“Mai này lớn lên, con muốn được trở thành bác sĩ, để dùng ngôn ngữ ký hiệu khám cho những bệnh nhân như con”. Đó là ước mơ của cô bé Phan Thị Hà Vy, lớp 2A1 tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Và còn rất nhiều ước mơ của trẻ câm điếc đang được đội ngũ những cô giáo trẻ chưa tới 30 tuổi của trung tâm ươm mầm.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Dung đang hướng dẫn các con học sinh tại lớp |
Những bài giảng từ… trái tim
Lớp 2A1 trong giờ học ngôn ngữ ký hiệu chỉ có 8 học sinh, nhưng để cả 8 bạn cùng thuộc 6 ngôn ngữ ký hiệu nhận biết các bộ phận trên cơ thể, cô Nguyễn Thị Ngọc Dung đã phải luyện đi luyện lại trong gần 40 phút. Sự kiên trì, bền bỉ của cô đã được đền đáp khi mà cả 8 bạn đều thuộc bài ngay trên lớp. Đó là động lực tiếp thêm niềm tin cho cô Dung trên chặng đường dài chinh phục những ước mơ cùng học trò. Ở một lớp học khác, cô Lê Thị Sợi đang hướng dẫn các con học lớp 3 chương trình tiếng Việt. Nhìn những cánh tay đưa lên, thấy hết niềm đam mê học tập trong đôi mắt trẻ thơ.
Lớp học tại trung tâm chỉ có 7-8 em, mỗi năm, các lớp sẽ hoàn thành chương trình của một học kỳ theo chuẩn chương trình phổ cập. “Thời gian đầu khi cô trò gặp nhau là thời gian khó khăn nhất. Các con đến lớp, chưa học ngôn ngữ ký hiệu chung, nên mỗi con sẽ có một ngôn ngữ ký hiệu riêng để thể hiện những suy nghĩ của mình. Vì ngôn ngữ riêng, nên không phải lúc nào giáo viên cũng hiểu. Thành ra bản thân mình khó có thể hiểu hết suy nghĩ của trò, mình phải học trò. Sau hơn 3 năm, vượt qua những khó khăn trong giao tiếp buổi ban đầu, giờ cô và trò đã gắn bó và hiểu nhau nhiều hơn. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt, vào khuôn miệng là trò đã hiểu cô muốn nhắc nhở điều gì”, cô Dung bộc bạch.
Bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính, Tổng Thư ký Liên đoàn Khiếm thính quốc tế, Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính châu Á Thái Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận: “Có lẽ đã đến lúc chúng ta thay đổi quan niệm về người câm điếc. Cùng với sự phát triển của giáo dục và ngôn ngữ ký hiệu, hiện nay, người ta đã không còn coi người câm điếc là khuyết tật nữa. Vậy nên, hãy xây dựng một thế giới không rào cản với người câm, điếc”. |
Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới hiện có 5 giáo viên chuyên dạy học sinh câm, điếc. Trong đó, đã có 4/5 giáo viên trẻ, tuổi chưa quá 30. Họ đều là những giáo viên được đào tạo bài bản tại các trường ĐHSP, chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Ngày đầu mới chọn ngành học, cũng như Dung, những giáo viên trẻ như Lê Thị Sợi, Đặng Thị Tâm, Lê Thị Diệu Hồng không hình dung hết những vất vả của nghề. Nhưng càng gắn bó với trẻ, mỗi sự tiến bộ rất nhỏ của trò đã động viên, khích lệ cô nhiều hơn. “Chỉ cần đôi tay con mềm, dẻo hơn, khuôn miệng tập phát âm tròn hơn ngày hôm qua là bao nhiêu vất vả trong mình bỗng dưng biến mất”, cô Lê Thị Sợi cười hiền.
Cùng viết ước mơ với gia đình trẻ câm điếc
Cùng với những nỗ lực của các cô giáo tại trung tâm trong việc dạy chữ, rèn nết người, trẻ câm điếc còn nhận sự quan tâm, yêu thương, dạy dỗ từ người thân và gia đình. Nhưng không phải gia đình nào cũng hiểu hết những điều trẻ nghĩ, những điều trẻ muốn làm. Dung kể: “Trẻ càng nhận được nhiều yêu thương từ gia đình thì đứa trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh những kiến thức ở trung tâm. Có trẻ sớm bộc lộ những năng khiếu hội họa, thể thao. Nhưng có những trẻ rất ít hòa đồng, lầm lì… nguyên nhân phần lớn gia đình các con có những rạn nứt, thiếu yêu thương, thiếu sự chăm sóc”. Hàng tuần, trung tâm có những tiết học ngôn ngữ ký hiệu cho các bậc phụ huynh.
Quảng Bình là một trong 4 tỉnh thành trên cả nước tham gia Dự án giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường (IDEO), do Nhật Bản và do Tổ chức Quan tâm thế giới phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện. Từ dự án đó, CLB Người điếc Quảng Bình đã ra đời. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, CLB đã tập hợp được 80 hội viên. “Thủ lĩnh” của những hoạt động, đồng thời là Chủ tịch CLB Người điếc Quảng Bình chính là cô gái trẻ Phạm Thị Minh Trang (Đức Ninh Đông, Đồng Hới). Nhờ những kiến thức thu nạp được từ những hoạt động bổ ích của dự án, cùng sự thông minh, nhanh nhẹn, Minh Trang đã chia sẻ cho các bạn hội viên trong CLB. Mỗi tháng, Trang tổ chức nhiều buổi sinh hoạt cho các bạn trong CLB, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Phong Cầm
Bình luận (0)