25 tuổi nhưng Nguyễn Thương Thương nhỏ nhắn như một đứa trẻ lên 3, chỉ có gương mặt là đúng tuổi. Chưa bao giờ Thương tự đi được bằng đôi chân của mình và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng gãy xương. Nhưng không vì thế mà Thương trở thành gánh nặng cho gia đình. Website www.thuongthuong.net là cánh cửa để Thương giao lưu, tiếp xúc và mưu sinh.
Có nỗi đau mang tên xương thủy tinh
“Một lần mẹ đi làm về, thấy chị và các em đang vây quanh mình khóc, còn mình mặt mày tím tái. Mẹ biết rằng mình lại bị gãy tay. Đấy là lần mình phải nằm liệt 2 tháng trời. Đến khi tay hồi phục, chỗ nằm đã in hình mình trên đó” – Thương kể lại. Khi còn nhỏ, Thương sống ở quê cùng mẹ. Thương thường xuyên bị gãy tay do có nhiều trẻ con với những trò nghịch ngợm. Chỉ cần một đứa trẻ nào đó va chạm mạnh lên người là Thương có thể bị gãy bất cứ bộ phận nào của cơ thể, nhất là tay và chân. “Nỗi lo thường trực của mẹ mỗi khi đi làm về là có thể mình đã bị gãy xương ở đâu đó”, Thương nói. Khi sinh ra, mẹ phát hiện thấy tay chân Thương ngắn, đầu to hơn bình thường. Đặc biệt, khi thay tã, Thương thường khóc rất đau đớn. Mẹ đã đưa Thương đến rất nhiều bệnh viện để khám và kết luận cuối cùng của bác sĩ là: “Xương thủy tinh, không chữa được, phải chung sống với nó cả đời. Mới sinh ra đã vậy, Thương lớn lên cùng với căn bệnh này nên không thấy buồn hay thất vọng. Chỉ có điều muốn được chơi như bất kỳ đứa trẻ nào là một cố gắng vô vọng đối với Thương. Hai cánh tay, hai chân, Thương không nhớ đã gãy bao nhiêu lần. Mỗi lần gãy, Thương nằm bất động để xương tự liền, không thể đưa đi bó bột như người bình thường. Chính vì vậy, có những lần bị gãy khi đang ngủ, Thương vẫn cảm thấy rùng mình vì đau đớn. Mỗi lần như thế, mẹ thường để Thương được khóc “hả hê”. Nhưng bây giờ, những cơn đau đó không còn ám ảnh nữa, bởi Thương và người nhà đã biết cách “ứng phó” với căn bệnh của mình. Kể cả mùa đông, Thương cũng không bao giờ được đắp chăn bông và mặc áo dày. Chỉ một cái áo mỏng và một tấm chăn mỏng, nếu không, Thương sẽ không thể trở mình.
Ai cũng biết mỗi người đều có một số phận. Nhưng khi nhìn thấy Thương, tôi không khỏi bùi ngùi. Ước mơ của nhiều người là công danh, là tiền tài nhưng ước mơ của Thương thật giản dị, nhỏ bé và rất đời thường: “Muốn được đứng dậy cầm cây chổi quét nhà cho mẹ, được tung tăng đến trường”. Và ước mơ đó của Thương sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Sức mạnh nằm ở con tim
Không thể đến trường, Thương luôn ao ước được học chữ, mẹ đã trở thành cô giáo bất đắc dĩ của Thương. Không chỉ dạy chữ, mẹ còn dạy Thương đan len. Đôi que đan có thể không là gì đối với người bình thường nhưng nó thực sự có “trọng lượng” đối với những người như Thương. Người yếu, khó cử động, mỗi lần đưa mũi đan lên tay tưởng chừng như muốn gãy, trầy da, chảy máu, dù vô cùng đau đớn nhưng Thương vẫn cố tập và sau một tuần thì có thể đan thành thạo. Những câu hỏi vô tình của ai đó như: “Thương đã biết làm gì giúp mẹ chưa?” khiến Thương rất tủi thân. Thương khóc. Năm 2003 khi xem chương trình “Người tốt, việc tốt” trên VTV, Thương rất khâm phục nghị lực phi thường của cô Lê Minh Hiền – một người khuyết tật đã lập ra câu lạc bộ dạy nghề “Vì ngày mai” dành cho những người khuyết tật. Lúc đó, Thương chỉ muốn đến câu lạc bộ của cô Hiền để học nghề và có thể tự tay làm ra những sản phẩm để kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Thương con bé nhỏ, bệnh tật, lúc đầu bố mẹ Thương không đồng ý nhưng thấy Thương quyết tâm nên năm 2007 gia đình cũng ủng hộ, đưa Thương đi học nghề. Dù tay yếu nhưng dường như Thương có năng khiếu với những nghề cần sự khéo léo và tỉ mỉ. Để làm được một chếc đèn ngủ từ 600 chiếc cúc áo nhỏ, Thương thường phải mất từ 1 đến 2 tuần. Không ai nghĩ, bàn tay nhỏ bé và có thể bị gãy bất cứ lúc nào của Thương có thể siết được sợi chỉ chặt đến thế. Không chỉ làm đèn ngủ, đan len mà Thương làm vỏ điện thoại bằng gỗ.
Nghiêm Huê
Cũng trong năm 2007, Thương làm quen với internet và cho ra đời website www.thuongthuong.net để giới thiệu sản phẩm của mình. “Có tháng bán được, có tháng không nhưng Thương cảm thấy rất vui vì mình đã làm được việc để giúp bố mẹ” – Thương xúc động nói. Thương cũng sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho các bạn khuyết tật khác với điều kiện người đó phải yêu nghề. |
Bình luận (0)