Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cuộc “chạy đua” tuyển sinh các trường đại học ngoài công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Dự kiến đến ngày 8-8, Bộ Giáo dục và Ðào tạo mới công bố điểm sàn để các trường đại học, cao đẳng xác định điểm chuẩn tuyển sinh nguyện vọng 1. Tuy nhiên, từ những ngày cuối tháng 7, các trường đại học ngoài công lập đã "chạy đôn, chạy đáo" lo cho khâu tuyển sinh nguyện vọng 2.
Sáng 5-8, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng công lập đã họp các trường thành viên phía bắc để đưa ra kiến nghị với Bộ Giáo dục và Ðào tạo về những giải pháp nhằm giảm khả năng không tuyển được thí sinh. Ðiều này cho thấy nhiều vấn đề đáng bàn trong tuyển sinh các trường ngoài công lập hiện nay.
Chưa tuyển đã "khát" thí sinh
Chưa biết điểm sàn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) là bao nhiêu, cũng không chờ thời gian quy định xét tuyển, trước áp lực về khả năng "thủng" chỉ tiêu, nhiều trường đại học ngoài công lập (NCL) đã công bố phương thức xét tuyển nguyện vọng 2 và tung ra nhiều "chiêu" tuyển sinh khá hấp dẫn. Tại Trường đại học dân lập Lương Thế Vinh (Nam Ðịnh), ngay từ những ngày cuối tháng 7 đã thông báo tuyển nguyện vọng 2 và có chủ trương tặng quà thí sinh. Còn đối với các đơn vị khuyến khích thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường được thưởng từ 550 nghìn đồng đến một triệu đồng tùy theo mức điểm của thí sinh từ điểm sàn trở lên; với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), Phòng GD và ÐT nếu khuyến khích được thí sinh vào học tại trường sẽ được tặng thưởng 250 nghìn đồng/thí sinh.
Không kém phần "hấp dẫn", Trường đại học Ðông Á (Ðà Nẵng) ưu tiên xét tuyển trực tuyến trên trang Web của trường. Ðối với những thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm kèm phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển sẽ được hạ 0,5 điểm so với điểm chuẩn xét tuyển của trường. Trường đại học Dân lập Hải Phòng tổ chức xét tuyển và thông báo sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi 8,5 triệu/năm, được giảm học phí từ 10% đến 50%. Sinh viên giỏi, xuất sắc được nhận học bổng hằng năm…
Mặc dù có khá nhiều cách thức tuyển sinh hấp dẫn nhưng lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, nếu Bộ GD và ÐT vẫn giữ mức điểm sàn như năm 2010 thì các trường sẽ khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu. Cùng với việc Bộ cho phép thí sinh được rút hồ sơ đã nộp vào trường này để nộp sang trường khác, "cuộc đua" tuyển nguyện vọng 2 và 3 năm nay dự báo sẽ khá căng thẳng. Hiệu trưởng Trường đại học Thành Tây (Hà Nội) Lê Công Huỳnh cho biết, mặc dù nhà trường đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng như đội ngũ giảng viên khá bài bản nhưng những năm vừa qua vẫn rất khó khăn trong tuyển sinh. "Nếu như năm 2008 trường tuyển sinh khóa đầu được 700 sinh viên, năm 2009 chỉ được khoảng 600, năm 2010 xuống còn khoảng 400 và với tình hình dự kiến như năm nay thì có lẽ nhà trường chưa chắc tuyển nổi 200 sinh viên". Còn Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam) Văn Bá Thanh thì cho biết, năm 2008 trường tuyển được 83 sinh viên, năm 2009 tuyển được 27 sinh viên và năm 2010 tuyển được vỏn vẹn 40/400 chỉ tiêu sinh viên đại học. Chủ tịch hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL Trần Hồng Quân khi gửi kiến nghị với Bộ GD và ÐT cũng khẳng định, tuy chưa có đánh giá tổng kết về thi, tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2011 nhưng những thông tin ban đầu và ý kiến của các chuyên gia cho thấy, với các trường "tốp dưới" và NCL, nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo của nhiều trường…
Chất lượng đào tạo vẫn là yếu tố quyết định
Trong những năm qua có khá nhiều trường đại học, cao đẳng NCL được thành lập. Bên cạnh những trường được đầu tư bài bản, hệ thống thì không ít trường có sự vội vàng trong đầu tư và tuyển sinh đại học. Ðiển hình như Trường đại học Hà Hoa Tiên, trước đây địa điểm xây dựng trường vốn được phê duyệt xây dựng khu công nghiệp diện tích khoảng 100 ha; sau đó chủ đầu tư xin chuyển đổi sang xây dựng trường đại học trên diện tích khoảng 54 ha. Mặc dù có diện tích khá rộng nhưng Phó Hiệu trưởng Văn Bá Thanh thừa nhận: Tình trạng tuyển sinh năm sau ít hơn năm trước chính là do cách quản lý của chủ đầu tư còn nặng theo kiểu doanh nghiệp hơn là trường học; địa điểm xây dựng trường không hợp lý, không đủ các điều kiện đáp ứng nhu cầu của sinh viên; có sự khập khiễng giữa đầu tư con người và đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nhất là chất lượng đào tạo của trường  hạn chế. Ngoài ra, còn nhiều trường ngoài công lập chưa đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng nhưng vẫn tuyển sinh. Ðiều đó vô hình trung đã tạo nên lo ngại của người học ảnh hưởng chung tới hệ thống các trường ngoài công lập.
