Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cũng vì thành tích……

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy xong tiết giảng văn lớp 12 buổi sáng, tôi vừa ra khỏi phòng thì giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp tôi vừa dạy gọi vào phòng GV để trao đổi công việc giáo dục học sinh (HS).
Chuyện là hôm trước khi tôi đang giảng bài thì có HS ngồi nghịch, nói chuyện làm mất trật tự nên tôi đã nhắc nhở. Khi tôi rầy, em HS này cãi lại rất ngang bướng nên tôi đã ghi vào sổ đầu bài để GVCN xử lý. Nào ngờ, khi được GVCN nhắc nhở thì em HS này lại… chối, cho rằng tôi ghi oan cho em(?).
Tôi đã trình bày lại cho GVCN cụ thể hiện tượng HS nói chuyện riêng trong giờ học, khi nhắc nhở còn cãi lại GV. Thế nhưng, GVCN không hợp tác với tôi để nhắc nhở, giáo dục HS mà quay lại hỏi HS trong lớp là các em đã ồn mấy lần, bị thầy nhắc bao nhiêu lần… Các HS trong lớp nhao nhao lên nói là mới chỉ bị thầy nhắc nhở có… một lần. Thế là GVCN nói tôi làm vậy là o ép, làm khó cho lớp của cô, vì lớp bị trừ điểm thi đua nhiều sẽ “tụt hạng”, chào cờ bị nhắc, bị hạ thi đua của lớp, của cô.
Hạ thi đua là việc của đánh giá giáo dục lấy căn cứ từ việc dạy, tác phong đạo đức của GV hay là việc đánh giá từ kết quả chủ nhiệm?
Tuy nhiên, điều làm tôi buồn lòng ở đây là khi nghĩ đến thi đua thì GVCN quên hết trách nhiệm của người GV. Cô là GVCN mà làm như vậy thì chẳng khác nào bao che cho hành vi gian dối, nghịch phá của HS. Còn cái mà cô lo lắng nhất, quan tâm hàng đầu là thành tích của mình. Trong khi đó việc kết hợp với GV bộ môn giáo dục, uốn nắn HS để đồng nghiệp hoàn thành công việc, HS tiến bộ thì cô lại không quan tâm.
Có thể nói vì “quyền lợi” trước mắt mà cô – trò đã ngầm… bảo vệ nhau, đổ lỗi cho GV bộ môn. Hành động như vậy vô hình trung GVCN đã làm mất hình ảnh của mình trước HS. Vô tình những việc làm để bảo vệ thành tích thi đua của mình mà một số GV đã “dạy” cho HS sự dối trá trong cuộc đời.
Trương Văn Phương (GV một trường THPT ở Bình Phước)

Bình luận (0)