Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Cuộc chiến trồng người” bên bờ Ô Lâu

Tạp Chí Giáo Dục

Để được đến trường, học sinh cấp 2 ở Càng phó mặc mạng sống của mình trên những chiếc ghe ngo mỏng manh

Có địa hình thấp hơn mực nước biển từ 0,7 đến 1 mét, vùng Càng thuộc 5 xã vùng sâu của huyện Hải Lăng (nằm ở phía đông và đông nam sông Ô Lâu) gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Để đến được trường học, hàng chục học sinh từ lớp 5 trở lên đến mùa mưa lũ phải phó mặc mạng sống của mình trên những chiếc ghe ngo mỏng manh; còn học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 phải học lớp ghép, thiếu thốn đủ thứ. Năm học mới đã bắt đầu, thầy trò nơi đây cũng bắt đầu một “cuộc chiến” đầy cam go, vất vả…
Bì bõm đi tìm… chữ
Men theo tuyến đê bao chống lũ ven bờ sông Ô Lâu, từ xã Hải Chánh – nơi có QL1A đi qua, chúng tôi tìm về 2 điểm trường tiểu học khu vực lẻ của ba Càng: An Nhơn, An Thơ và Hội Điền (thuộc xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Nước lũ vừa mới rút nên con đường đê bằng bê tông duy nhất dẫn vào 3 thôn này vẫn bị một lớp bùn dày bao phủ, ở nhiều đoạn bèo tạp, rác rưởi phủ kín cả lối đi.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hòa làm hướng dẫn viên cho chúng tôi cảnh báo: “Các em đến đây thì phải chuẩn bị tinh thần học làm nông dân vùng đồng chiêm nước trũng”. Quả vậy! Phải mất gần 3 giờ đồng hồ tay xách dép, bấm chặt mười ngón chân xuống lớp bùn trơn trượt, chúng tôi mới đến được điểm trường lẻ An Thơ.
Cô giáo Võ Thị Thu, giáo viên điểm trường lẻ An Thơ nhìn chúng tôi lấm lem bùn đất, cười hiền: “Bây giờ các bạn đi nhanh hơn rồi, mới năm ngoái thôi (2009) khi mình vào nhận nhiệm vụ ở đây, phải đi mất 6 giờ hết lội bùn đến đi nhờ thuyền của bà con, mới tới được đây!”. Có lẽ vì thế mà vùng đất này ngoài những cái tên ý nghĩa còn được mọi người gọi theo cái tên khác xót xa hơn: “Thôn Đại Tội”!
Nếu ai đó hỏi rằng đối tượng nào “tội” nhất trong cái “đại tội” ấy thì đó chính là các em học trò! Một trong những thiệt thòi lớn nhất đó là do ở vùng này không có trường mẫu giáo, muốn được học mẫu giáo các em phải đi đến trường cách xa nhà 15km. Trong khi đó, các bậc làm cha làm mẹ vì điều kiện kinh tế khó khăn, quanh năm suốt tháng quần quật trên đồng ruộng nên không ai mặn mà gì khi nghĩ đến chuyện mỗi ngày dành thời gian vài giờ đồng hồ, vượt hàng chục cây số để đưa đón con đến trường học. Vì thế, từ lúc sinh ra cho đến năm 6 tuổi, trẻ em ở đây không hề được tiếp xúc với con tính, mặt chữ cái hay đơn giản hơn là những bài hát tuổi thơ.
Học trò từ lớp 1 đến lớp 4 ở đây phải “tự túc” đến trường. Đối với các em nhà cách xa trường 3 – 4 cây số, trời nắng thì tự đi xe đạp, trời mưa thì vắt quần lên cổ, xách dép trên tay và cứ thế… lội nước đến trường. Vất vả là thế, nhưng ở trường các em cũng chỉ được học có 2 môn là toán và tiếng Việt. Những đầu bài như mỹ thuật, tự nhiên và xã hội… là những cái tên hoàn toàn xa lạ với các em.
Sau khi hết lớp 4, muốn học tiếp lên lớp 5, tất cả các em ở vùng Càng này đều phải đến điểm trường chính ở trung tâm xã. Trường cách nhà 15 cây số, vào mùa mưa lũ, học sinh phó mặc mạng sống của mình trên những chiếc ghe ngo để đi học. Nhớ lại vụ chìm ghe năm trước, em Nguyễn Thị Hà, học sinh lớp 9B, Trường THCS Hải Hòa, có nhà ở thôn Hội Điền vẫn chưa hết bàng hoàng: “Trên chiếc ghe hôm đó tụi em gồm có 8 đứa. Vì mưa to, trời lại tối nên vừa chèo cách xa trường học khoảng 4 cây số thì gặp dòng nước xoáy làm chiếc ghe lật nhào. Tụi em í ới gọi nhau mà không có cách nào lật ghe trở lại, đứa nào đứa nấy vật vã trong dòng nước mệt lả người. May mà có mấy bác đi giăng lưới bắt cá cứu giúp…”.
Cam go cuộc chiến “trồng người”

