Sự kiện giáo dụcTin tức

Cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm

Tạp Chí Giáo Dục

Các doanh nghiệp bán lẻ đang tính toán phương án để bảo đảm nguồn hàng cung cấp đến từng điểm bán trong khung thời gian cho phép

Sau khi lãnh đạo TP HCM quyết định tăng cường kiểm soát người dân ra đường từ ngày 26-7, một số doanh nghiệp (DN) bán lẻ dự báo sức mua tại các siêu thị, cửa hàng sẽ tăng mạnh nhưng thực tế, trong cả ngày lượng khách đến mua sắm trực tiếp tại các điểm bán không tăng so với ngày hôm trước. Ghi nhận tại Bách Hóa Xanh (đường Trần Nguyên Đán, quận Bình Thạnh) vào sáng 26-7, chỉ có khoảng 20 người xếp hàng ngay ngắn bên ngoài cửa hàng đợi đến lượt vào mua sắm.

Trong khi đó, tại Co.op Food Vạn Kiếp cũng thuộc quận Bình Thạnh, tuy hàng hóa bày ra rất nhiều nhưng nhân viên không bán trực tiếp cho người đến mua mà hướng dẫn khách hàng ghi những món cần mua vào giấy kèm số điện thoại gửi lại cho bảo vệ, sau đó cửa hàng sẽ gọi điện xác nhận đơn, soạn đơn và hẹn giờ để khách quay lại thanh toán và nhận hàng.

Để mua được hàng, người tiêu dùng phải tới lui 2 lần vì cửa hàng không tiếp nhận đơn hàng qua điện thoại hay online. Tại chợ Bà Chiểu (cổng đường Phan Đăng Lưu) cũng có nhiều người xếp hàng chờ khai báo y tế, đo thân nhiệt để vào bên trong chợ mua sắm.

Bảo vệ cửa hàng nhận đơn đặt hàng của khách. Ảnh: An Na

Do là ngày đầu tiên TP HCM bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sau 18 giờ, nên khoảng 16-17 giờ, các cửa hàng, siêu thị trên toàn TP đã không nhận khách và lần lượt đóng cửa. Trước đó, từ sáng sớm, các siêu thị, cửa hàng đã thông báo đến khách hàng về việc điều chỉnh thời gian hoạt động. Theo đó, khung mở cửa bán hàng phổ biến là 6 giờ 30 phút hoặc 7 giờ; còn giờ đóng cửa từ 16-17 giờ, tùy hệ thống.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các DN bán lẻ trên địa bàn TP HCM cho biết đang tính toán phương án để vừa bảo đảm nguồn hàng hóa cung cấp đến từng điểm bán trong khung thời gian cho phép vừa phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu của người dân trong hoàn cảnh mới. Theo các DN, nguồn hàng không thiếu nhưng với việc cắt giảm thời gian phục vụ, lượng hàng nhập về cũng sẽ được cân đối lại. Một số DN đã triển khai phương án thực hiện "3 tại chỗ" ở các điểm bán để không xảy ra bị động trong mọi tình huống.

"Tính ra, các siêu thị, cửa hàng sẽ giảm 1/3 thời gian mở cửa nên lượng người được mua sắm sẽ giảm tương ứng. Bên cạnh đó, các quy định về giãn cách, giới hạn số người mua sắm/thời điểm cũng làm hạn chế số người được mua hàng. Bản thân siêu thị cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức hoạt động, trong đó có giao hàng online, nên sẽ rút ngắn thời gian nhận lẫn giao đơn hàng online" – đại diện một DN bán lẻ nêu.

Trước thực tế này, một số siêu thị kiến nghị TP HCM xem xét cho phép thiết kế một số combo hàng hóa thực phẩm tươi sống với số lượng, chủng loại mặt hàng và giá bán đồng nhất giữa các hệ thống bán lẻ, cùng với đó là phân chia trách nhiệm cụ thể cho từng điểm bán phụ trách việc cung cấp thực phẩm cho một khu vực phường/quận để DN chủ động phối hợp chính quyền địa phương đưa hàng hóa, thực phẩm đến từng hộ gia đình.

Các DN cũng kiến nghị TP cho nhân viên siêu thị được có mặt ở chỗ làm lúc 4 giờ sáng và ra về lúc 21 giờ để chuẩn bị các khâu nhập hàng, sắp xếp hàng trước khi mở cửa phục vụ cũng như chuẩn bị các khâu hậu cần, xử lý đơn hàng online.

Cũng trong ngày, thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM về việc tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tiến hành phát phiếu đi mua thực phẩm theo ngày chẵn – lẻ, theo khung giờ đến từng hộ gia đình. Theo đó, người tiêu dùng chỉ được phép ra ngoài để đi mua thực phẩm tại các địa chỉ được liệt kê trong phiếu theo đúng thời điểm quy định. Một số hộ dân ra ngoài mua thực phẩm nhưng không có phiếu đi chợ đã bị lực lượng chức năng xử phạt.

Shipper phải có bảng tên

UBND TP HCM ngày 26-7 có văn bản hướng dẫn về việc tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, TP chỉ cho phép dịch vụ giao hàng bằng xe 2 bánh có ứng dụng công nghệ (gọi tắt là dịch vụ shipper) vận chuyển hàng hóa thiết yếu và bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định hoạt động trên địa bàn TP.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng chống dịch theo quy định và quản lý, kiểm tra hoạt động của các shipper. Trong đó, lưu ý rà soát đội ngũ shipper của đơn vị và thực hiện điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước ngày 22-7. Đồng thời, triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho shipper; xây dựng ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ "shipper" màu trắng. Đặc biệt, mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện và TP Thủ Đức.

Với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ, ví dụ như nhân viên giao hàng của siêu thị, cũng thực hiện quản lý theo các biện pháp nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.

TP cũng yêu cầu các đơn vị triển khai hoạt động cho dịch vụ shipper chủ động phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm nhanh theo định kỳ cho đội ngũ tài xế giao hàng…

Ph.Nhung

Theo Phương An – Ngọc Ánh/NLĐO

 

Bình luận (0)