Ngày 7.3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Vì sao toàn Đảng, toàn dân đã và đang rất quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn? Có rất nhiều nguyên nhân và ở nhiều lĩnh vực. DN thuộc mọi thành phần kinh tế có vị trí như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng là một trong những vấn đề quan trọng đã được trao đổi khá sôi nổi.
DN là nạn nhân
Trước hết, hầu hết các ý kiến trao đổi đều nhất trí rằng, các DN là nạn nhân của nạn tham nhũng. Kết quả khảo sát của VCCI và Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy, có tới 87% phàn nàn về những kẽ hở pháp luật, việc thực thi pháp luật chưa tốt, khiến họ buộc phải chi các khoản chi phí ngoài luồng; gần 40% cho rằng, phải có “quan hệ” mới được giao đất, cấp đất; 60% cho rằng, phải quen với cán bộ tín dụng để tiếp cận nguồn vốn theo các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; 50% gửi quà biếu cho cán bộ phụ trách đấu thầu… Thậm chí, trường hợp cán bộ, công chức gợi ý DN đưa quà biếu, phong bì để giải quyết công việc mà họ phải thực hiện theo trọng trách là khá phổ biến…
Những số liệu nêu trên chỉ ra thực trạng của nạn tham nhũng. Song, vấn đề quan trọng hơn cần làm rõ là, các DN buộc phải chi hay tự nguyện chi các khoản chi không chính thức? Theo hầu hết các chủ DN, việc chi các khoản chi phí không chính thức là bắt buộc, là không có giải pháp nào khác. Bởi lẽ, không một chủ DN nào lại tự nhiên đem tiền đi cho người khác (trừ việc làm từ thiện). Hơn nữa, nếu không chấp nhận phải chi các khoản không chính thức, việc đầu tư, kinh doanh sẽ gặp những khó khăn vô lý và nếu khiếu kiện thì “được vạ, má cũng sưng”! Trong bối cảnh còn nhiều kẽ hở pháp luật, việc thực thi pháp luật chưa tốt, một bộ phận không nhỏ công chức do mức lương thấp vô lý nên đang thực hiện phương châm “tước đoạt để bù đắp” thì các chủ DN “muốn làm người tốt cũng… không thể được”. GĐ một Cty TNHH tại Hà Nội (xin được giấu tên) đã hoạt động kinh doanh được 8 năm cho biết: Trong ba năm đầu hoạt động, ông đã kiên quyết không chấp nhận cho phòng kinh doanh chi “phong bì” khi làm thủ tục NK hàng hoá. Tuy nhiên, dù hồ sơ NK đã được chuẩn bị khá kỹ nhưng vẫn liên tục bị “bắt lỗi”. Ông đã liên tục thay đổi cửa khẩu nhận hàng từ đường hàng không sang đường biển, từ Hà Nội, Hải Phòng tới chuyển vào TPHCM. Song, khó khăn trong thông quan hàng hoá vẫn tiếp diễn. Từ năm thứ tư, ông đành chấp nhận chi một khoản “định mức phong bì” cho mỗi lô hàng NK. Và từ đó, những vướng mắc về thủ tục, những sai sót về kỹ thuật văn bản như trước đây đã… không xuất hiện nữa.
DN là thành viên hoặc tiếp tay cho tham nhũng
Trong khi đại bộ phận các DN đang là nạn nhân của nạn tham nhũng thì cũng có không ít DN lại là thành viên, là lực lượng tiếp tay cho tham nhũng.
Trước hết là tham nhũng, lãng phí ở các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu. Ở đây, các “chủ hờ” của DN không phải là nạn nhân mà đã trở thành “tác giả” của những vụ tham nhũng với quy mô lớn. Điển hình là vụ tham nhũng ở Vinashin mà “phần nổi của tảng băng chìm” mới được đưa ra xét xử. Trong quý I/2012, TTCP đã có kết luận thanh tra tại một số tập đoàn lớn, đồng thời kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.
Với các DN khác, tình trạng tiếp tay cho tham nhũng nhằm thu lợi bất chính đang xảy ra khá phổ biến. Có thể khẳng định rằng, hầu hết các dự án có liên quan đến đất đai, chủ DN đã sử dụng rất triệt để vũ khí “phong bì” để “chạy dự án”. Trong trường hợp này, không cần để kẻ tham nhũng trong bộ máy công quyền gợi ý hay yêu cầu, chủ đầu tư sẵn sàng chi những khoản tiền lớn, thông thường là qua các “cò” thủ tục, để được giao đất, cho thuê đất với những điều kiện thuận lợi và nhanh chóng. Trong lĩnh vực thuế, không ít DN đã thiết lập được “quan hệ rất tốt” với công chức thuế để được hoàn thuế giá trị gia tăng… Với những trường hợp nêu trên, DN không còn là “nạn nhân” mà ngược lại đã trở thành nhân tố thúc đẩy tham nhũng, là tòng phạm của tham nhũng.
Quyết định vẫn là cơ chế và công chức
Mặc dù, trong cuộc chiến chống tham nhũng, các DN ở hai vị trí ngược nhau: Là nạn nhân và là thành viên hoặc tòng phạm của tham nhũng. Song, không thể chỉ đổ lỗi cho các DN trong việc đấu tranh chống tham nhũng với hiệu quả chưa cao như hiện nay. Phòng, chống tham nhũng không thể bắt đầu hay chỉ từ các DN. Nếu cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, không có những kẽ hở của pháp luật và có đội ngũ công chức liêm khiết thì sẽ không thể có tình trạng nhiều chủ DN “muốn làm người tốt cũng không được”. Nếu vẫn tồn tại những ông “chủ hờ”, có rất nhiều quyền hạn nhưng kinh doanh “lời ăn, lỗ dân chịu” như hiện nay thì tham nhũng trong các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu sẽ không thể ngăn chặn được.
Tình trạng các DN “lợi dụng” tham nhũng, tiếp tay cho tham nhũng sẽ bị ngăn chặn nếu chúng ta có một đội ngũ cán bộ liêm khiết, không chấp nhận đàm phán, chia chác, không vì đồng tiền mà làm trái pháp luật. Các DN chỉ “chạy” khi việc “chạy” đó có kết quả. Vì vậy, chỉ cần điều tra và đưa ra ánh sáng một số vụ điển hình về sự móc nối giữa DN và công chức, quan chức thì tình trạng “chạy dự án”, “chạy vốn ưu đãi”, “đàm phán ăn chia trong lĩnh vực thuế”… sẽ được ngăn chặn. Đó là điều không khó, quan trọng là chúng ta có quyết tâm làm hay không?
Theo Lao Động
Bình luận (0)