Học sinh vùng nam sông Ô Lâu trên đường đến trường.

Những năm trước đây, trường học của con em ở các thôn An Thơ, Hội Điền, Hưng Nhơn chủ yếu là mượn nhà dân hoặc nhờ nhà kho của hợp tác xã thôn (nếu có). Năm 2009, Dự án Phòng chống thiên tai bão lũ miền Trung đầu tư gần 3 tỷ đồng xây hai ngôi nhà 2 tầng ở An Thơ và Hội Điền cho bà con trong vùng tránh lũ. Và hai ngôi nhà này được dùng làm trường học hiện nay, đó là Trường Tiểu học An Thơ và Trường Tiểu học Hội Điền. Điểm Trường An Thơ có 2 lớp ghép là lớp 1 + 2 và lớp 3 + 4. Tổng số học sinh có 20 em, do hai cô giáo phụ trách. Còn Trường Hội Điền có 1 lớp ghép 1+2+3 với tổng số 9 học sinh do một cô giáo phụ trách.
Không thể nói hết được những khó khăn vất vả mà các cô giáo ở Càng đang hàng ngày phải đối mặt. Dẫu vậy, họ vẫn tình nguyện gắn bó với mảnh đất này để đưa các em tiếp cận với tri thức. Để làm được điều đó, các cô giáo này không chỉ nỗ lực vượt qua sự chật vật về cơm áo, về hoàn cảnh nhà ở xa, con cái còn nhỏ, mà còn giúp đỡ, sẻ chia nỗi khát khao học chữ của trẻ em vùng Càng, góp phần công sức đáng kể vào sự phát triển tốt đẹp của xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Mến, giáo viên Trường Tiểu học An Thơ, có thâm niên ở vùng này hơn 2 năm tâm sự: “Hồi mới đến đây mình không nghĩ là mình có thể trụ lại được. Nhưng rồi đến mùa mưa lũ, thấy các em áo quần ướt nhẹp, đội mưa hăng hái đến lớp mà thương đến thắt lòng. Thế là mình động viên chồng chăm nom con cái để mình ở lại cùng các em cho đến lúc nghỉ hưu”.
Đến với Càng – Hội Điền, đi từ đầu làng cuối xóm chúng tôi đều nghe bà con kể câu chuyện về ông già Noel của Càng. Tìm hiểu mới biết, ông già ấy không ở đâu xa mà chính là cô giáo Dương Thị Hiền – giáo viên duy nhất của Trường Tiểu học Hội Điền.
Năm nay cô giáo Hiền tròn 26 tuổi. Cách đây 3 năm, sau khi tốt nghiệp Khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, cô tình nguyện về đây dạy học. “Mình từng tham gia rất nhiều chuyến tình nguyện hè về miền xuôi cũng như lên miền ngược. Nhưng mình thấy không có nơi nào trẻ em chịu thiệt thòi như ở đây. Mình quyết định ở lại đây vì thương các em, phần khác vì cảm động trước tình cảm và khát vọng của các bậc phụ huynh ở đây. Bà con tuy nghèo nhưng gia đình nào cũng cố gắng hết mình cho con em đến trường”. 
Ông Nguyễn Thuận, Trưởng thôn Hội Điền phấn khởi nói: “Bây giờ quê mình đã có những cô giáo tốt bụng như cô Thu, cô Mến, cô Hiền rồi không còn lo con em thất học nữa. Suốt hơn 30 năm nay, vùng này chưa có em học sinh nào đỗ đại học. Nhưng mình tin cũng như bà con tin chỉ ít năm nữa thôi, sẽ có nhiều con em thi đỗ đại học”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)