HS hai nước đang tham gia trò nhảy sạp
|
Vừa qua tại Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8), học sinh (HS) các trường tiểu học trên địa bàn quận 8 đã được giao lưu, vui chơi cùng các bạn HS đến từ Trường Tiểu học St.Hilda (Singapore).
Mục đích của những buổi giao lưu là nhằm tìm hiểu văn hóa vùng miền cũng như trao đổi các phương pháp học tập tiếng Anh sao cho hiệu quả nhất.
1. Mới hơn 8 giờ sáng mà nắng đã chói chang trên sân trường khiến không khí có phần nóng bức, song vẫn không ngăn được sự háo hức được giao lưu, vui chơi của các em HS. Ngay sau đó các trò chơi dân gian Việt Nam như gánh lúa qua cầu, nhảy sạp, nặn tò he, đi cà kheo, ném vòng vào cổ vịt… được bày ra để thử thách các nhóm HS. Tuy chưa một lần chơi, song khi được các bạn HS Việt Nam hướng dẫn tận tình, những HS hiếu động đến từ Singapore hăm hở thực hiện theo chỉ dẫn. Ngược lại, khi được các bạn hướng dẫn những trò chơi dân gian Singapore, các bạn HS Việt Nam đã tỏ ra không thua kém khi cố gắng chinh phục các môn đá cờ, nhặt thẻ, trò chơi tập thể… Em Ngọc Linh, HS khối 5 Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, cho biết các bạn Singapore rất nhiệt tình, chan hòa. “Chúng con đã biết cách chơi các trò truyền thống của đất nước Singapore. Biết được một điều mới, chúng con cảm thấy rất vui”, Ngọc Linh hồ hởi khoe.
Trong số các trò chơi dân gian Việt Nam thì nhảy sạp là trò chơi thu hút nhiều HS nhất, dù trò chơi này khá khó (cách dập sạp và nhảy phải theo nhịp). Tuy nhiên, người chơi chỉ cần chú ý và bình tĩnh thì có thể nhảy được ngay lần đầu. Kenly, HS lớp 5, có vẻ rất thích thú với trò chơi này. Lần đầu tiên Kenly nhảy còn lỗi nhịp nên bị hai chiếc gậy kẹp ngay chân khiến cậu phải đứng như “trời trồng”, ấy vậy mà cậu vẫn không đầu hàng, tiếp tục nhìn các bạn HS Việt Nam nhảy rồi nhảy theo để rút kinh nghiệm. Tỏ vẻ thích thú, Kenly chia sẻ: “Trò này rất thú vị. Con thích các quy tắc về nhịp điệu. Con sẽ mang trò này về giới thiệu cho các bạn trường mình”.
Hàng năm có nhiều đoàn HS nước ngoài đến Việt Nam giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm học tập. Và sau mỗi lần giao lưu, HS hai nước đều học hỏi được nhiều bài học bổ ích, thú vị và rút ra nhiều kinh nghiệm, vận dụng cho bản thân.
|
2. So với năm trước – các buổi giao lưu mang tính chất tìm hiểu văn hóa là chính – năm nay các buổi giao lưu với thầy trò Trường Tiểu học St.Hildalại chú trọng vào việc trao đổi phương pháp học tập tiếng Anh. Vì lẽ đó, trong quá trình vui chơi, tiếng Anh được HS hai nước dùng để trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau (thầy cô cũng trò chuyện bằng tiếng Anh). Điều này cũng khiến HS Việt Nam gặp không ít khó khăn, bởi lẽ các em có vốn từ chưa nhiều. Tuy nhiên, nhờ sự thông minh nhanh nhẹn, các em đã vận dụng khá tốt “ngôn ngữ” cử chỉ, kết hợp với ngôn ngữ nói để ra hiệu, miêu tả rất ăn ý. Từ đó, sự khó khăn của cả hai bên đều được hóa giải và cùng chơi mà không có chút e dè.
Cô Nguyễn Mỹ, giáo viên môn Anh văn Trường Tiểu học Trần Nguyên Hãn, chia sẻ: “Năm trước HS trường tôi còn tỏ ra lúng túng, bị động trong hoạt động nhóm. Thế nhưng năm nay, các em đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, các em hiểu hoạt động nhóm mang lại hiệu quả cao khi biết phát huy tinh thần đoàn kết. Chúng tôi thấy được điều này trong các cuộc vui chơi bởi các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau, tìm mọi cách để hiểu ý nhau. Chúng tôi cảm thấy rất vui và mừng cho các em”.
Còn cô Nguyễn Hồ Thụy Anh, chuyên viên tiếng Anh tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết cái hay là năm nay các em giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh – một môi trường giao tiếp rất thật. Thấy các bạn nước ngoài tự tin giao tiếp, các em HS Việt Nam cũng tự tin không kém. Chính môi trường này sẽ rèn luyện sự mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, điều này giúp các em phát huy tích cực trong cuộc sống cũng như trong quá trình học tiếng Anh.
3. Thông qua những buổi giao lưu, các giáo viên Trường Tiểu học St.Hildađãchia sẻnhiều kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh hiệu quả cho giáo viên Việt Nam. Đó là phương pháp dạy tiếng Anh qua những câu chuyện. Thông qua những câu chuyện, giáo viên hướng dẫn HS cách đọc, cách nắm nội dung, qua đó yêu cầu các em phát biểu cảm nghĩ, tóm gọn nội dung để biết được trò của mình cảm nhận được điều gì từ câu chuyện. “Đây là cơ hội cho các em HS vận dụng vốn từ vào việc thể hiện nội dung cảm nghĩ, là môi trường giúp các em sử dụng tiếng Anh trong việc trao đổi, bàn bạc. Từ đây, những kỹ năng trong giao tiếp được đưa ra rèn luyện một cách hiệu quả”, cô Daphne Phua – Trưởng đoàn giáo viên, HS Trường Tiểu học St.Hilda nói.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Thời gian vui chơi, giao lưu không nhiều, song qua những đặc điểm văn hóa vùng miền, những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng thầy và trò trường bạn. “Các em HS Trường Tiểu học St. Hilda thấy thầy cô và các bạn HS Việt Nam rất thân thiện, cởi mở, lịch thiệp. Học trò chúng tôi học được nhiều điều cho bản thân, vì vậy các em biết quý trọng và gìn giữ những gì đã học hỏi…”, cô Daphne Phua chia sẻ. |
Bình luận (0)