Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Cuộc cách mạng của Pep Guardiola

Tạp Chí Giáo Dục

“Đổi mới hay là chết”, thoạt nghe có vẻ đó là một câu khẩu hiệu của Việt Nam, hoặc giống câu “Tổ quốc hay là chết” của Cuba. Nhưng không, đó chính là phương thức hành động của HLV Pep Guardiola để biến FC Barcelona thành một CLB hay nhất trong lịch sử của đội bóng áo đỏ-xanh.

Guardiola luôn có sự đa dạng trong cách tiếp cận trận đấu

Dưới sự dẫn dắt của Pep, “gã khổng lồ" xứ Catalunya đã trở thành một đội bóng huyền thoại và sẽ mãi mãi được khán giả yêu mến và nhớ tới, không chỉ vì bề dày thành tích mà còn vì khả năng làm mới nền bóng đá và lối chơi truyền thống, làm cho nhiều sơ đồ chiến thuật từng được coi là hiện đại trở thành cổ hủ. Và tất cả những thành công đó đều dựa trên nền tảng của La Masia, lò đào tạo trẻ đã trở thành hình mẫu cho nhiều CLB lớn trên thế giới noi theo.
Hệ thống: Nhu cầu gây bất ngờ
Giống như triết lý “vật chất không bao giờ mất đi mà chỉ thay đổi từ dạng này sang dạng khác”, thời kỳ của Guardiola được đánh dấu bằng sự diễn tiến không ngừng. “Barca không bao giờ là một sản phẩm hoàn chỉnh, nó luôn có những điểm cần phải được cải thiện”, nhà cầm quân của Barca từng tuyên bố vì ông nhận thức rất rõ sự dừng chân là khởi đầu của quá trình đi xuống. Ngoài việc mỗi năm mua về một số cầu thủ để tăng cường lực lượng, Pep luôn đưa vào những giải pháp chiến thuật mới để Barca có thể làm các đối thủ mất phương hướng.
Đó có thể là Barca của năm đầu tiên, với sơ đồ 4-3-3, cũng có thể là Barca của Cruyff cách đây 20 năm, thậm chí xa hơn nữa với hàng tiền đạo bốn người. Thí dụ rõ ràng nhất về sự đa dạng này là trận đấu trước Gijon. Pep hoàn toàn có thể sử dụng hai sơ đồ đầu tiên trước đối thủ nói trên, nhưng ông lại rút từ ống tay áo của mình sơ đồ chiến thuật thứ ba. Ai có thể biết nhà cầm quân của Barca còn giấu bao nhiêu con bài nữa ?
Vai trò của Cesc và Messi: Số 9 ảo
Không ai nhìn thấy số 9 của Barca trên sân. Họ chỉ nhìn thấy số áo của Alexis. Những ai giữ vai trò trung phong của Barca thường không đứng ở chỗ đáng ra phải đứng của mình. Hai trung vệ của bất kỳ đối thủ nào của Barca đều phải đặt ra câu hỏi: Ai là trung phong ? Và một khi xác định được rồi, lại xuất hiện câu hỏi: làm thế nào để bắt chết họ đây ? Tiền đạo cắm của Barca giống như một bóng ma, lúc ẩn, lúc hiện, là cái bóng không thể chộp được, nhất là khi trái bóng cứ như gắn vào chân anh ta lúc đột phá. Cách kèm một chọi một hoàn toàn bị loại trừ, còn phòng thủ theo khu vực cũng khó vì Leo Messi được chơi tự do ở bất kỳ điểm nào mà anh muốn.
Trên thực tế, khó có thể ngăn nổi Messi. Anh đã ghi tới 14 bàn trong 11 trận. Và nếu không ghi bàn thì anh làm bóng cho đồng đội và anh đã có 9 đường chuyền thành bàn. Messi là một số 9 ảo và anh có một đồng minh tuyệt vời: đó là Cecs Fabregas, người hiểu rất nhanh và hợp lý mình phải làm gì khi Messi có bóng và ngược lại. Không phải ngẫu nhiên mà Cecs đang là người ghi bàn và chuyền bóng thành bàn nhiều thứ hai ở Barca hiện nay.
