Hội nhậpThế giới 24h

Cuộc chiến khốc liệt của những ông lớn ô tô điện

Tạp Chí Giáo Dục

Song hành cùng sự bùng nổ của thị trường ô tô điện toàn cầu là cuộc đua của các thương hiệu xe hơi Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cũng có "đại gia" đã sớm nhận cái kết đắng khi lấn sân lĩnh vực này.

Theo kết quả mới nhất do báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion (Anh), doanh số ô tô điện toàn cầu đạt 1,1 triệu chiếc trong tháng 3.2023. Với con số này, thị trường ô tô điện tháng 3 tăng trưởng 33% so với tháng 2, tăng trưởng 27% so với tháng 3.2022.

Nhiều tay chơi sừng sỏ

Năm 2022, ô tô điện có doanh số bán ra khoảng 10 triệu chiếc, chiếm tỷ lệ đến 14% trong tổng số xe hơi bán ra trên toàn cầu, tỷ lệ này tăng lên đáng kể so với mức 9% của năm 2021.

Năm 2022, thị trường chủ lực của xe điện toàn cầu là Trung Quốc đại lục chiếm thị phần lớn nhất, với khoảng 50%, theo tờ South China Morning Post. Trong đó, thương hiệu BYD đến từ Trung Quốc và được hậu thuẫn bởi tỉ phú Mỹ Warren Buffett đang xếp ở vị trí số 1 về ô tô điện.

Kết thúc năm 2022, BYD bán khoảng 1,85 triệu ô tô điện, vượt qua con số 1,3 triệu xe của Tesla (Mỹ) tiêu thụ trên toàn cầu. Tuy nhiên, Tesla chỉ bán ô tô hoàn toàn thuần điện, chạy bằng pin sạc (BEV). Còn BEV chỉ chiếm 50% doanh số xe điện của BYD, phần còn lại là xe tích hợp động cơ hybrid (PHEV). Chính vì thế, nếu chỉ tính riêng xe thuần điện BEV thì Tesla vẫn có doanh số lớn nhất thế giới.

Cuộc chiến khốc liệt của những ông lớn ô tô điện - Ảnh 1.

Tesla đang theo đuổi chiến lược giảm giá để tăng doanh số và chấp nhận giảm lợi nhuận. Reuters

Còn theo số liệu mới nhất, tính cả quý 1/2023, BYD sản xuất khoảng 260.000 chiếc BEV và đạt tổng số hơn 500.000 chiếc (bao gồm của BEV lẫn PHEV), thì Tesla sản xuất khoảng 440.000 chiếc BEV.

Tuy vẫn đang dẫn đầu thị trường xe thuần điện chạy bằng pin, nhưng Tesla vẫn đang bị bám đuổi quyết liệt với BYD vốn có mức tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, trong khi Tesla chỉ đạt mức tăng trưởng 44%. Không những vậy, các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc đang trong giai đoạn "trăm hoa đua nở" với mức tăng trưởng không ngừng nên sức ép cạnh tranh càng trở nên lớn hơn. Nhiều hãng Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực ô tô điện năm 2022. Ví dụ: Geely đạt hơn 350.000 xe (tăng trưởng 251%), GAC đạt gần 290.000 xe (tăng trưởng 130%), Cherry đạt 253.000 chiếc (tăng trưởng 136%)… Trong khi đó, Tesla năm 2022 chỉ tăng trưởng khoảng 40% so với năm 2021.

Góp phần tích cực trong cạnh tranh ô tô điện còn có những thương hiệu xe hơi đình đám lâu đời như GM, Ford, Mercedes, BMW…

Cuộc chiến khốc liệt của những ông lớn ô tô điện - Ảnh 2.

