Từng giữ hàng loạt thành tích nổi trội, đặc biệt là học bổng Thủ Lĩnh trẻ Đông Nam Á 2015 do cựu Tổng thống Mỹ Obama trao tặng, cựu sinh viên của Trường Đại học Tân Tạo (TP.HCM) Phạm Hoàng Mẫn (SN 1993, quê Bến Tre) quyết định trở về ngôi trường mình từng theo học để tiếp tục cống hiến, truyền cảm hứng cho giới trẻ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỹ năng để hội nhập toàn cầu.
Phạm Hoàng Mẫn tự tin giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Hội nghị Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Ảnh: NVCC |
Trưởng thành từ miền quê nghèo
Vốn sinh ra và lớn lên tại một đảo cù lao giữa bốn bề sông nước ở tỉnh Bến Tre, từ nhỏ Mẫn đã chứng kiến cảnh những học sinh nơi đây không có điều kiện đến trường bởi giao thông cách trở, mùa mưa sình dâng ngập đường. Trong cảnh cái nghèo bủa vây, nhiều gia đình phải lựa chọn cho con bỏ ngang sự học để đi “ở đợ” hoặc tha phương cầu thực từ khi còn rất nhỏ. Mẫn nhớ lại, cha làm nghề lái xe, mẹ ở nhà làm vườn và buôn bán nhỏ, Mẫn lại là con trai một nên điều kiện gia đình có phần khấm khá hơn so với những bạn bè cùng trang lứa, cơ hội được theo con chữ cũng lớn hơn. Do đó, Mẫn luôn tự nhủ phải nỗ lực cố gắng học để một ngày nào đó có thể mang đổi thay về trên quê hương.
Mẫn nhớ, trong tất cả các môn học ở những cấp học phổ thông thì anh có niềm đam mê đặc biệt với môn ngoại ngữ: “Năm lớp 6, trong một lần đi mua sách báo cũ mình tìm được một bộ giáo trình tiếng Anh của nước ngoài, mình đã bị cuốn hút. Ban đầu về đọc chưa hiểu gì nhiều vì vốn ngoại ngữ còn hạn hẹp, mình giữ gìn cuốn sách rất cẩn thận qua nhiều năm trời và đọc đi đọc lại rất nhiều lần đến thuộc làu từng trang từng chữ”. Để thỏa niềm đam mê với ngoại ngữ, ngoài học kiến thức ở sách giáo khoa Mẫn thường mua thêm sách cũ về đọc, đụng gì đều đọc đó. Chàng trai hiếu học gốc Bến Tre tâm sự: “Mình luôn nghĩ rằng ngôn ngữ sẽ là công cụ giúp mình vươn ra thế giới, sẽ mở ra một chân trời kiến thức, văn hóa và những tinh hoa của dân tộc đó. Qua đó, mình lại thu thập thêm nhiều kinh nghiệm của các bậc tiền nhân, để áp dụng làm hành trang cho cuộc sống của mình, tìm ra những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề mà bản thân mình cũng như cộng đồng đang phải đối mặt…”.
Năm 2011, Mẫn là Thủ khoa Khoa Kinh tế Thương mại của Trường ĐH Tân Tạo. Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, đều đặn hàng năm Mẫn đều đạt học bổng toàn phần của nhà trường và được vinh danh ở nhiều giải thưởng khác. Mẫn cho hay, bắt đầu từ năm nhất ĐH, Mẫn đã làm việc với các bạn sinh viên Singapore, cùng tổ chức nhiều dự án để gây quỹ giúp đỡ quê hương, thành quả bước đầu là con đường đến trường của các em được bê tông hóa, xây dựng sân trường khang trang để không còn cảnh mùa nắng cát bay mịt mù, mùa mưa thì đất sình lầy lội. Một số kết quả khác như: Bê tông hóa 1.000 mét đường nông thôn; Tổ chức các hoạt động thể thao và phổ cập văn hóa, sức khỏe cho trẻ em; Gây quỹ tổ chức các ngày hội cho học sinh vùng sâu vùng xa.
Truyền cảm hứng hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0
Không chỉ chú trọng trau dồi kiến thức, rèn luyện ngôn ngữ Mẫn còn thường xuyên tìm hiểu và tiếp thu những cái mới. Mẫn kể, lần đầu tiên biết đến khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0” là vào khoảng năm 2014, trong một lần đến để nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng, Mẫn vô tình đọc được một bài báo cáo có tựa đề là “Công nghiệp 4.0: Sản xuất thông minh cho tương lai” của Trung tâm phát triển Kinh tế Chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Ngay sau đó, Mẫn tự lên mạng tìm kiếm những tài liệu liên quan.