Mặt khác, theo Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Hải Phòng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2011 đạt hơn 95%, trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh đại học lại không thể tuyển nổi khoảng 30% số đó thì là một sự khập khiễng trong chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Phương Ðông (Hà Nội) Bùi Thiện Dụ thì khẳng định: Bộ GD và ÐT duyệt chỉ tiêu tuyển sinh tức là phải tính đến năng lực đào tạo của các trường cũng như nhu cầu nguồn nhân lực xã hội. Vì vậy, để giảm bớt tình trạng "thủng" chỉ tiêu cho các trường ngoài công lập cần xây dựng điểm sàn hợp lý trên cơ sở bảo đảm số thí sinh đạt điểm sàn trở lên nhiều hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Cần tính đến cả số "ảo", như thí sinh dự thi hai khối… để không đến mức các trường ngoài công lập không tuyển sinh được. Hiệu trưởng Trường đại học Lương Thế Vinh Hoàng Trọng Yêm thì cho rằng, trong tính toán chỉ tiêu và điểm sàn của Bộ GD và ÐT cần xác định rõ cả chỉ tiêu của hệ đào tạo ngoài ngân sách của các trường đại học công lập. Có như vậy mới xác định chính xác lượng thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên lớn hơn tổng chỉ tiêu, từ đó tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập có nguồn tuyển. Ðiểm sàn không phải là đánh giá chất lượng đào tạo mà Bộ GD và ÐT cần quản lý chặt chẽ chất lượng "đầu ra" khi sinh viên các trường tốt nghiệp.   
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga, với phương thức tuyển sinh "ba chung", các trường không chỉ tuyển những thí sinh dự thi vào trường mình mà còn có thể tuyển thí sinh dự thi vào các trường khác bằng cách tuyển nguyện vọng 2 và 3. Vì thế, các trường có điểm thi thấp nên dành nhiều chỉ tiêu cho đối tượng này để bảo đảm chất lượng đầu vào. Năm nay, Bộ GD và ÐT cũng có nhiều thay đổi để các trường tuyển nguyện vọng 2 và 3 được dễ dàng hơn, có nhiều cơ hội hơn cho cả trường và cả thí sinh. Tuy nhiên, điểm thi thấp không có nghĩa là điểm chuẩn cũng được thấp theo mức điểm thi mà tất cả các trường phải theo quy định của Bộ là điểm trúng tuyển tối thiểu phải bằng điểm sàn. Ðây chính là cách để Bộ quản lý về chất lượng đào tạo. Nếu thí sinh dự thi không đủ điểm sàn, các trường này sẽ phải tuyển nguyện vọng 2 và 3.
Ðể tình trạng "chạy đua" tuyển sinh không lặp lại vào các năm sau, thiết nghĩ các trường đại học ngoài công lập cần tạo dựng được thương hiệu, nhất là thương hiệu về chất lượng đào tạo để tạo sức hút thí sinh dự thi, học tập tại trường. Ðiều đó không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho các trường ngoài công lập có điều kiện hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh xây dựng uy tín, thương hiệu mà còn tạo một sân chơi chung, bình đẳng. Chất lượng đào tạo bao giờ cũng là nhân tố hàng đầu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Theo XUÂN KỲ
(nhandan)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)