Hội nhậpThế giới 24h

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Tạp Chí Giáo Dục

Làm sao để chiến thắng được cướp biển Somalia vẫn là một vấn đề chưa tìm được cách giải quyết khả thi. Và như vậy, chống lại cướp biển, mối đe dọa của thế kỷ 21, đã trở thành cuộc chiến tranh du kích ngoài khơi và cả trên đất liền

> Mỹ giới thiệu giải pháp chống cướp biển: “Rút củi cho khỏi cháy nồi”

Trước sự lộng hành của cướp biển ngày càng gia tăng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton xác định: “Chúng ta có thể đang đối phó với loại tội phạm thế kỷ 17, nhưng cần sử dụng các giải pháp của thế kỷ 21 để giải quyết”.

Nhiều biện pháp chống cướp biển
Theo AP, Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Obama sẽ áp dụng một biện pháp khác thường, đó là phong tỏa tài sản của cướp biển đồng thời với việc cản trở những tên cướp ngoài khơi Somalia. Tuy nhiên, bà Clinton công nhận rằng khó có thể xác định được tài sản của cướp biển. Theo bà, cần phải dò tìm ra, đóng băng số tiền chuộc mà cướp biển nhận được và các khoản tiền khác chúng sử dụng để mua thuyền, vũ khí cũng như các trang thiết bị liên lạc mới. Một cựu viên chức Mỹ tuyên bố đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.


Lực lượng hải quân quốc tế tăng cường tuần tra Vịnh Aden sau khi cướp biển gia tăng các cuộc tấn công

Ngoài ra, về lâu dài, bà Clinton đề nghị phát triển và khôi phục luật pháp ở Somalia, một đất nước không có chính quyền trung ương hiệu quả kể từ năm 1991 đến nay. Hơn nữa, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, ông Bryan Whitman, cho biết các viên chức quốc phòng Mỹ cũng đang tìm kiếm những phương cách mới để chống cướp biển ngoài khơi và trên đất liền.
Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti của Nga phân tích những phương cách chiến đấu chống lại cướp biển. Cách thứ nhất hiện đang được thực hiện. Đó là điều động các tàu tuần tra một khu vực nhất định trong Vịnh Aden và chỉ bắn vào cướp biển khi chúng tấn công trực tiếp các tàu buôn qua lại đây. Đồng thời, xuất phát từ kinh nghiệm có sẵn, các tàu tuần tra chủ yếu bắn cảnh cáo, hạn chế bắn thẳng vào cướp biển. Việc tuần tra như vậy đã cứu được nhiều tàu khỏi bị cướp biển đánh chiếm. Càng có nhiều tàu tuần tra, càng nhiều tàu được cứu.
Cách thứ hai gay go hơn. Tàu chiến và trực thăng chủ động nổ súng khi phát hiện cướp biển bất chấp chúng có tấn công tàu hàng hay không hoặc đơn giản là chúng đang trên đường chờ đón con mồi. Tuy nhiên, người ta có thể nhận định sai nếu như cướp biển giấu đi vũ khí của chúng, bởi vì trong Vịnh Aden, một con thuyền nhỏ chở đầy đàn ông khỏe mạnh đi dạo chơi hoặc để đánh bắt cá không phải là chuyện không xảy ra.
Cách thứ ba quyết liệt nhất: tiêu diệt tàu thuyền của cướp biển cũng như vũ khí của chúng. Để làm được điều này, phải đánh thẳng vào sào huyệt của cướp biển. Dù cách này có thể giết và bắt được nhiều cướp biển làm tù binh, song lại nguy hiểm nhất, bởi vì chắc chắn sẽ có nhiều dân lành thiệt mạng.

