Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Cuộc chiến chống ảnh “tút tát”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lo ngại phụ nữ luôn cảm thấy áp lực khi cố chạy theo những mẫu người hoàn hảo trong các bức ảnh được chỉnh sửa tràn lan trên các tạp chí, các nhà lập pháp tại Anh và Pháp đang thúc ép các hãng quảng cáo tôn trọng “sự thật” nhiều hơn.

Penelope Cruz trong quảng cáo của L’Oréal.

Theo đề nghị của giới luật pháp, các quảng cáo chứa đựng những bức ảnh của người mẫu bị chỉnh sửa sẽ phải bị dỡ bỏ.

“Khi thanh thiếu niên và phụ nữ nhìn thấy những bức ảnh này trong các tạp chí, họ sẽ không cảm thấy hài lòng với chính bản thân họ nữa”, Jo Swinson, một thành viên quốc hội thuộc đảng Dân chủ tự do lên tiếng.

Đảng Dân chủ tự do, đảng lớn thứ ba tại Anh sau đảng Lao động và đảng Bảo thủ đã chấp nhận đề nghị của bà Swinson. Đảng này muốn cấm hoàn toàn những bức ảnh bị chỉnh sửa trong các quảng cáo nhằm vào trẻ em dưới 16 tuổi.

Trong khi đó ở Pháp, Valerie Boyer, một nghị sĩ của đảng cầm quyền UMP cũng đã trình lên quốc hội nước này yêu cầu một dự luật tương tự.

Bà Valerie Boyer cho rằng các bức ảnh bị chỉnh sửa đã và đang làm hủy hoại khả năng kiểm soát vận mệnh của những phụ nữ trẻ. “Những bức ảnh này có thể khiến mọi người tin tưởng vào một thực tế rằng, điều đó là phổ biến nhưng nó không hề tồn tại”, bà Boyer nói.

Tại Pháp, các áp phích quảng cáo lồ lộ được treo trên các cửa hiệu thuốc giống với những bức ảnh khiêu dâm đang làm dấy lên mối lo ngại về sự gia tăng chứng rối loạn ăn uống. Không ít phụ nữ trẻ luôn bị ám ảnh khi cố sức chạy theo mốt “người dây”. Trước đây, bà Boyer đã dấu tranh cho một dự luật cấm những trang web cổ xúy cho chứng biếng ăn và chứng cuồng ăn vô độ. Nhưng phải đến cuối năm 2008, đề nghị của bà mới được quốc hội thông qua.

Khi tiến hành cuộc điều tra nhằm xóa bỏ những bức ảnh dễ gây hiểu lầm của giới truyền thông, bà Boyer muốn tiến xa hơn so với Đảng Dân chủ tại Anh.

Dự thảo luật của bà sẽ yêu cầu có dòng khuyến cáo “ảnh đã được chỉnh sửa” dưới các bức ảnh trong lĩnh vực quảng cáo hay nhãn hàng đóng gói sản phẩm. Nếu vi phạm, nhãn hiệu quảng cáo đó sẽ bị phạt ít nhất 37.500 euro, hoặc 55.000 euro, thậm chí lên đến 50% chi phí quảng cáo.

Trong khi những bức ảnh chỉnh sửa đang bị coi là đi ngược lại với “luân thường đạo lý” trong nhiều mục tin tức báo chí thì chúng vẫn không ngừng xuất hiện một cách đáng chú ý trên các phương tiện truyền thông Pháp. Năm 2007 là một ví dụ. Khi đó, giới chính trị đã móc nối với tạp chí Paris Match cho đăng tải một bức ảnh của tổng thống Sarkozy khiến dư luận phải xôn xao và bất bình. Ông Sarkozy được chụp hình khi đang bơi thuyền trong chuyến đi nghỉ tại New Hampshire, Mỹ. Nhưng trong một động thái thường được sử dụng cho các nữ diễn viên Hollywood, bức ảnh đã được chỉnh sửa để nhà lãnh đạo Pháp trở nên hấp dẫn hơn trước khi đăng tải trên tạp chí Paris Match. Tờ báo này sau đó đã phải thú nhận có chỉnh sửa ánh sáng của bức ảnh và sự chỉnh sửa này đã bị phóng đại trong quá trình in ấn, khiến tổng thống trông có vẻ nhẹ nhõm hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp ảnh chỉnh sửa đều bị lên án. Những sự thêm thắt nhỏ, ví dụ như một chút hiệu chỉnh màu sắc hay làm mịn kết cấu vẫn được phổ biến rộng rãi kể cả trong các bức ảnh tin tức, Derek Hudson – một nhiếp ảnh gia Paris khẳng định. Mặc dù vậy, Hudson cũng nhấn mạnh ông “sẽ phát cáu” nếu một biên tập viên nào đó làm việc này với những bức ảnh của ông.

