Sa không chỉ là những khuôn mặt rám nắng, những cây cọc bảo vệ bờ biển, một bàn thờ tổ tiên… mà còn đỏ rói lên trên những trang tâm tình, màu ánh đỏ của con dấu chủ quyền. “Tôi mang cuốn sổ đặt trước mặt thượng úy Đặng Ngọc Khánh (Phó đảo trưởng Đá Nam) để anh viết tâm tình của mình. Rồi khi anh cầm con dấu chủ quyền Đảo đá Nam ấn những vết mực đỏ rực màu cờ lên trang sổ, tôi run người lên… ”, Đoàn Bắc – một thành viên tổ chức ngày hội nói. Những bức ảnh nhân vật kèm thư gửi về đất liền là thành quả ra đảo mới đây của Bắc.
Giờ đây, những lá thư từ biển được trưng bày cùng rất nhiều ảnh biển đảo khác trong ngày hội biển đảo. Có cả những dòng thơ Chế Lan Viên từ rất lâu, thời đánh Mỹ: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta như vợ như chồng/Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”… Thượng úy Hoàng Văn Sinh, Chính trị viên đảo Đá Tây C đã gửi về đất liền những dòng thơ đó sau bao giục giã liên hồi. Anh đã quá xúc động và không thể viết nổi. Cùng thơ, người ở Đá Tây C cũng gửi về lá quốc kỳ chủ quyền từng tung bay tại đây cho đến khi bạc màu và sờn mép…
theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)