Cướp biển và con tin trên du thuyền Tanit bị cướp biển Somalia bắt giữ ngày 14-4. Ảnh: AFP

Không thua kém khủng bố

Trong khi thế giới chưa có một giải pháp nào để giải quyết rốt ráo nạn cướp biển, hãng tin RIA Novosti bày tỏ sự lo ngại rằng bọn chúng có cả tương lai và triển vọng. Có thể số phận cướp biển Somalia kéo dài không lâu nữa, nhưng nhiều khả năng những tên cướp người nước ngoài sẽ thay thế dân bản địa. Đó là những tên tội phạm chuyên nghiệp, những tay lính đánh thuê… và có thể là cả những kẻ khủng bố nữa. Cướp biển bấy giờ không đụng đến hàng hóa bởi vì chúng có thể đòi tiền chuộc số hàng đó.
Ai cũng nhận thấy cướp biển đang thực hiện “cuộc cách mạng” mạnh mẽ. Khoảng năm 2007, cướp biển chẳng hề nghĩ đến việc tấn công liên tục con mồi giữa thanh thiên bạch nhật, thế mà từ năm 2008 đến nay, chúng chẳng bỏ qua một con tàu nào nếu như có khả năng đánh chiếm được. Độ lớn và tốc độ của con tàu không ngăn cản được cướp biển.
Cướp biển Somalia là những kẻ thất học, thậm chí vô kỷ luật. Sau khi giải cứu thành công thuyền trưởng Richard Phillips, theo AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates còn nhận xét rằng bọn cướp biển canh giữ viên thuyền trưởng này là những thanh niên mới lớn, không hề được huấn luyện song lại được trang bị vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra khi trong hàng ngũ cướp biển Somalia xuất hiện những tên tội phạm lõi đời, những chiến binh có kinh nghiệm chiến đấu, những cái đầu khôn ngoan ở trên bờ với máy tính và nhiều phương tiện khác có thể theo dõi từng chuyến tàu cụ thể?
Như thế, mối đe dọa từ cướp biển có nguy cơ sẽ không nhỏ hơn, thậm chí còn vượt qua khủng bố. Dù sao thì những kẻ khủng bố vẫn là vì một lý tưởng cuồng tín nào đó, còn cướp biển là chuyện kiếm sống. Và khi ngày càng nhiều kẻ gia nhập hoạt động tội phạm nhiều lợi nhuận này, lẽ nào chúng còn có ý định cống hiến mạng sống mình vì một ý tưởng của ai đó? Nhiều người còn e ngại rằng cướp biển Somalia chỉ là sự khởi đầu của những tổ chức đáng sợ hơn và nguy hiểm hơn đối với nhân loại.

Thống nhất nỗ lực của mọi quốc gia

Hơn 90% tàu thủy là để chở hàng hóa. Thế giới hiện không có một dạng hoạt động nào khác có tính quốc tế hóa và toàn cầu hóa như tàu chở hàng. Chẳng hạn như tàu chở hàng sang châu Âu, chủ sở hữu người Đài Loan, treo cờ Singapore, thủy thủ đoàn thuộc nhiều quốc tịch: Anh, Philippines, Indonesia… Ngoài ra, hàng ngàn container hàng hóa chở trên tàu lại thuộc về nhiều quốc gia khác nhau.
Một chuyến tàu hiện đại là như vậy. Khi bạn sống, làm việc trên đó, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thế giới như một thể thống nhất, các biên giới đều bị xóa nhòa. Chẳng ở nơi đâu người ta lại cần phải đặt quyền lợi của cộng đồng thế giới nói chung cao hơn lợi ích của riêng mình như trên một chuyến tàu hàng như thế. Ý thức được điều đó, thế giới đang cố gắng thỏa thuận, tìm cách thiết lập những cơ chế mới để đối phó với những mối nguy hiểm của thời hiện tại và trong tương lai. Vì thế, để chiến thắng được cướp biển hiện nay và mai sau, chỉ có một con đường: Thống nhất nỗ lực của tất cả mọi quốc gia.

Ngô Sinh (nld)

 Tin liên quan:

Cướp biển Somalia “trêu ngươi” thế giới

Cướp biển Somalia vẫn lộng hành!

Pháp giải cứu con tin khỏi cướp biển Somalia

Giành lại con tàu từ tay hải tặc

 Hải tặc Somalia bắt giữ tàu Anh 

Bình luận (0)