Nguồn: Rho Motion – Đồ họa: Bảo Nguyễn

Cuộc chiến giá cả

Giữa sự cạnh tranh căng thẳng như vậy, Tesla từ vài tháng qua đã tung ra chiến dịch giảm giá sâu nhằm đối phó với các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc, đặc biệt đòn giảm giá sâu diễn ra ngay tại thị trường Trung Quốc.

Bắt đầu từ tháng 1, tại thị trường Trung Quốc, Tesla đã giảm giá các dòng xe Model 3 và Model Y từ 6 – 13,5%. Thậm chí, giá bán của nhiều dòng xe của Tesla ở Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều tại thị trường Mỹ. Ví dụ, theo tờ Financial Post, giá bán của Tesla Model Y sau khi giảm 10% còn 259.900 tệ, tương đương 37.875 USD thì rẻ hơn đến 43% so với giá bán của Tesla Model Y tại Mỹ là 65.990 USD.

Chiến lược giảm giá của Tesla đã kéo theo các hãng khác cũng phải hạ giá để cạnh tranh với "ông lớn" đến từ Mỹ. Khoảng 40 hãng xe Trung Quốc đã giảm giá bán cả xe điện lẫn xe động cơ đốt trong. BYD cũng giảm giá xe khoảng 10%. Theo tờ The New York Times, chỉ trong tháng 3, giá xe điện ID.3 do Volkswagen liên doanh với một đối tác Trung Quốc đã phải giảm giá đến 18%.

Kết quả từ chiến lược giảm giá, doanh thu toàn cầu của Tesla trong quý 1/2023 đạt 23,3 tỉ USD, tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái dù doanh số tiêu thụ tăng hơn 40%. Tuy nhiên, lợi nhuận của Tesla trong quý 1/2023 chỉ đạt 2,5 tỉ USD, tức giảm đến 24% so với mức 3,3 tỉ USD của cùng kỳ năm 2022.

Thế nhưng, tỉ phú Mỹ Elon Musk, Tổng giám đốc của Tesla, không có ý định dừng lại chiến lược giảm giá khi muốn đạt doanh số 2 triệu chiếc trong năm 2023. Cụ thể, CNN dẫn lời tỉ phú Elon Musk phát biểu vào ngày 19.4 tuyên bố: "Chúng tôi có quan điểm rằng việc thúc đẩy doanh số lớn hơn là lựa chọn tốt hơn việc chấp nhận duy trì doanh số thấp cùng tỷ suất lợi nhuận cao". Nói một cách khác, Tesla sẽ tiếp tục giảm giá để tăng doanh số và chấp nhận giảm lợi nhuận.

Tờ The New York Times nhận định đây là một đòn nặng nhắm vào các hãng xe hơi Trung Quốc, vốn đang gặp khó khăn do các chính sách ưu đãi của chính phủ giảm đi.

Evergrande lao đao với mảng ô tô điện

Sự hấp dẫn của thị trường xe điện đã thu hút cả sự tham gia của Tập đoàn Evergrande (Hằng Đại) – một đại gia bất động sản hàng đầu Trung Quốc. Evergrande đã mở ra công ty chuyên kinh doanh ô tô điện. Thâu tóm cả những thương hiệu xe hơi Saab (Thụy Điển), đồng thời mua cổ phần lớn trong Hãng xe điện Faraday Future (Mỹ) từng khá đình đám, lãnh đạo Evergrande hồi năm 2019 đã tuyên bố sẽ cạnh tranh, vượt mặt Tesla trong vòng 3 – 5 năm. Tuy nhiên, giữa bối cảnh thị trường xe điện cạnh tranh khốc liệt, Evergrande lại gặp khó khăn khi ngành bất động sản bị "đóng băng". Kết quả, mảng kinh doanh ô tô điện của Evergrande ngày càng bi đát. Đến cuối tháng 3 vừa qua, Evergrande thừa nhận có thể sẽ phải ngừng sản xuất ô tô điện nếu không nhận thêm dòng vốn.

Theo Hoàng Đình/TNO

 

Bình luận (0)