Sự đa năng: Alves và Adriano – hai cầu thủ chạy cánh
Mặc dù chấn thương của Alexis tạo ra một chỗ trống trong đội bóng, nhưng không phải vì lý do thiếu tiền đạo mà Pep Guardiola sử dụng Alves và Adriano, hai hậu vệ như hai cầu thủ chạy cánh. Ông làm như vậy vì muốn Barca khó đoán hơn. Alves và Andriano có khả năng đóng vai trò tăng cường cho hàng công, nhất là khi đa số các đội bóng đối thủ đều lui về co cụm, chơi phòng ngự phản công. “Tôi luôn nghĩ Alves có thể chơi tiền đạo cánh”, Pep đã từng nói như vậy, và ông đã từng thử nghiệm điều này cách nay hai năm, ngay trên sân Bernabeu, nhưng chỉ trong hiệp một. Trong mùa bóng hiện nay, Pep đã hai lần để Alves chạy cánh, trong trận thắng 8-0 trước Osasuna và trận hòa 2-2 tại Mestalla, và cầu thủ người Brazil cảm thấy rất hạnh phúc khi được “giải phóng” khỏi nhiệm vụ phòng thủ.
Nhưng nếu như Guardiola cần Alves ở phía sau, ông sẽ sử dụng Adriano, cũng đa năng và có thể chạy cả cánh trái hoặc cánh phải. Adriano đã có đường truyền cho Messi băng xuống ghi bàn trong trận thắng 3-2 tại Siêu Cúp Tây Ban Nha trước Madrid và chính anh đã ghi bàn trong trận đấu mới đây tại Gijon.
Sự chắc chắn: Mascherano là lá chắn đảm bảo
Thảm họa mà người ta dự đoán đã không diễn ra, dù không phải lần đầu FC Barcelona thiếu hẳn hai trung vệ Puyol và Pique. Guardiola đã từng trải qua kinh nghiệm này và sự đáp ứng tuyệt vời của Toure Yara trong mùa bóng đầu tiên ở Barca đã khiến Pep tự tin sử dụng một tiền vệ đóng vai trò trung vệ. Đầu tiên, HLV của Barca giao nhiệm vụ đó cho Busquet và sau đó là Mascherano, một lá chắn vững chắc. Với việc Puyol và Pique đã khỏi chấn thương, cả Busquet và Mascherano lại trở về vị trí cũ, nhưng sẵn sàng đóng thế khi cần thiết.
Sự biết ơn của Mascherano đối với Guardiola cũng lớn như sự biết ơn của Pep đối với cầu thủ người Argentina. Một người đã phát hiện lại niềm vui và khả năng chơi bóng của mình và một người khác có thể khẳng định lại những giá trị nhân văn ẩn giấu trong từng cầu thủ.
Biên chế: đội hình mạnh nhất của Guardiola
Guardiola chỉ còn 21 cầu thủ sau khi Milito, Jeffren và Bojan ra đi. Và thế là Alexis và Cecs đến, cùng Thiago và Fontas được đôn lên đội hình một từ cuối mùa bóng trước. Không có một lời phàn nàn nào là biên chế mỏng, giống như mùa bóng vừa qua. Mặc dù số ca chấn thương của mùa bóng hiện nay (11) cao hơn cách đây một năm (7) và trầm trọng hơn vì thời gian chữa trị cũng dài hơn, nhưng không thấy ai kêu ca gì, vì Barca có nhiều cầu thủ đa năng, có thể chơi ở nhiều vị trí khác nhau. Chỉ có Valdes chơi tròn 11 trận và cũng chỉ có Xavi, Messi và Villa tham dự vào tất cả các trận đấu.
Có vẻ đội hình hiện nay là mạnh nhất của Barca kể từ 2008 đến nay. Không ai còn phải nhớ lại những cuộc ra đi của những cầu thủ như Etoo, Henry, Marquez, Toure và cả Ibrahimovic nữa.
NT (theo bongda)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)