Trong các tạp chí hào nhoáng, tất nhiên, việc chỉnh sửa là điều mang tính chất bắt buộc.

“Tôi chưa bao giờ thấy, và có thể bạn sẽ không bao giờ được nhìn thấy một bức ảnh thời trang hay ảnh đẹp mà chưa từng bị chỉnh sửa”, ông Hudson khẳng định.

Ở Anh, các tờ báo khổ nhỏ luôn lên án việc sử dụng những người mẫu gầy gò thiếu sức sống trong các show diễn thời trang và trên các tạp chí. Ví dụ vào năm 2003, trên trang bìa của tạp chí GQ ấn bản tại Anh lúc đó đã cho đăng bức ảnh của nữ diễn viên Kate Winslet với những vòng đo nhỏ hơn so với cơ thể vốn có ngoài đời của cô.

Nhưng một số biên tập tạp chí nói rằng họ đang cố gắng sửa chữa các khuyết điểm theo một hướng khác, bởi nhiều độc giả không còn muốn nhìn thấy những mẫu người gầy như que.

“Tôi đã dành 10 năm đầu tiên trong sự nghiệp để giúp những cô gái được mang dáng vẻ gầy gò hơn”, Robin Derrick, giám đốc sáng tạo của tạp chí thời trang Vogue ấn bản tại Anh nói với tờ Times “Tuy nhiên, tôi lại dành 10 năm cuối cùng để biến họ trở nên béo tốt hơn”.

Đối với việc chỉnh sửa, thậm chí bà Swinson cũng thừa nhận rằng “một chút là cần thiết để làm nên bức ảnh đẹp”. Theo đề nghị của bà, tất cả những bức ảnh quảng cáo sẽ phải tuân theo một quy chuẩn từ 1 đến 4, tùy vào mức độ chỉnh sửa. Trong đó, 1 chỉ liên quan đến việc thay đổi ánh sáng, trong khi đó mức 4 có thể cảnh báo về việc kĩ thuật “phẫu thuật thẩm mỹ”. Và tất nhiên, các nhãn hiệu quảng cáo sẽ phải gắn dòng khuyến cáo ảnh đã bị chỉnh sửa.

“Nếu mọi người biết họ phải miêu tả những gì họ đã thay đổi, điều đó có thể khiến cho họ hạn chế làm việc đó”, bà Swinson giải thích.

Không giống với bà Boyer, bà Swinson nói rằng bà đã tính đến một hệ thống quy định được áp dụng mà không cần luật pháp. Bà hy vọng Tổ chức “Advertising Standards Authority” ( viết tắt là ASA – cơ quan thẩm định chất lượng quảng cáo của Anh) sẽ gánh lấy trách nhiệm khuyến khích các nhà quảng cáo áp dụng hệ thống quy định này.

Đảng Dân chủ tự do đã cố gắng gây áp lực lên ASA, tổ chức vốn nhận nguồn tài trợ từ các nhà quảng cáo, phải thiết lập một website kêu gọi người tiêu dùng khiếu nại về các quảng cáo bị chỉnh sửa quá lộ liễu.

Matt Wilson, một phát ngôn viên của ASA cho biết đã có 26.000 đơn khiếu nại vào năm ngoái. Ông Matt cũng khẳng định ASA đã có đủ thẩm quyền để đối phó với tất cả các quảng cáo gây hiểu lầm, không chỉ với những gì liên quan đến chỉnh sửa.

“Việc sử dụng kỹ thuật airbrushing và những công nghệ chỉnh sửa khác trên tất cả các phương tiện truyền thông là một thực tế phổ biến và được thừa nhận rộng rãi”, Matt nói “Chúng tôi đang xem xét từng quảng cáo dựa trên đặc điểm tối ưu của nó và một nền tảng phù hợp”.

Ông Wilson cũng cho biết ông không nhớ đã có trường hợp quảng cáo nào có ảnh quảng cáo bị chỉnh sửa bị xử phạt tại Anh. Nhưng ông khẳng định ASA đã một lần khiển trách L’Oréal vì tội gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Lúc đó, L’Oréal đã dùng đến đoạn quảng cáo trên truyền hình có sự xuất hiện của nữ diễn viên Penelope Cruz nhằm quảng bá cho một sản phẩm mang tên Telescopic Mascara. Đoạn quảng cáo tuyên bố sản phẩm mascara này có thể giúp người sử dụng tăng độ dài lông mi lên 60% nhưng các nhà quảng cáo không tiết lộ một điều: Penelope Cruz lúc đó có mang lông mi giả.

Nhiếp ảnh gia Hudson nói rằng với khi những mánh khóe lừa bịp được ẩn giấu ở quá nhiều nơi, ông không nghĩ việc hạn chế chỉnh sửa sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn.

“Thật không may, chúng ta đang sống trong một thế giới bị chỉnh sửa”.

Võ Hiền (Theo Dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)