Mẫn và các thủ lĩnh trẻ ĐNA tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ thêm, Mẫn nói: Mình hiểu về cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng cải tiến phương thức sản xuất dựa trên thành tựu của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước như: 1.0 là sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng 2.0 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng 3.0 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Song song với đó, dự kiến đời sống xã hội của nhân loại sẽ thay đổi hoàn toàn với sự xuất hiện robot thông minh, nhiều ngành nghề mới hiện đại; ngược lại người dân nước mình còn nghèo, nhiều ngành nghề còn thủ công thô sơ… Rõ ràng mình đang dần tụt hậu so với thế giới.
Năm 2015, Phạm Hoàng Mẫn tốt nghiệp cử nhân hạng President’s Honor for Excellency (bằng Danh dự kèm học bổng 50.000 USD do Chủ tịch và Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo trao tặng cho sinh viên xuất sắc nhất); Học bổng danh dự (Honor Scholarship) của ĐH Duke (Hoa Kỳ); Học bổng Thủ Lĩnh trẻ Đông Nam Á 2015 của cựu Tổng thống Mỹ Obama…
Ngoài những học bổng thường niên của trường, và học bổng danh giá của Tổng thống Mỹ Obama, thì thành tích cá nhân của Phạm Hoàng Mẫn cũng xứng đáng để bao lớp HS noi gương như: Giải thưởng Trương Vĩnh Ký của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (2 lần); Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên do Bộ GD-ĐT trao tặng; Bằng khen và cúp lưu niệm “62 gương mặt Sinh viên tiêu biểu” của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; Bằng khen của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM về công tác tổ chức Trại hè Khoa học sáng tạo cho các học sinh nghèo vùng ĐBSCL; Cúp quán quân cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh “Speak Up”; Hai lần đoạt giải thưởng trong kỳ thi Tiếng Anh Quốc gia, năm 2010 và 2011; Bằng khen của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Hoa Kỳ năm 2015; Vinh dự được gặp gỡ Tổng thống Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Malaysia, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ… |
Được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều cái mới, cựu SV ĐH Tân Tạo cho hay luôn cảm thấy rằng mình sắp bị tụt hậu, và luôn nhắc nhở mình phải trau dồi kiến thức, học thêm nhiều kỹ năng mới có thể tự tin hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở rộng ảnh hưởng ra khắp toàn cầu. Trở về từ những thành tích cá nhân vượt trội, Mẫn lựa chọn trở về ngôi trường mình từng theo học để cống hiến ở vai trò là Chuyên viên Truyền thông và Tuyển sinh, đồng thời hợp tác với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức những chương trình Trại hè Khoa học sáng tạo ở khu vực ĐBSCL. Không nhớ bao nhiêu lần Mẫn cùng thầy Hà Thanh Tân (Giám đốc Tuyển sinh ĐH Tân Tạo) tham gia các buổi tư vấn chia sẻ với giới trẻ về kỹ năng hội nhập toàn cầu, chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức.
“Mình nghĩ mỗi một chương trình đều rất bổ ích, mang tính thời sự giúp các em học sinh chuẩn bị được tâm lý và trang bị các kỹ năng cần thiết để đón đầu xu thế của tương lai. Theo mình điều quan trọng nhất lúc này là các em nên lạc quan nhìn lại các cuộc cách mạng trong quá khứ, bao giờ cũng có những lao động, ngành nghề mất đi, nhưng cũng sẽ sản sinh ra lao động, ngành nghề mới. Quan trọng là nắm bắt được cơ hội. Để nắm bắt được các cơ hội đó, đặc biệt hiện nay là giáo dục ý thức và kỹ năng của một công dân toàn cầu, các em phải nỗ lực rèn luyện mình, tập tính kỷ luật, tác phong nhanh nhẹn. Bên cạnh đó, cần trau dồi ngoại ngữ, giao tiếp, khả năng công nghệ thông tin cũng là yếu tố quan trọng nhất trong thời đại hội nhập toàn cầu” – Mẫn đúc kết.
Thy Dương
Bình luận (0)